Chính quyền Thủ tướng Abe thành công trong việc xây dựng các chính sách mạnh mẽ tại Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Nguồn: Daily Times) |
Điểm nhấn trong chính sách Abenomics là nới lỏng tiền tệ dưới thời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, người được Thủ tướng Abe bổ nhiệm từ tháng 3/2013. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Kuroda, tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm của Nhật Bản giai đoạn 2013-2019 là 1,1%. Đây là sự cải thiện lớn so với thời kỳ 5 năm dưới sự lãnh đạo của Thống đốc trước đó là Shirakawa, khi tỷ lệ lạm phát trung bình là âm 0,2%.
Về chính sách tài chính, trước áp lực từ các thành viên phái diều hâu trong Bộ Tài chính, chính quyền Thủ tướng Abe đã phải tăng thuế từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014, theo thỏa thuận với Đảng Dân chủ Nhật Bản năm 2012. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế bất ngờ giảm mạnh khiến Thủ tướng Abe phải trì hoãn kế hoạch tăng thuế tiếp theo (từ 8% lên 10%) từ 2015 sang 2017, bất chấp sự phản đối của các quan chức Bộ Tài chính. Quyết định tăng thuế lên 10% cuối cùng được triển khai tháng 10/2019.
Tỷ lệ nợ công của Nhật Bản cao, gần 150% GDP năm 2018, có nghĩa là bất cứ Chính phủ nào xem xét thực hiện các biện pháp tăng thu cũng phải nhận thức được rằng những biện pháp đó có thể là cản trở tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng. Do vậy, Chính quyền Thủ tướng Abe khi triển khai quyết định tăng thuế lên 10% đã rất thận trọng, cùng lúc thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đợt tăng thuế, giúp hạn chế các tác động tiêu cực. Cùng với tác động của đợt tăng thuế, siêu bão Hagibis, kinh tế giảm 6,3% giai đoạn tháng 10-12/2019, việc các tác động lâu dài của tình trạng suy giảm có thể bị trầm trọng hơn do Covid-19 hay không vẫn cần tiếp tục theo dõi.
Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Abe đã thành công trong việc xây dựng các chính sách mạnh mẽ tại Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, không chỉ nhờ sự chuyển dịch quyền lực chính trị sang Kantei (Văn phòng Thủ tướng) và thành phần trong đội ngũ của Thủ tướng Abe: các quan chức Chính phủ hiện nay và trước đây bên ngoài bộ máy tinh hoa dòng chính. Bên cạnh đó, lợi thế nữa của Thủ tướng Abe là phe đối lập tại Quốc hội yếu và tình trạng bất mãn đối với Chính quyền trước do Đảng DPJ lãnh đạo giúp ông giành thắng lợi hết cuộc bầu cử này tới cuộc bầu cử khác.
Mặc dù Nhật Bản tránh được tình trạng giảm phát trong những năm gần đây, người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ phải đối phó với hai thách thức lớn. Thứ nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng Abe chưa thực hiện được. Mức tăng trưởng 1,1% dưới thời Thủ tướng Abe cho thấy nếu chỉ thực hiện chính sách tiền tệ và tài chính thì chưa đủ. Nhật Bản cần thực hiện các chính sách chú trọng nguồn cung, theo đó giúp nâng cao năng suất.
Cụ thể, ưu tiên cao nhất là tạo ra thị trường việc làm mạnh mẽ và thúc đẩy kinh tế chuyển dịch sang các lĩnh vực năng suất hơn. Bước tiếp theo là xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể thay thế các lĩnh vực công nghiệp cũ. Đây là một thách thức nữa đòi hỏi phải có một cơ quan mới của Chính phủ chuyên về sáng tạo. Các nhà hoạch định chính sách cũng phải khẩn trương nâng cấp hệ thống giáo dục để đáp ứng thời đại kỷ nguyên số.
Thứ hai là cải tổ bộ máy chính quyền. Đối lập với ở Mỹ, nơi các thể chế và chuyên gia cạnh tranh cung cấp dịch vụ hoạch định chính sách, tại Nhật Bản, bộ máy quan liêu là có đặc quyền cung cấp dịch vụ này. Theo các cải cách thể chế, nhằm phát huy quyền lãnh đạo chính trị hiệu quả đối với bộ máy hạn chế chia sẻ thông tin, hiện cơ quan nhân sự trung ương, được kiểm soát bởi các chính trị gia quyền lực trong Nội các, giám sát chặt chẽ các công chức cao cấp. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng hệ thống này khuyến khích các quan chức chỉ thông tin cho các chính trị gia những gì họ muốn nghe và cản trở các sáng kiến từ dưới lên.
Nhật Bản cần phong cách hoạch định chính sách mới, trong đó các công chức được thông tin đầy đủ và có tư duy mở. Người kế nhiệm Thủ tướng Abe phải cải tổ bộ máy quan liêu thông qua thiết lập hệ thống minh bạch, đánh giá và bổ nhiệm nhân sự dựa trên kết quả làm việc. 7 năm triển khai chính sách Abenomic đã tạo nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, chính quyền tiếp theo phải tập trung vào khía cạnh nguồn cung và cải cách hành chính cần để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế.