Báo chí Pháp gọi tên sự kiện này là "Ngày thứ Ba đen tối", bởi những lo ngại kế hoạch đình công này sẽ gây trở ngại lớn cho 4,5 triệu hành khách sử dụng hệ thống tàu đi làm mỗi ngày tại Pháp.
Đình công gây trở ngại lớn
Theo kế hoạch, các cuộc đình công của SNCF sẽ kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 3/4 đến ngày 28/6 do 4 nghiệp đoàn là CGT, Unsa, SUD, CFDT tổ chức. Với chiến dịch này, trung bình 5 ngày thì 2 ngày bãi công, 3 ngày làm việc (khoảng 36 ngày đình công). Đây là một trong số những động thái nhằm phản đối kế hoạch cải cách SNCF - một đơn vị đang ngập trong nợ nần, để chuyển cho một công ty làm ăn có lãi nhằm cạnh tranh với hệ thống đường sắt châu Âu.
Hành khách bị mắc kẹt bởi cuộc đình công của SNCF hôm 3/4. (Nguồn: Finance Time) |
Ông Emmanuel Grondein, Chủ tịch của Sud Rail, một trong 4 nghiệp đoàn tổ chức cuộc đình công này cho biết, hành động của họ nhằm bảo vệ dịch vụ công cộng của Pháp, chứ không chỉ bảo vệ công nhân đường sắt.
Theo công bố của công đoàn SNCF, gần 34% số nhân viên tham gia đợt đình công này, khiến chỉ có 12% số chuyến tàu trên toàn nước Pháp hoạt động. Công đoàn cho biết, trong "Ngày thứ Ba đen tối", hơn 3/4 số nhân viên lái tàu tham gia đình công. Đồng thời, chỉ 1 trong 8 chuyến tàu tốc độ cao TGV và 20% số chuyến tàu khu vực hoạt động. Ngày 4/4, ngày thứ hai của cuộc đình công, tình hình cũng không khả quan hơn chỉ có thêm 1 chuyến tàu TGV hoạt động trong khi 86% các chuyến tàu trên toàn nước Pháp tiếp tục "đắp chiếu".
Trong ngày 3/4, do nhiều tuyến tàu không hoặc giảm hoạt động, người dân buộc phải lưu thông trên đường bộ gây ra cảnh ùn tắc hiếm có trong nội thành Paris. Theo trang giao thông Sytadin, ước tính tổng quãng đường xảy ra ùn tắc ở Paris lên tới 370km trong giờ cao điểm buổi sáng.
Không chỉ có đình công của ngành đường sắt, nước Pháp còn phải đối mặt với thêm nhiều cuộc đình công khác. Đó là cuộc đình công từ những người thu dọn rác, công nhân năng lượng và nhân viên hàng không. Hãng hàng không Pháp Air France cũng dự định giảm bớt 25% số chuyến bay do nhân viên đòi tăng 6% lương và dự định có bốn cuộc đình công trong một tháng.
SNCF nợ khổng lồ, chiếm 2% GDP
Trong lịch sử, Chính phủ Pháp đã nhiều lần phải gánh các khoản nợ cho SNCF nhưng tình trạng nợ nần triền miên và ngày càng tăng mạnh của tổng công ty này đã đến lúc buộc nước Pháp phải cải cách triệt để nếu không muốn giải quyết hậu quả kinh tế, xã hội vô cùng nghiêm trọng trong tương lai gần.
Các khoản nợ của SNCF bắt nguồn khi công ty này tiếp quản hoạt động của Mạng lưới đường sắt Pháp (RFF), vốn chìm trong nợ đọng. Sau này, các hoạt động kinh doanh của SNCF tuy có doanh thu nhưng không bù đắp được các khoản kinh phí ngày càng gia tăng cho công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống đường sắt đã sử dụng lâu năm, xây dựng mới và mua sắm phương tiện mới.
SNCF với số nợ khổng lồ là thách thức lớn nhất trong nỗ lực cải cách kinh tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AP) |
Tính đến nay số nợ khổng lồ của SNCF đã là 54,5 tỷ Euro (hơn 67 tỷ USD, tương đương 7,6% ngân sách quốc gia Pháp năm 2018, 2% GDP Pháp năm 2017) và dự báo tiếp tục tăng lên từng năm, đe dọa tới hoạt động của SNCF nói riêng trong tương lai và nền kinh tế Pháp nói chung. Mỗi năm, SNCF phải trả nợ từ 1,1 - 1,3 tỷ Euro.
Ngoài ra, trong khoảng 5 năm gần đây, một số dự án mới rất tham vọng của SNCF cũng đã khiến số nợ của công ty này tăng lên chóng mặt, như dự án nối dài hệ thống đường sắt đến Strasbourg, Bretagne-Pays de Loire, dự án đường vòng tuyến Nîmes-Montpellier và tuyến từ Đông Nam Đại Tây Dương về Bordeaux.
Nỗ lực cải cách gặp nhiều rào cản
Các cuộc đình công trên quy mô lớn ở nhiều ngành nghề đang là thách thức không nhỏ đối với kế hoạch cải cách lao động của Tổng thống Emmanuel Macron, góp phần khiến bức tranh về tâm lý người lao động tại Pháp trở nên ảm đạm hơn. Đây cũng từng là một vấn đề nan giải dưới thời người tiền nhiệm Francois Hollande.
Cải cách SNCF là một phần trong kế hoạch cải tổ kinh tế rộng lớn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ khi đắc cử tổng thống vào năm 2017. Theo kế hoạch, Chính phủ của Tổng thống Macron dự định ngừng cấp quy chế lao động đặc biệt cho các nhân viên mới của ngành đường sắt, vốn được đảm bảo công việc trọn đời và được nghỉ hưu sớm. Chính phủ cũng dự định sáp nhập 3 cơ sở tạo nên SNCF thành một doanh nghiệp duy nhất khiến các công đoàn lo ngại đây có thể là bước đầu tiên nhằm tư nhân hóa ngành đường sắt.
Tuy kế hoạch cải cách SNCF của Tổng thống Emmanuel Macron được giới doanh nghiệp ủng hộ nhưng lại bị công đoàn và người lao động phản đối mạnh mẽ. Ngày 3/4, Bộ trưởng Giao thông Elisabeth Borne khẳng định, việc cải cách lĩnh vực đường sắt phải được tiến hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và cạnh tranh.
Theo bà Elisabeth Borne, Chính phủ chưa bao giờ có ý định tư nhân hoá SNCF, đồng thời kêu gọi các công đoàn tiếp tục đàm phán về cải cách ngành đường sắt. Chính phủ sẵn sàng thảo luận với đại diện công đoàn về việc mở cửa để cạnh tranh, về các khoản nợ và khuôn khổ xã hội. Tuy nhiên, những người bãi công lo ngại việc cải cách - sau đó tư nhân hóa SNCF sẽ dẫn đến việc họ bị mất quyền lợi như hiện nay, cắt giảm việc làm, rơi vào hoàn cảnh khó khăn...
Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne trong một cuộc họp về cuộc đình công của SNCF hôm 3/4 tại Paris. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu với các nhà lập pháp tại Quốc hội, Thủ tướng Edouard Philippe cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cải cách SNCF, dự kiến sẽ "ngốn" 14 tỷ Euro (tương đương 17,2 tỷ USD) mỗi năm. Với tính toán rằng việc đi tàu ở Pháp đắt hơn 30% so với bất kỳ quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nào, Chính phủ Pháp cho rằng SNCF cần cải cách sâu rộng trong bối cảnh nhiều nước đang chuẩn bị mở các tuyến đường sắt để cạnh tranh vào năm 2020.
Trong bối cảnh cải cách ngành đường sắt ở Pháp đang gây tranh cãi, giáo sư Đại học Kinh tế Toulouse Marc Ivaldi cho rằng, việc cải tổ sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp như được thực hiện ở Đức và Italy. Theo giáo sư Ivaldi, nước Pháp có thể thực hiện cải cách theo mô hình đường sắt của Đức, nơi 25% các tuyến đường khu vực là do các doanh nghiệp tư nhân quản lý và sự cạnh tranh đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm giá vé cho khách hàng.
Cũng theo ông Marc Ivaldi, Italy cũng là một điển hình về cải cách ngành đường sắt với giá vé giảm 40% sau khi mở cửa cho tư nhân tham gia vào ngành này từ năm 2012.