Nhiếp ảnh gia Nick Út. |
Nhắc đến tác phẩm báo chí nổi tiếng nhất trong thời chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, không thể không kể đến bức ảnh Em bé Napalm của nhiếp ảnh gia Nick Út. Bức ảnh chụp những đứa trẻ đang chạy tán loạn trên đường, khuôn mặt chúng hiện rõ sự sợ hãi, bối rối và đau đớn, đằng sau là khung cảnh khói bụi mù mịt.
Nhưng trung tâm của bức ảnh chính là một bé gái khi đó mới chín tuổi, trần trụi không mảnh quần áo, gương mặt hoảng loạn, gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm của Mỹ. Mặc dù có tên chính thức là Sự kinh hoàng của chiến tranh, bức ảnh được biết đến nhiều hơn với cái tên gắn liền với nhân vật trung tâm: Em bé Napalm (Napalm Girl).
Được chụp bên ngoài làng Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày 8/6/1972, bức ảnh miêu tả rõ sự tàn khốc, khung cảnh đau thương cũng như lên án các hành động bạo lực của chiến tranh gây ảnh hưởng thế nào đến đời sống của dân thường.
Giây phút lặng người
Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951. Trong thời kỳ chiến tranh, Nick Út là phóng viên ảnh cho hãng thông tấn AP (Mỹ) tác nghiệp trực tiếp trên chiến trường. Còn nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm là Phan Thị Kim Phúc, một bé gái mới chỉ chín tuổi.
Ngày 8/6/1972, nhiếp ảnh gia Nick Út đang tác nghiệp tại làng Trảng Bàng, Tây Ninh, cách Sài Gòn chỉ khoảng 50 km. Theo tờ New York Times, khi đó, quân đội Việt Nam Cộng hòa lên kế hoạch sử dụng tiêm kích đánh bom napalm vào ngôi làng này, mặc cho việc vẫn có rất nhiều dân thường đang cố gắng trú ẩn tại thánh thất Cao Đài Trảng Bàng.
Trò chuyện với báo chí, nhiếp ảnh gia Nick Út kể lại rằng, ông và các nhà báo đang đứng tại Quốc lộ 1 khi tiếng phản lực cơ xẹt qua và thả từng đợt bom xuống cũng là lúc lửa cháy bừng lên, khói đen rồi khói trắng lan rộng. Một lúc sau, từ màn khói trắng chạy ra vài đứa nhỏ, người dân, rồi cả đàn chó… Khung cảnh lúc đó, theo lời ông Út, thật ám ảnh. Người lớn ẵm xác những đứa nhỏ, còn bà ngoại của Kim Phúc tay ẵm một đứa bé bị lột phỏng da chân tay vì bỏng nặng. Đứa bé đó đã không qua khỏi.
Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi dù đeo trên mình tới bốn chiếc máy ảnh, nhưng trước khung cảnh đó, ông chỉ kịp chụp vội vài tấm gọi là. Bởi khung cảnh tiếp theo khiến tim ông quặn lại. Một cô bé mới chập chững 9-10 tuổi, trên người không một mảnh vải, vừa chạy vừa kêu gào: “Nóng quá! Nóng quá!”. Giây phút đó, thoáng trực giác của một phóng viên ảnh trỗi dậy, chàng trai 21 tuổi nhanh chóng đưa tay lên chụp một tấm. Bức ảnh đó sau này đã trở thành tác phẩm để đời của ông.
Ông kể lại: “Tới gần, thấy da cô bé tuột hết, lưng cũng cháy sém. Tôi nghĩ chắc cô bé sẽ chết mất vì đau đớn không chịu nổi, liền lấy nước tưới lên người cô đang cháy. Lúc đó tôi chỉ kịp nghĩ, nếu mình chỉ chụp thì cô ấy sẽ chết, phải cứu cô mới được”. Bỏ qua hết mọi thứ, ông liền đưa cô bé Kim Phúc và vài đứa trẻ khác lên xe rồi chạy thật nhanh ra bệnh viện. Trong xe, cô cũng liên tục nói với anh trai “chắc em chết”.
Ông cũng đã cố hết sức mình để giúp cứu sống cô bé. “Tới bệnh viện ở Củ Chi, lúc đầu họ không chịu nhận vì là bệnh viện quân y, tôi phải đưa thẻ nhà báo ra và ‘dọa’ sẽ công khai chuyện này lên truyền thông, họ đành sơ cứu cho Kim Phúc và các cháu bé. Tôi đã khóc khi thấy cô bé chạy. Nếu tôi không giúp cô bé, nếu có chuyện gì đó xảy ra và cô bé chết, tôi nghĩ tôi cũng sẽ tự kết liễu đời mình sau đó”, ông tâm sự.
Nick Út cho biết, ông đã khóc khi chụp bức ảnh đó và “ngay cả bây giờ, mỗi lần nhìn lại những bức ảnh, tôi vẫn thấy đau đớn”.
Em bé Napalm đã mang về cho nhiếp ảnh gia Nick Út giải Pulitzer năm 1973. Ngoài ra, năm 2010, tác phẩm được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại. Năm 2019, thông qua cuộc bình chọn của kênh truyền hình History, Em bé Napalm tiếp tục được chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới. |
Nghị lực vượt qua số phận
Đối với bà Phan Thị Kim Phúc (sinh năm 1963), giây phút ấy thật kinh khủng. Trả lời CNN, bà kể lại: “Tôi quay đầu lại thì thấy máy bay, có bốn quả bom rơi xuống. Rồi bỗng dưng, lửa bùng lên ở khắp mọi nơi và quần áo của tôi cũng bắt đầu bắt lửa và cháy rụi. Lúc đó, tôi không thể nhìn thấy ai xung quanh mình, chỉ có lửa và lửa”. Cô bé Phúc buộc phải xé trụi đống vải còn sót lại trên người và chạy thẳng xuống đường Quốc lộ 1 tìm người giúp đỡ.
Trong tâm trí của cô bé chín tuổi không chỉ có sự sợ hãi, mà còn là lo lắng cho tương lai của mình. Bà vẫn nhớ rõ suy nghĩ của mình khi đó: “Mình bị bỏng rồi, mình sẽ trở nên thật xấu xí và người ta sẽ nhìn mình với ánh mắt khác…”. Nhiếp ảnh gia Nick Út đã đưa cô bé Phúc đến bệnh viện với thương tích bị bỏng 30% ở tay, chân và lưng.
50 năm sau bức ảnh gây chấn động thế giới, ở tuổi 59, bà Kim Phúc đang sinh sống tại khu vực Toronto, Canada với chồng và hai con trai. Bà cảm thấy “may mắn” khi là “em bé Napalm” trong bức ảnh, dù phải sống với những vết sẹo lớn và cơn đau kéo dài khi phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ trong nhiều năm.
Bức ảnh “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út. (Nguồn: AP) |
Năm 1997, bà Kim Phúc đã sáng lập ra quỹ Kim, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Canada để giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân của chiến tranh. Tổ chức này thực hiện nhiều hoạt động như xây dựng bệnh viện, trường học và nhà cửa cho những trẻ em nạn nhân chiến tranh. Bà Phúc cũng trở thành người vận động vì hòa bình và đại sứ thiện chí cho Tổ chức nhân quyền UNESCO.
Năm 2019, chia sẻ với tờ The Sun, bà Kim Phúc tiết lộ khoảng thời gian khó khăn khi phải sống trong nỗi ám ảnh, sự mặc cảm, tự ti và những ký ức kinh hoàng về chiến tranh. Những vết bỏng năm đó đã biến thành những vết sẹo hằn khắp cánh tay và lưng, cũng như mang lại không ít đau đớn cho bà mỗi khi trái gió trở trời. Tuy nhiên, bà Kim Phúc đã quyết định không chạy trốn khỏi hiện thực, đứng lên và đấu tranh cho hòa bình, cho những nạn nhân của chiến tranh.
“Tôi coi bức ảnh chụp mình là một món quà đầy sức mạnh. Chiến tranh đã gần như phá hủy cơ thể và cuộc đời tôi, khiến tôi tuyệt vọng. Nhưng hiện tại, tôi muốn nói cho mọi người biết rằng, thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu mọi người học cách chung sống trong hòa bình, hy vọng và tha thứ”, bà Phúc chia sẻ.
Hàng năm, bà tiếp tục đi vòng quanh thế giới để kể lại câu chuyện về hành trình sống sót của mình, giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, vận động chống chiến tranh, xây dựng kinh tế, văn hóa, khoa học trong hoàn cảnh hòa bình, nhất là các hoạt động về y tế giúp người già, trẻ em và người vô gia cư...
Năm 2022, tác phẩm Em bé Napalm tròn 50 tuổi. 50 năm đã trôi qua nhưng bức ảnh vẫn mang những giá trị thiết thực cho tới ngày hôm nay. Dù chiến tranh Việt Nam giờ chỉ còn trong ký ức rất xa. Tuy vậy, Em bé Napalm ngày nay vẫn khiến nhiều người không khỏi xúc động vì tính chân thực đến mức ám ảnh.
Chiến tranh không chỉ khốc liệt và đau thương trên chiến trường, mà nó còn đem lại không ít khổ đau cho những người vô tình bị cuốn vào cuộc chiến. Em bé Napalm thực sự là một bức ảnh tiêu biểu không chỉ của chiến tranh ở Việt Nam mà còn là một tác phẩm báo chí đầy ý nghĩa, có tác động sâu sắc tới toàn cầu.
Napalm là tên một chất gây cháy dạng lỏng, kết hợp từ muối nhôm naphthenic và axit palmitic, được chế tạo nhằm khắc phục nhược điểm của súng phun lửa và bom cháy sử dụng xăng. Napalm tạo ra nhiệt độ lên tới 800-1.200 độ C. Năm 1980, Liên hợp quốc đã ban hành lệnh cấm sử dụng napalm đối với các mục tiêu dân sự. |
| Cộng đồng mạng 'xôn xao' vì bức ảnh của Son Ye Jin Diễn viên Hàn Quốc Son Ye Jin đăng bức hình chụp góc nghiêng, mặc đầm rộng, làm dấy lên tin đồn cô đã có thai. |
| Câu chuyện đằng sau một số tác phẩm chiến thắng cuộc thi Ảnh báo chí thế giới 2022 Những bức ảnh đoạt giải Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới 2022 được lựa chọn từ 64.823 tác phẩm của 4.066 nhiếp ảnh gia ... |