📞

Đất mỏ giải bài toán du lịch bền vững

10:00 | 09/06/2017
Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh tiêu cực, mức đóng góp vào Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ hoạt động du lịch vẫn khiêm tốn,... là các vấn đề mà ngành Du lịch Quảng Ninh đang tìm mọi cách khắc phục, để hướng tới hoạt động kinh doanh du lịch bền vững.

Ngành Du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là giải pháp hữu hiệu để có thể thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Chính vì thế, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được tỉnh thường xuyên tăng cường và không ngừng đổi mới. Đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, các quy chế, kế hoạch, đề án; nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành, địa phương về du lịch đã có những thay đổi, chuyển biến và tác động rất mạnh mẽ đến hoạt động du lịch.

Một góc Vịnh Hạ Long.

Đối mặt với thách thức

Năm 2017 được Tổ chức Du lịch Thế giới chọn là Năm Du lịch bền vững, với ba nhóm tiêu chí, gồm: bền vững về môi trường, bền vững về văn hóa - xã hội và bền vững về kinh tế. Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận đều phải tuân thủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thế giới... Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất là ý thức của các bên liên quan, gồm cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững, nhưng cũng vẫn gặp nhiều thách thức. Hiện tại, những giải pháp phát triển du lịch ở Quảng Ninh được thực hiện ở tất cả cấc cấp, từ tỉnh, huyện đến xã; từ đó giúp người dân nhận thức rõ ràng về phát triển du lịch bền vững. Đây là giải pháp quan trọng giúp Quảng Ninh nói chung và các địa phương trong tỉnh nói riêng tự giới thiệu và quảng bá hình ảnh của mình. Duy trì môi trường du lịch bền vững, đảm bảo bản thân mỗi người dân cũng phải tham gia và nhận thức được rằng làm du lịch cũng chính là một công việc có lợi. Đây không chỉ là cách giúp họ phát triển kinh tế địa phương mà là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch bền vững.

Tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Ninh là rất nhiều điểm đến hấp dẫn và đa dạng các loại hình du lịch. Nhưng du lịch Quảng Ninh có thực sự thu hút du khách đến với nơi đây hay không, khai thác được lâu dài, bền vững là bài toán mà chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ, như vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch; củng cố và mở rộng thị trường đa dạng các loại hình du lịch; đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; sự tham gia của cộng đồng; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các nội dung và 56 giải pháp, dự án thành phần để thúc đẩy phát triển du lịch; đa dạng hoá các nguồn lực, đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch như Khu kinh tế Vân Đồn, TP. Hạ Long, Móng Cái...

Mặt khác, tỉnh cũng giao các ngành, địa phương đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, đặc biệt là các giải pháp quản lý, công tác xây dựng chính sách, giao trách nhiệm, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và uỷ quyền, phân cấp...

Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án phát triển du lịch.

Tới nay, nhiều quy hoạch điển hình đã trở thành những điểm sáng trong bản đồ du lịch như: quy hoạch phát triển dịch vụ vùng đệm Yên Tử; quy hoạch phát triển du lịch huyện Cô Tô, TP. Móng Cái, TP. Cẩm Phả; quy hoạch bảo tồn và phát huy ba khu di tích lịch sử và danh thắng quan trọng của Quảng Ninh: Khu Di tích lịch sử Danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử Nhà Trần Đông Triều, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng... Đây là những minh chứng của việc áp dụng cách làm mới mang tính đồng bộ, giải pháp phù hợp trong công tác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh và các ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức hoạt động du lịch, ngành Du lịch Quảng Ninh đang phát triển đúng hướng, khai thác tốt những tiềm năng sẵn có.