📞

Dấu ấn ngoại giao Việt Nam, điều còn mãi

Vũ Đăng Minh 10:00 | 08/05/2021
Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp nhiều thành tựu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của quốc gia, dân tộc. Trong những dấu ấn nổi bật gần đây là năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021...

Truyền thông thống kê trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch (4/2021), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức 27 hoạt động chính thức: 5 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo, 2 cuộc họp thông qua nghị quyết, 7 cuộc họp thương lượng nghị quyết; thông qua 13 văn kiện (4 nghị quyết, 2 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột”, ngày 19/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việt Nam đề xuất, chủ trì tổ chức 3 sự kiện ưu tiên, gồm Phiên thảo luận cấp cao về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột”, Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng về “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu chính là nền tảng để xây dựng hoà bình bền vững”.

Nghị quyết 2537 do Việt Nam chủ trì xây dựng và thương lượng về “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” là một trong số ít văn kiện có số nước đồng bảo trợ cao (65 nước) và 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an thông qua.

Chuẩn bị và hoàn thành với chất lượng cao chừng đó hoạt động, sự kiện, trong bối cảnh xung đột, đối đầu, cạnh tranh gay gắt trên phạm vi toàn cầu, với sự góp mặt của các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, quả là một kỳ công.

Định vị Việt Nam

Quốc tế ghi nhận và đánh giá cao Việt Nam đã lựa chọn đúng vấn đề ưu tiên, cấp thiết; linh hoạt, sáng tạo tổ chức gặp gỡ, trao đổi, tham vấn, dung nạp sáng kiến, đề nghị của các nước; thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; xây dựng sự đồng thuận cao để ra quyết định kịp thời.

Lãnh đạo, đại diện các nước và nhiều học giả quốc tế đánh giá, Việt Nam khẳng định vị thế, uy tín cao, ghi dấu ấn đậm nét trong cộng đồng quốc tế với nỗ lực, trách nhiệm trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Trong tự nhiên, vật có vị trí càng cao thì thế năng càng lớn. Trong quan hệ quốc tế cũng tương tự. Định vị vị trí quốc gia càng cao trong trật tự thế giới nhiều biến động hiện nay thì tiềm năng của quốc gia càng lớn.

Nhưng quan trọng hơn, sâu xa hơn, nhân văn hơn câu chuyện vị thế, uy tín, Việt Nam nỗ lực hành động với mong muốn đóng góp cho hợp tác phát triển, xây dựng nền hòa bình bền vững, mang lại an bình, điều kiện sống thiết yếu cho mọi người dân trên hành tinh này.

Kết quả tháng Việt Nam làm Chủ tịch, như đánh giá của Trưởng phái đoàn Thường trực Ireland tại Liên hợp quốc Geraldine B. Nason, “Việt Nam không chỉ thực hiện đúng lời hứa trước khi bước chân vào Hội đồng Bảo an mà còn mở ra cánh cửa rộng cho các Chủ tịch tiếp theo”.

Trong hai cuộc kháng chiến, Việt Nam là tấm gương cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Thì trong thời đại mới, Việt Nam là nguồn động lực cổ vũ các nước đang phát triển, nước nhỏ tham gia đóng góp hiệu quả cho Liên hợp quốc.

Thành công của Việt Nam góp phần khẳng định vai trò to lớn, không thể thay thế của Liên hợp quốc trong phối hợp các quốc gia, các hoạt động mạnh mẽ, nhằm ngăn ngừa, giải quyết xung đột, đối phó, khắc phục hậu quả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, xây dựng, củng cố nền hòa bình, gìn giữ ngôi nhà chung của hành tinh chúng ta.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu quốc tế tại Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cội nguồn thành công

Thành công trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nói riêng, trong công tác ngoại giao nói chung là tổng hòa của nhiều nguyên nhân và các bài học lớn. Xin đề cập một số nội dung cơ bản.

Trước hết, đường lối đối ngoại của Đảng và thành tựu xây dựng, phát triển đất nước sau 35 năm đổi mới tạo nền tảng cho Ngoại giao Việt Nam vươn tầm, tỏa sáng. Định hướng của Đảng chủ động đề xuất, tham gia các sáng kiến đa phương, thiết thực, phù hợp với điều kiện đất nước, lợi ích chung, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín cao của đất nước làm cho “tiếng chiêng ngoại giao Việt Nam” vang xa.

Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam kế thừa, phát huy truyền thống hòa hiếu, nhân ái, khoan dung của dân tộc; học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh. Mà nội dung cốt lõi là luôn vì lợi ích dân tộc, kết hợp hài hòa giữa các giá trị dân tộc và quốc tế; nỗ lực giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình; kiên định nguyên tắc, linh hoạt về sách lược; vận dụng nhuần nhuyễn “5 biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến); và ngoại giao “tâm công”, thu phục nhân tâm bằng chính nghĩa, sự chân thành, tấm lòng và lẽ phải… Điều đó tạo nên sức thu hút, thuyết phục của Ngoại giao Việt Nam.

Thứ ba, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của ngành Ngoại giao. Ngoại giao Việt Nam hiện đại dựa trên 3 trụ cột, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; kết hợp các kênh ngoại giao trên các lĩnh vực. Cái nền rộng, vững chắc tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ ngoại giao phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, trực tiếp trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ, nguồn lực quốc tế cho sự nghiệp xây dựng đất nước và thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Điều còn mãi

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về vai trò của giáo dục hay rộng ra là xây dựng con người, là đưa dân tộc Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Những năm qua, ngành Ngoại giao đã nỗ lực đưa Việt Nam hòa nhập với thế giới và mang thế giới đến Việt Nam. Có thể nói Ngoại giao đã chung sức cùng với các ngành khác, đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang” như mong muốn của Người.

Năm tháng, mọi sự kiện rồi cũng sẽ qua đi, chỉ những đóng góp mang lại hòa bình, hạnh phúc, đáp ứng khát vọng của dân tộc, của nhân loại là còn mãi. Nỗ lực đóng góp vừa qua làm phong phú bản sắc, giá trị của Ngoại giao Việt Nam.

Điều cốt lõi, còn mãi là Ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành, phụng sự quốc gia, dân tộc, trong các cuộc kháng chiến, trong chống bao vây cấm vận và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.