📞
Sức mạnh nội lực của văn hóa trong xây dựng Đảng:

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần giữ bản sắc văn hóa để không trở thành 'bản sao mờ' của quốc gia khác

Nguyệt Anh 10:39 | 18/01/2022
Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay, bất kỳ một dân tộc, quốc gia nào không gìn giữ được những giá trị, bản sắc văn hóa của mình cũng dễ trở thành một "bản sao mờ" của dân tộc, quốc gia khác.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn nhận định, quốc gia nào không giữ gìn được bản sắc văn hóa của mình sẽ dễ trở thành "bản sao mờ" của nước khác.

Đó là quan điểm của ĐBQH. PGS. TS. Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) với báo Thế giới & Việt Nam xung quanh vấn đề phát triển văn hóa thời hội nhập.

Việt Nam là một trong những nước đã và đang phát huy rất hiệu quả sức mạnh mềm của văn hóa, nhất là trong đối ngoại thế nào, theo ông?

Tôi rất tâm đắc với triết lý ngoại giao cây tre đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021.

Đó là “một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam”, "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến”, "lạt mềm buộc chặt".

Chắc chắn, triết lý này là đường lối ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc. Nhờ những triết lý này, chúng ta đã giành nhiều thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.

Đồng thời, đường lối đối ngoại trên cũng giúp chúng ta phát huy hiệu quả văn hóa dân tộc trong các nhiệm vụ quan trọng của đất nước, xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với một vị thế, uy tín chưa từng có như hiện nay.

Nói đến phát triển, chúng ta không thể không nói tới con người. Vậy làm thế nào để văn hóa trở thành nguồn lực chấn hưng đất nước và khơi dậy khát vọng phát triển đối với người trẻ, thưa ông?

Văn hóa và con người có mối quan hệ biện chứng vì con người tạo ra văn hóa, nhưng ngược trở lại, văn hóa cũng chính là môi trường hình thành nên con người. Chính vì vậy, mục đích phát triển văn hóa là vì con người.

Như vậy, phát triển văn hóa phải được xem là mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Xét trên quan niệm như vậy, đối với người trẻ, phát triển văn hóa có ý nghĩa ở trên những phương diện sau:

Thứ nhất, hình thành hành trang kiến thức, bản lĩnh văn hóa, tạo điều kiện cho giới trẻ hội nhập nhưng không hòa tan.

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, nếu mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội không xác định được bản sắc văn hóa của mình sẽ bị văn hóa nước ngoài chi phối, lấn át, dễ trở thành "bản sao" của văn hóa nước ngoài.

Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ vong bản, mà còn khiến cá nhân trở nên cô đơn, mất phương hướng, không có lý tưởng sống phù hợp.

Từng cá nhân phải có bản sắc riêng của mình, thể hiện cá tính, cái tôi sáng tạo, để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Điều đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở hiểu rõ bản thân và giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Thứ hai, văn hóa giúp hình thành định hướng sống cho giới trẻ thông qua hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam.

Thông qua định hướng sống hướng đến chân – thiện – mỹ, giới trẻ hình thành hoài bão, khát vọng, mục tiêu và động lực trong cuộc đời của chính họ. Điều đó giúp cho giới trẻ phát triển phù hợp, không bị sự phức tạp của cuộc sống chi phối.

Thứ ba, phát triển văn hóa cũng giúp hình thành hệ điều tiết cho sự phát triển đạo đức của giới trẻ.

Thông qua thưởng thức các tác phẩm văn học nghệ thuật, giới trẻ dần hình thành nhận thức và thói quen tốt, sinh hoạt văn hóa phù hợp. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc hình thành một đời sống tâm hồn lành mạnh, phong phú, có ích cho sự phát triển cá nhân.

Tất cả những điều này giúp văn hóa trở thành nguồn lực chấn hưng đất nước và khơi dậy khát vọng phát triển thông qua việc phát triển toàn diện con người, đặc biệt là giới trẻ.

Con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi tiếp cận với văn hóa mới. Muốn xây dựng được con người có văn hóa phải bắt đầu từ đâu, thưa ông? Có phải trước tiên cần xây dựng đội ngũ những người làm văn hóa thật chuẩn mực?

Văn hóa là một lĩnh vực phức tạp, có liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, chúng ta vẫn thường nói rằng, xây dựng văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội. Như vậy, khi bàn đến việc xây dựng con người có văn hóa phải bắt đầu từ nhiều yếu tố, môi trường khác nhau.

Chẳng hạn, không ai phủ nhận vai trò của gia đình trong việc phát triển văn hóa của mỗi cá nhân. Chính vì thế, hình thành văn hóa nên bắt đầu từ mỗi gia đình.

Khi mỗi gia đình – từng tế bào của xã hội là một môi trường văn hóa lành mạnh, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương, chia sẻ, có nghĩa là chúng ta đang gieo hạt giống lành, để tạo ra những con người có nhiều phẩm chất tốt đẹp trong tương lai.

Bên cạnh môi trường gia đình, nhà trường, xã hội cũng phải là những môi trường lành mạnh, tương thích với giáo dục gia đình để tạo ra sự nhất quán trong việc giáo dục công dân.

Xét ở khía cạnh khác, giáo dục cũng cần được xem là yếu tố đầu tiên, quan trọng để hình thành nên những con người có văn hóa. Giáo dục là cách chúng ta chuẩn bị cuộc sống cho con người thông qua việc trang bị nhận thức và kỹ năng cho công việc và cuộc sống.

Chính vì thế, nói về mục đích của học tập, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đề xướng 4 nguyên tắc: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua các yếu tố khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thông, khoa học công nghệ… trong việc định hình nhân cách cho mỗi cá nhân.

Nguồn nhân lực làm văn hóa cũng hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nếu đó là những văn nghệ sĩ, họ được công chúng quan tâm và có thể định hướng lối sống, thói quen, phong cách sống của rất nhiều người. Đó chính là lý do tại sao nhiều người yêu quý, thậm chí đến mức thần tượng nhưng cũng thường rất khắt khe với văn nghệ sĩ.

Nếu đó là những người làm quản lý văn hóa, họ định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước. Khi họ có chuyên môn tốt, nền văn hóa của đất nước sẽ có nhiều thành tựu, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ có những thăng hoa, giúp văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Ngược lại, hậu quả sẽ rất tai hại.

Cũng giống như giáo dục, văn hóa góp phần trong sự nghiệp trồng người, Vì vậy, những sai sót trong quản lý văn hóa sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho sự phát triển đất nước.

Đó là lý do, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương…”.

Gìn giữ được bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập sẽ giúp đất nước khẳng định được giá trị, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp. (Nguồn: Tuyên giáo)

Có nhiều người băn khoăn: “Nếu thiếu văn hóa thì xã hội đi về đâu?”. Ông suy nghĩ gì về câu hỏi này?

Điều này nhắc chúng ta về những thông điệp mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát biểu về văn hóa. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Câu nói của Bác giúp chúng ta ý thức sâu hơn về vai trò định hướng, khai sáng, hướng đạo của văn hóa. Văn hóa theo nghĩa rộng bao hàm cả giáo dục, theo đó, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Khi trình độ dân trí của chúng ta đã cao, nhận thức của chúng ta đã đủ, chúng ta sẽ có ý thức rõ ràng hơn về vận mệnh đất nước, những giá trị mà chúng ta theo đuổi.

Điều ấy làm nên sức mạnh cho dân tộc từ sự chia sẻ, đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, hình thành nên tinh thần yêu nước. Đó chính là sức mạnh của văn hóa.

Cũng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”, như tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của văn hóa đối với sự tồn vong của dân tộc.

Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay, bất kỳ một dân tộc, quốc gia nào không gìn giữ được những giá trị, bản sắc văn hóa của mình cũng dễ trở thành một "bản sao mờ" của dân tộc, quốc gia khác.

Như vậy, nói một cách khái quát thì một quốc gia còn phụ thuộc về văn hóa nước ngoài thì quốc gia đó chưa có độc lập thực sự.

Chúng ta đang sống trong một thế giới rộng mở, việc học hỏi, hội nhập quốc tế trở nên dễ dàng hơn. Theo ông, làm thế nào để gìn giữ được bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập?

Gìn giữ được bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập sẽ giúp cho đất nước khẳng định được giá trị, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp. Để làm được điều đó, chúng ta cần biết cách giữ gìn giá trị truyền thống bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.

Đầu tiên là các giá trị truyền thống. Đó là những giá trị được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, thể hiện hồn cốt của dân tộc.

Chúng ta cần những giá trị đó để trở thành hành trang, nền tảng giúp chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới một cách có chọn lọc, phù hợp hơn. Khi chúng ta hiểu rõ mình là ai, cần gì thì chúng ta sẽ biết cách lựa chọn văn hóa gì phù hợp với mình.

Như tôi đã nói, văn hóa vốn dĩ rất phức tạp, vì vậy, có những hình thức văn hóa phù hợp với quốc gia này nhưng lại không phù hợp với quốc gia khác.

Về những giải pháp cụ thể, chúng ta phải tăng cường hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tới đây là một trong số đó.

Chúng ta cũng cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trên nền tảng các giá trị truyền thống kết hợp với lựa chọn giá trị hiện đại, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước.

Những hệ giá trị này giúp chúng ta định hướng, tập trung nguồn lực cho sự phát triển quốc gia, trong mỗi gia đình và ở từng cá nhân.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa nguồn lực cho văn hóa, cả nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất và đặc biệt là nguồn nhân lực cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Xin cảm ơn ông!