Hội thảo do chính phủ Australia hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam, CPA Australia và Hiệp hội Nhân sự phối hợp tổ chức.
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy 75% người lao động ở Việt Nam đang có khả năng gặp khó khăn, rủi ro cao khi các doanh nghiệp đang hướng đến tự động hoá và những chuyển đổi về hạ tầng, đô thị hoá hiện nay.
Theo TS. Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), để phát triển kinh tế cần phải đa dạng hoá nền kinh tế và nâng cao các kỹ năng của lực lượng lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp cần những điều mới mẻ hơn so với những gì lực lượng lao động được đào tạo trong trường học ở Việt Nam. Vì thế việc phối hợp với các chương trình đào tạo nước ngoài như ở Australia, đặc biệt là trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý kỹ thuật, lao động, kinh doanh là điều rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Keith Pitt khẳng định: “Các trường đại học và các cơ sở đào tạo của Australia có uy tín lớn trên thế giới. Hội thảo này là dịp để họ gặp gỡ với chính phủ, các doanh nghiệp của Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia nhằm thảo luận các cơ hội hợp tác mới”.
“Làm thế nào để quản lý và giữ được người tài?”
Ông Cấn Văn Lực (Phó Tổng Giám đốc điều hành, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV), cho rằng cần nâng cao năng lực lãnh đạo, thay đổi suy nghĩ của những người quản lý giáo dục, để có tư duy tích cực hơn, cùng đối thoại để đưa ra chiến lược đúng đắn.
Các diễn giả tại tọa đàm (Ảnh: Van Vi) |
Quản lý trong thế giới số hoàn toàn khác với môi trường bình thường. Trong bối cảnh bất ổn, nhiều sự rủi ro như hiện nay chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa trong việc quản lý nguồn nhân lực một cách hiệu quả nhất. Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay đổi còn chậm chạp, đòi hỏi tái cơ cấu tổ chức, tạo ra cơ hội tốt để quản lý văn hóa doanh nghiệp. Ông Cấn Văn Lực đặt câu hỏi: “Làm thế nào để quản lý và giữ được người tài?”.
Qua phân tích, ông Lực đưa ra nhận định, có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam còn theo thói quen truyền thống nên mất khá nhiều thời gian để thay đổi. Còn những bạn trẻ mặc dù năng động hơn, sẵn sàng tiếp cận với xu hướng chung nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý.
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Nam Phương (Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhân sự) băn khoăn, nếu chúng ta không nói cụ thể yêu cầu từng vị trí công việc trong cơ quan, doanh nghiệp thì rất khó trong việc đào tạo. Theo xu hướng phát triển chung hiện nay đòi hỏi những người có kỹ năng làm việc hơn là người có bằng cấp. Từ đó, tạo ra thách thức cho nhân sự.
“Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng xác định được các khung năng lực của mình. Tôi cho rằng những người lãnh đạo giỏi phải hội tụ đầy đủ khả năng quản lý. Họ cần tiếp thu những kinh nghiệm ở nước ngoài, thay đổi tư duy để thích ứng hơn với những thách thức mới. Tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển nhanh chóng để bắt kịp xu thế phát triển của toàn cầu", bà Nam Phương trăn trở.
Cùng quan điểm, Ông Greg Campbell (Tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trường Kinh doanh Melbourne) cho biết, để ứng phó với những bất ổn xảy ra, cần phải giúp người lao động đứng vững và thích ứng với những khó khăn có thể xảy ra, giúp họ làm sao có thể vận hành doanh nghiệp một cách thành công. Khi tạo ra một chương trình đào tạo cần xác định rõ những yêu cầu thích ứng nhưng đây không phải chuyện dễ dàng.
"Các nhà lãnh đạo đang thoát ra khỏi khuôn khổ truyền thống. Mức độ năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tìm kiếm thách thức mới để lái con thuyền doanh nghiệp thành công. Các doanh nghiệp phải tìm kiếm môi trường, thị trường mới. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, chúng ta cần xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức để đương đầu", ông Greg Campbell nhận định.
Chuyển thách thức thành cơ hội
Ông Mai Trọng Nhuận (Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, con người thời nay có nhiều thông tin nhưng không nhiều kỹ năng, vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào máy móc, chưa cân bằng được giữa công việc và đời sống. Đồng thời, ông Nhuận nhấn mạnh, lực lượng lao động của chúng ta cần kiên nhẫn hơn, phải có kỹ năng cụ thể trong việc thay đổi tư duy, thái độ để có định hướng rõ ràng cho mình.
Ông Nhuận cũng đặt ra vấn đề cần phải có dự báo khả năng thay đổi, chuyển thách thức thành cơ hội. Trong bối cảnh quá nhiều thông tin như hiện nay, làm sao trao cho họ nguyên tắc trao đổi thông tin, giúp họ lựa chọn cơ hội, lựa chọn thông tin để giải quyết được thách thức của mình cũng là vấn đề cần quan tâm.
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Van Vi) |
"Thách thức hiện nay đang hướng tới việc phải có những con người sáng tạo. Chúng ta phải cân bằng thiết bị số, yếu tố con người, công nghệ, giữ gìn bản sắc, hài hòa giữa yếu tố cá nhân với tập thể, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tin tưởng nhau để từ đó có lòng tin thực sự" - Ông Nhuận băn khoăn.
Chia sẻ quan điểm của mình, bà Miranda Kwong (Kinh tế gia về lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế) nhận định, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chất lượng việc làm, tỉ lệ lao động có trình độ thấp vẫn tồn tại, điều kiện làm việc chưa cao. Từ đó, bà cho rằng cần xây dựng kỹ năng để giúp cho lực lượng lao động tư duy sáng tạo hơn, phục vụ công việc sao cho hiệu quả, đồng thời tăng cường tính tự chủ trong công việc.
Bà Phan Thị Hồng Hạnh (Phó Trưởng ban tổ chức – nhân sự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho rằng, thế hệ trẻ rất năng động nhưng vẫn còn sự lệch pha giữa kiến thức học được trong nhà trường của lực lượng lao động với yêu cầu thực tế của công ty, doanh nghiệp.
“Tôi phải nói rằng đối với các bạn trẻ Việt Nam thường theo đa số, theo định hướng của cha mẹ trong khi đó, tư vấn việc làm, ngành học còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp cũng chưa thực sự có kết nối chặt chẽ với người học.” – Bà Phan Thị Hồng Hạnh nói.
Đề cao sự tác động của công nghệ, ông Tom Ristoski (Giám đốc điều hành ban giáo dục cho cán bộ quản lý và đối tác chiến lược, Đại học Công giáo Australia) đưa ra nhận định về việc liên kết mặt xã hội, xu thế toàn cầu hóa đang đặt ra các ngưỡng khác nhau. Để người lao động có nền tảng tốt, cần tăng cường giáo dục họ, thay đổi tư duy, bồi bổ kỹ năng. Khi họ có định hướng rõ ràng sẽ trả lời được những vấn đề đặt ra.
“Đang sống trong thế giới nhiều thay đổi, chúng ta cần phải nỗ lực học hỏi qua thực tiễn. Vì vậy, mỗi chúng ta phải thay đổi chính bản thân, thay đổi tư duy và cách làm việc của mình, quan trọng là phải làm chủ được công nghệ. Ngoài ra, chúng ta nên đặt mình vào những môi trường khác nhau để thích nghi và đổi thay” - ông Tom Ristoski cho biết thêm.