Thứ trường Ngoại giao Vũ Hồng Nam. |
Thưa ông, trí thức nói chung và đặc biệt là trí thức kiều bào, luôn được coi như là nguyên khí của quốc gia, đóng góp trực tiếp góp phần làm nên sức mạnh của đất nước. Vậy, ông có thể chia sẻ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức NVNONN?
Từ trước khi chúng ta có Nghị quyết 36 - lần đầu tiên trong một văn bản về chính sách của Đảng khẳng định cộng đồng NVNONN là một bộ phận cấu thành dân tộc Việt Nam, trên thực tế, trong quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam thì cộng đồng NVNONN luôn giữ vai trò và vị trí quan trọng trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trong lòng nhân dân Việt Nam. Điều đó thể hiện xuyên suốt trong tất cả những chính sách của chúng ta từ thời điểm lập nước. Năm 1945, khi chúng ta giành được độc lập thì Đảng và Bác Hồ đã luôn dành cho bà con kiều bào sự quan tâm rất đặc biệt.
Bác Hồ luôn quan tâm đến đội ngũ trí thức. Chúng ta có đội ngũ trí thức rất giỏi. Bản chất người Việt Nam rất thông minh, lại được học tập ở những môi trường phát triển nên có những nhà khoa học xuất chúng. Bác Hồ đã sớm phát hiện ra điều đó và đã trực tiếp đưa rất nhiều trí thức Việt kiều về nước phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Giáo sư Lương Đình Của là điển hình thành công trong chính sách sử dụng trí thức Việt kiều trong phục vụ sự nghiệp của đất nước.
Trong thời bình, chúng ta cũng đã triển khai rất nhiều chính sách trong thu hút nguồn lực trí thức kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là năm 2004, trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút bằng được lực lượng trí thức NVNONN về tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, Chính phủ đã ra chương trình hành động chi tiết cho từng bộ ngành để thu hút trí thức kiều bào thuộc lĩnh vực của ngành, địa phương mình,... kể cả việc mời bà con về giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh...
Vừa qua, Bộ Chính trị tiếp tục ra Chỉ thị 45, nhằm khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 36 và tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết này trong thời gian tới. Sắp tới, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN nói riêng và Bộ Ngoại giao nói chung cũng phải xây dựng chương trình hành động của riêng mình, cùng các bộ ngành khác tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36, cụ thể là Chỉ thị 45 nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút trí thức kiều bào về để tiếp tục xây dựng đất nước, phục vụ mục tiêu công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước trong thời gian
Xin ông cho biết lý do và mục đích của việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45?
Lý do quan trọng nhất là chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 36 được hơn 10 năm. Vậy thì trong thực hiện bất cứ chính sách nào, chúng ta cũng phải có sự tổng kết để thấy được kết quả, chính sách đó đạt được đến đâu, triển khai như thế nào và đặc biệt phải nhìn thấy những tồn tại để phát triển hơn. Vậy thì sau 10 năm, chúng ta nhận thấy Nghị quyết 36 đã đạt được những thành tựu rất lớn, song bên cạnh đó cũng có những tồn tại không nhỏ cần khắc phục. Do đó, cần phải có một Chỉ thị của một cơ quan cao nhất trong hệ thống chính trị của chúng ta là Bộ Chính trị - thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36. Trong đó nêu rõ, Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ thị 45 khẳng định chúng ta phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36. Trong đó cũng chỉ ra rất nhiều những tồn tại và giao các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết được những tồn tại đó để đạt được mục tiêu lớn của Nghị quyết 36.
Trong thời gian tới, bối cảnh, tình hình kinh tế chính trị thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi so với 10 năm trước. Đặc biệt là cộng đồng NVNONN cũng có nhiều thay đổi. Năm 2004, chúng ta có 2,7 triệu kiều bào, đến nay con số này là 4,5 triệu. Không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng kiều bào cũng có những bước phát triển đáng kể so với trước. Đặc biệt là thế hệ trẻ kiều bào thứ 2, thứ 3, thứ 4... ra đời thì sẽ có những nhu cầu tiếp cận văn hoá trong nước. Vậy thì nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tiếp cận văn hoá và giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho các cháu đặt ra nặng nề hơn trước.
Như vậy, Chỉ thị 45 ra đời đã vạch ra đường lối rất rõ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình hành động của mình.
Những nét mới của Chỉ thị 45 về công tác đối với NVNONN là gì, thưa ông?
Tồn tại lớn nhất chính là nhận thức của các bộ ngành, địa phương về công tác đối với NVNONN trong 10 năm qua còn nhiều khác biệt, gây trở ngại cho việc thực hiện Nghị quyết 36. Do đó, chúng ta phải quyết tâm làm sao trên dưới như một, đồng lòng thực hiện các chính sách có lợi cho bà con như về thị thực, nhà cửa, kinh doanh...
Thứ hai, Chỉ thị cũng nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục củng cố cộng đồng NVNONN. Tuy nhiên, về địa vị pháp lý của bà con ở một số khu vực trên thế giới còn cần được quan tâm nhiều hơn nữa, chẳng hạn như bà con kiều bào ở Campuchia.
Mặt khác, chúng ta cần phải cải tiến, linh hoạt hơn trong cách tiếp cận đối với bà con kiều bào, làm sao thu hút được bà con hướng về quê hương, nhưng vẫn đảm bảo để bà con phát triển ở sở tại.
Đại đa số bà con NVNONN đều đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đều hướng về quê hương, đất nước. Tuy nhiên, còn bộ phận nhỏ vẫn có quan điểm khác biệt, có tiếng nói đi ngược lại lợi ích của dân tộc, thậm chí chống phá sự phát triển của đất nước. Chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng và đó là điều đáng buồn. Chỉ thị 45 khẳng định chúng ta có trách nhiệm tiếp cận, lắng nghe ý kiến, trao đổi tâm tư, tình cảm và giải thích cho bộ phận này.
Từ góc độ là Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, phụ trách công tác về NVNONN, ông cho biết các ưu tiên sắp tới của UBNN về NVNONN trong vấn đề này?
Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung 3 hướng lớn: Một là duy trì hoạt động thường xuyên đã đạt kết quả tốt là hỗ trợ cộng đồng NVNONN. Hai là địa vị pháp lý của bà con ở sở tại phải được củng cố hơn nữa. Chúng ta phải đàm phán với các nước để có những thoả thuận quốc tế, để làm sao bà con có địa vị ổn định thì bà con mới phát triển được. Hiện tại chúng ta có trên dưới 100.000 Việt kiều ở Campuchia có địa vị pháp lý bấp bênh. Ba là chúng ta phải chủ động tiếp xúc với các đối tượng Việt kiều có tiếng nói khác, có hoạt động gây hại cho lợi ích của đất nước. Nếu họ khẳng định họ sẽ phục vụ cho ba mục tiêu của dân tộc là độc lập, chủ quyền và xây dựng quốc gia phồn thịnh thì đều được coi là thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Nguyễn (ghi)