Ngành y tế dự phòng hiện còn thiếu nhiều nhân lực. (Nguồn: Cục Y tế dự phòng) |
Do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam tổ chức, Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, bao gồm lễ tốt nghiệp 2 khóa đào tạo FETP, ra mắt khóa đạo tạo FETP thứ 7 và mạng lưới cựu nghiên cứu sinh, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và đào tạo giữa các cựu học viên FETP.
Gần 40 dự án nghiên cứu y tế công cộng từ các viện nghiên cứu y tế công cộng cấp tỉnh, cấp quốc gia và khu vực ở Việt Nam đã được trao đổi. Hơn 100 cán bộ y tế công cộng đã tham dự, bao gồm các đại biểu quốc tế thuộc U.S. CDC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và các nghiên cứu sinh FETP từ Australia, Philippines và Indonesia.
Chương trình được sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (U.S. CDC), WHO, chương trình Đào tạo Dịch tễ học và Mạng lưới Can thiệp Y tế Công cộng (TEPHINET) và Mạng lưới Cộng nghệ và Dịch tễ học Thực địa Nam Á (SAFETYNET).
Tiến sĩ Anthony Mounts, Giám đốc văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Đội ngũ nghiên cứu sinh FETP là tuyến đầu của bất cứ hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ nào. Khi xảy ra dịch bệnh, chẳng hạn như trong các trường hợp virus Zika gần đây ở Việt Nam, họ là những 'thám tử truy tìm bệnh', lao vào thực địa và điều tra ổ dịch. Thông qua chương trình này, họ được đào tạo và hướng dẫn sử dụng các phương pháp khoa học để xác định nguyên nhân và xu hướng của các vấn đề sức khỏe cộng đồng”.
Chương trình Đào tạo Dịch tễ học Thực địa ở Việt Nam kéo dài 2 năm, do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế chủ trì nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ dịch tễ học được đào tạo, những người có khả năng đối phó nhanh chóng với các đợt bùng phát dịch bệnh và các vấn đề y tế khác.
Từ năm 2009, chương trình FETP được tổ chức tại Việt Nam đến nay, Việt Nam hiện có 22 cán bộ dịch tễ học thực địa đã hoàn thành khóa học. Các học viên FETP đã đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam thông qua việc tham gia vào công tác đối phó với các đợt bùng phát dịch như dịch tả, dịch cúm, đại dịch cúm, và bệnh chân tay miệng. Trong quá trình đào tạo, các học viên tiến hành các nghiên cứu độc lập, các nghiên cứu này sau đó được sử dụng để thông báo kịp thời và đối phó hiệu quả với sự bùng phát dịch bệnh.