TIN LIÊN QUAN | |
Nghệ thuật Bài Chòi đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại | |
“Nghệ thuật Bài Chòi” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” được UNESCO ghi danh là niềm vui to lớn đối với các tỉnh/thành phố có di sản: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.
Mới đây, vào tối 5/5, tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” và chia sẻ niềm vui với đông đảo nhân dân Bình Định và các tỉnh Trung bộ. Phát biểu tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, Nghệ thuật Bài Chòi chính là thương hiệu quốc gia được thế giới ghi nhận, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế phẩm chất cần cù, sáng tạo và nhân ái của con người miền Trung Việt Nam.
Biểu diễn Bài Chòi tại Lễ đón bằng ghi danh của UNESCO ngày 5/5 tại Bình Định. |
Hồn cốt miền Trung
Bài Chòi là một trong số hiếm loại hình nghệ thuật được kết hợp đa dạng từ âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi". Để chơi Bài Chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa theo hình chữ U. Người chơi ngồi trong chòi, mua 3 thẻ bài đợi người dẫn dắt cuộc chơi là các anh/chị Hiệu rút thẻ trong ống bài nọc, hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là Hô Thai. Nếu cả 3 thẻ bài của người chơi trùng với những con bài mà anh/chị Hiệu xuớng tên thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng và lượt chơi mới lại bắt đầu.
Trình diễn Bài Chòi được biểu diễn nơi thôn xóm (trải chiếu trong nhà hoặc ngoài vườn để biểu diễn) với cách thức đi hát rong hoặc được mời về diễn ở các tư gia nên còn được gọi là Bài Chòi chiếu hay Bài Chòi rong. Trong trình diễn Bài Chòi, một nghệ nhân có thể đảm nhận nhiều vai trong một vở diễn, nên còn gọi là Bài Chòi độc diễn.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá khá phổ biến trong cộng đồng làng xã ở nhiều làng quê khu vực Trung Bộ, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Thực hành nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.
Khi nói về giá trị Bài Chòi, ông Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã cho rằng cốt lõi thực sự của Bài Chòi chính là loại hình nghệ thuật xã hội xoay quanh mối quan hệ giữa người với người, nhắc nhở con người về những yếu tố quan trọng, vĩnh cửu của cuộc sống, đó là gia đình, là bạn bè, là ca từ lời hát và là tiếng cười.
“Đây chính là lý do vì sao bài chòi có vị trí đặc biệt như vậy trong trái tim của mỗi người miền Trung, Việt Nam. Nhưng trên tất cả, Bài Chòi xuất phát từ mối quan hệ giữa những cá nhân trong cộng đồng và khuyến khích sự tương tác trong xã hội. Và chúng tôi hy vọng rằng sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với nghệ thuật Bài Chòi sẽ giúp thêm phần khích lệ để các cộng đồng tiếp tục ủng hộ các hoạt động văn hóa tại địa phương, để các hoạt động văn hóa này sẽ được các thế hệ mai sau kế thừa và phát huy”, ông Michael Croft cho biết.
Nghệ thuật Bài Chòi tại Bình Định. (Nguồn: Báo Bình Định) |
Bảo vệ và làm giàu thêm các giá trị mới
Được UNESCO ghi danh, bản thân Nghệ thuật Bài Chòi có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua các thế hệ. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm cao và nỗ lực của 9 tỉnh Trung bộ trong việc đề cử hồ sơ với sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học cùng các nghệ nhân trong công tác xây dựng hồ sơ, cũng như sự phối hợp hiệu quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác quảng bá, tuyên truyền Nghệ thuật Bài Chòi, qua đó, nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các chuyên gia và các Quốc gia thành viên Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, tại Lễ vinh danh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm đối với bảo tồn vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã thành tài sản chung của nhân loại. Điều Thủ tướng mong muốn là cần thúc đẩy sự quan tâm bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với nghệ thuật Bài Chòi.
Để bảo vệ và phát huy bền vững Bài Chòi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi (giai đoạn 2018 - 2023).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho biết trong thời gian tới, 9 tỉnh Trung bộ sẽ quyết tâm xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam. Cụ thể, sẽ tổ chức tập huấn và kiểm kê di sản hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản và định kỳ tổ chức Liên hoan Bài chòi; xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch.
Hiện tại, khu vực Trung bộ đã có hàng chục câu lạc bộ Bài Chòi với hàng trăm diễn viên và nhiều nghệ nhân đã được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Những năm gần đây, phong trào chơi Bài Chòi, hội Bài Chòi diễn ra quanh năm, từ thành thị đến nông thôn, tạo không khí vui tươi và lành mạnh. Hội đánh Bài chòi đã được tái hiện trong không gian mới là các khu du lịch, nhà hàng ở Quy Nhơn (Bình Định), trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) và lễ hội ở các địa phương.
Cách đây vài năm, khi vận động giữ gìn Nghệ thuật Bài Chòi để sớm trở thành di sản được UNESCO, Giáo sư Hoàng Chương cũng cho rằng Bình Định phải tiên phong giữ gìn và phát huy di sản Bài chòi. Theo ông, khi nghệ thuật Bài Chòi được phục hồi và quảng bá rộng rãi thì Bình Định và các tỉnh miền Trung sẽ thu hút được du lịch trong và ngoài nước.
Với dấu son mới này, tin rằng sức lan tỏa của Bài Chòi sẽ tiếp tục được nhận diện, nghiên cứu và sưu tầm. Dù niềm vui được vinh danh cũng đang đặt trách nhiệm lên vai những người làm văn hóa, nhưng Nghệ thuật Bài Chòi sẽ tiếp tục được tiếp sức, bám rễ lâu bền trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân miền Trung và cả nước.
Hội thảo quốc tế về Bài Chòi Từ ngày 13-14/1, tại TP Quy Nhơn, Bình Định sẽ diễn ra hội thảo khoa học quốc tế "Giá trị nghệ thuật độc diễn của ... |
Bài Chòi và hình thức tương đồng trên thế giới Ngày 13-14/1 tới, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sẽ diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Giá trị nghệ thuật độc diễn ... |
Bài Chòi hướng tới di sản thế giới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam" trình UNESCO ... |