📞

Dấu ấn Việt Nam trong vai trò Điều phối viên G-21 tại Hội nghị Giải trừ quân bị

Chu An 11:09 | 22/02/2024
Việt Nam đã chủ trì, điều phối xây dựng dự thảo và cùng các thành viên G-21 thông qua 3 Tuyên bố chung để thể hiện quan điểm, lập trường của Nhóm về các vấn đề quan trọng.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại phiên họp CD ngày 23/1.(Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Từ ngày 22/1-21/2, tại Geneva, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ Hội nghị Giải trừ quân bị (CD), Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Điều phối viên luân phiên của Nhóm G-21 gồm 33 nước thành viên Phong trào Không liên kết tại CD.

Trên cương vị này, Việt Nam đã chủ trì, điều phối xây dựng dự thảo và cùng các thành viên G-21 thông qua 3 Tuyên bố chung để thể hiện quan điểm, lập trường của Nhóm về các vấn đề quan trọng. Đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva cũng đã thay mặt Nhóm phát biểu tại các phiên toàn thể của Hội nghị.

Tại tuyên bố trong phiên họp mở màn CD vào ngày 23/1, G-21 tiếp tục khẳng định coi trọng đối với vai trò của CD là cơ chế đàm phán đa phương duy nhất về lĩnh vực giải trừ quân bị; kêu gọi các nước thành viên cần tiếp tục các nỗ lực khôi phục, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội nghị và nối lại đàm phát thực chất, trong đó có việc thông qua một chương trình làm việc cân bằng và toàn diện.

Đáng chú ý, tại phiên họp ngày 30/1, đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva đã thay mặt G-21 phát biểu về sự tham gia của các nước không phải là thành viên tại CD với tư cách quan sát viên. G-21 kêu gọi CD cần tuân thủ và nêu cao các nguyên tắc cơ bản nhất của chủ nghĩa đa phương, bảo đảm tính minh bạch, bao trùm và khách quan trong việc xem xét và giải quyết vấn đề trên. Qua các phiên họp và thảo luận, Hội nghị đã đồng thuận thông qua 22 nước trở thành quan sát viên của CD trong năm 2024#_ftn1.

Việt Nam cũng đã chủ trì dự thảo, xây dựng Tuyên bố chung của G-21 về vấn đề giải trừ quân bị; dự kiến sẽ được phát biểu tại Phiên họp cấp cao của CD diễn ra từ ngày 27/2-1/3 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ.

Toàn cảnh phiên họp Nhóm G-21 do Việt Nam chủ trì cùng Chủ tịch CD - Đại sứ Indonesia ngày 14/2. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Bên cạnh các hoạt động trên, đoàn Việt Nam đã chủ trì 4 cuộc họp với các thành viên của G-21; tham dự họp hằng tuần với các Chủ tịch của CD trong năm; làm cầu nối thông tin hiệu quả giữa G-21 với các Chủ tịch CD.

Đặc biệt, Việt Nam đã có sáng kiến mời Chủ tịch đương nhiệm của CD là Ấn Độ (22/1-16/2) và Chủ tịch tiếp nối của CD là Indonesia (19/2-15/3) tham gia các cuộc họp với Nhóm G-21 để tăng cường tương tác, chia sẻ và trao đổi thông tin giữa Chủ tịch CD và các nước thành viên G-21.

Việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên G-21 được các nước thành viên ghi nhận và đánh giá rất tích cực. Kết thúc tháng Điều phối viên của Việt Nam, các nước thành viên G-21, trong đó có nhiều nước bạn bè truyền thống của Việt Nam như Cuba, Venezuela, Iraq, Ai Cập, Algeria... bày tỏ trân trọng và chúc mừng đoàn Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các nước cho rằng trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay tại CD, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò điều phối viên một cách “tích cực”, “có trách nhiệm”, “chuyên nghiệp” và “hiệu quả”.

Đại biện lâm thời Cung Đức Hân chủ trì họp nhóm G-21 cùng Chủ tịch CD - Đại sứ Ấn Độ ngày 5/2. (Nguồn: TTXVN)

Một số nước còn bày tỏ bất ngờ khi G-21, vốn là nhóm có số thành viên lớn nhất trong CD (chiếm 33/65 thành viên), nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn đã có thể nhanh chóng đi tới đồng thuận và đưa ra các tuyên bố, phát biểu chung về các vấn đề quan trọng, thậm chí cả đối với vấn đề nhạy cảm như về sự tham gia của các quan sát viên tại CD.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, do bối cảnh tình hình địa chính trị, an ninh thế giới có nhiều biến động và căng thẳng, sự tham gia của các nước quan sát viên đã trở thành vấn đề phức tạp, gây chia rẽ trong CD (gần đây nhất vào năm 2023, CD đã không đạt được đồng thuận trong việc cho phép bất kỳ nước nào không phải thành viên CD tham gia với tư cách quan sát viên).

Vì vậy, các nước G-21 cho rằng khả năng dẫn dắt “linh hoạt”, “khéo léo” và uy tín của Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy đoàn kết và đồng thuận trong Nhóm, giúp Phong trào Không liên kết thể hiện được vai trò, tiếng nói của mình tại diễn đàn đa phương quan trọng hàng đầu thế giới về lĩnh vực giải trừ quân bị.

Các Chủ tịch luân phiên Ấn Độ và Indonesia cũng đánh giá cao, bày tỏ tin tưởng và tín nhiệm đối với đoàn Việt Nam và cảm ơn Việt Nam trên cương vị Điều phối viên của G-21 đã hỗ trợ tích cực, kiến tạo không gian cho các Chủ tịch trao đổi thông tin với các thành viên trong Nhóm; qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các nước làm tốt vai trò Chủ tịch CD, đóng góp vào công việc chung của toàn Hội nghị.

G-21 là 1 trong 4 nhóm khu vực của CD; gồm 33/65 thành viên của CD và thuộc các nước Phong trào Không liên kết.

Các Nhóm khu vực khác gồm: Nhóm Đông Âu (6 thành viên), Nhóm Tây Âu và các Nhóm khác (25 thành viên) và Nhóm Một nước (Trung Quốc).

Vai trò Điều phối viên G-21 được thực hiện luân phiên theo thứ tự abc. Mỗi năm có 6 Điều phối viên tương ứng với 6 nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của CD.

Lần gần nhất Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên G-21 là năm 2018.


#_ftnref1 22 nước quan sát viên CD năm 2024 tính đến ngày 21/2 bao gồm: Georgia, Jordan, Libya, Qatar, Angola, Saudi Arabia, Serbia, Niger, Philippines, Armenia, Thái Lan, Kuwait, Dominican Republic, Cote d’Ivoire, Lào, Guatemala, UAE, Lebanon, Panama, Costa Rica, Ghana và Holy Sea.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)