📞

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Đừng để sản phẩm giáo dục bị... lỗi!

Yến Nguyệt 10:58 | 19/04/2019
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định, bạo hành trẻ em, đánh hội đồng, lạm dụng tình dục trẻ em… ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của thế hệ trong tương lai.

Thời gian qua, xảy ra nhiều câu chuyện buồn như trẻ em bị bạo hành, gian lận điểm thi, học sinh đánh nhau, tuồn thực phẩm bẩn vào nhà trường… Là một Đại biểu Quốc hội, ông suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

Gần đây, tình trạng bạo lực giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh với giáo viên, học sinh với nhau, giáo viên lạm dụng tình dục với học trò diễn ra khá phổ biến. Đây thực sự là “ung nhọt” cần phải được giải quyết triệt để nhằm tạo môi trường giáo dục trong sạch.

Tiêu biểu, câu chuyện một nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh hội đồng, lột đồ (ở Hưng Yên) đã gây sốc cho xã hội về sự xuống cấp nhân cách của trẻ. Tôi rất lo ngại bởi các cháu đều ở lứa tuổi còn nhỏ nhưng hành xử với bạn bè rất tàn độc như dứt tóc, đạp vào mặt bạn, lột đồ… Ai sẽ xoa dịu những nỗi đau nạn nhân phải chịu đựng? Bởi rất có thể nỗi đau ấy sẽ ám ảnh họ suốt cả cuộc đời, nhất là cảnh bị đánh, bị lột đồ được ghi lại và đưa lên mạng xã hội.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Theo ông, thực trạng này sẽ ảnh hưởng ra sao đến thế hệ tương lai?

Sản phẩm của giáo dục là con người với “đức trí thể mỹ”. Nguyên liệu đầu vào là thức ăn bẩn, mất vệ sinh, môi trường ô nhiễm là môi trường khách quan ảnh hưởng đến con người.

Hằng ngày, với sự nhanh nhạy của mạng xã hội, các clip bạo lực xuất hiện tràn lan. Trẻ lại rất dễ dàng tìm kiếm, truy cập vào những hình ảnh ấy chỉ bằng chiếc điện thoại. Do vậy, khi hằng ngày, hằng giờ trẻ nạp vào đầu những quan điểm tiêu cực, những hình ảnh phản cảm, hành vi phi đạo đức, lấy thời gian đâu để các em nạp vào đầu những thứ tốt đẹp?

Những người có bộ lọc tốt sẽ miễn nhiễm với những thứ độc hại. Nhưng thông thường, đối với học sinh, các cháu còn non dại, chưa đủ khả năng để chống lại những tác động độc hại từ bên ngoài. Theo quy luật, từ đó sẽ sản sinh ra một đội ngũ người trẻ yếu đuối, “bệnh tật” ngay cả trong nhân cách.

Tất cả những thứ tiêu cực đều có thể tác động xấu đến “tờ giấy trắng” trẻ thơ, đồng thời tạo ra những sản phẩm méo mó, kém chất lượng. Nhưng nhìn ở khía cạnh tổng thể, trẻ em sẽ ra sao khi dễ bị lôi kéo và dính vào những câu chuyện tiêu cực? Khi ấy, các em dễ trở thành những thứ ấn phẩm định kiến trong tương lai, không bị mắc chứng nọ cũng mắc tật kia. Từ đó, gây ra thiệt thòi, rủi ro rất lớn về mặt xã hội, sẽ cho ra đời những sản phẩm không hoàn hảo, bị lỗi.

Như vậy, thực trạng đó gióng lên hồi chuông về vấn đề đạo đức?

Đương nhiên những câu chuyện đó không chỉ là đạo đức mà còn ảnh hưởng cả những vấn đề khác. Thử hỏi khi các em chỉ toàn “nạp” những thứ méo mó, phế phẩm, những nguyên liệu tồi thì sản phẩm giáo dục sao tránh được bị lỗi!

Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Yếu tố đầu tiên, chúng ta phải nhìn rộng ra toàn xã hội. Thực tế, chúng ta chưa quan tâm một cách đầy đủ, thích đáng, sâu sắc đối với vấn đề chăm sóc, giáo dục đối trẻ em. Trong khi đó, nhiều vụ việc lại không được giải quyết thỏa đáng, gây hoang mang dư luận. Tiêu biểu, với những hành vi làm tổn thương đến người khác, nếu xử lý nhân đạo theo kiểu “nửa vời” sẽ dẫn đến phản nhân đạo. Nói cách khác, đó là cách làm chỉ nhân đạo một chiều. Tôi cho rằng, muốn giải quyết triệt để tận gốc, pháp luật phải nghiêm mới có tính răn đe.

Người ta nói, gia đình phải dạy cho con cái mình biết yêu thương nhưng không ít gia đình chưa có sự quan tâm thích đáng, không có những biện pháp để giáo dục con em mình lòng yêu thương đồng loại, biết chia sẻ với những người xung quanh. Có những gia đình chỉ lo mải mê làm ăn, con ít được sống trong tình thương của cha mẹ. Vậy nên, khi những sự việc bạo hành học đường xảy ra, lỗi đầu tiên thuộc về người lớn, đó là buông lỏng quản lý, khiến các em không nhận thức được thang bậc giá trị.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có trách nhiệm không nhỏ khi vẫn tiềm ẩn những rủi ro bởi thầy cô còn có hành vi vi phạm cả đạo đức nghề nghiệp và pháp luật, thậm chí còn giấu nhẹm vì bệnh thành tích và không có biện pháp quyết liệt để xử lý “từ trong trứng”. Đó là vấn đề đáng báo động.

Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ chủ thể khác trong xã hội, đó là các đoàn thể có liên quan, các cơ quan quản lý, các tổ chức ở đâu? Tôi cho rằng, cả gia đình, nhà trường, xã hội, Nhà nước cần phải lấy học trò làm trung tâm, nhưng chúng ta chưa có sự quan tâm thích đáng, dẫn đến những lỗ hổng lớn trong giáo dục, biến các em trở thành những sản phẩm méo mó về nhân cách.

Liệu có giải pháp nào để không có kiểu hô hào suông, kiểu “đánh trống bỏ dùi”, thưa ông?

Tôi cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, cần phải có những quy định về đạo đức đối với nhà trường. Nhà trường phải quản lý tốt chứ không thể nói suông. Cùng với đó, các cơ quan đoàn thể cùng chung tay bảo vệ trẻ em, giúp các em tránh xa các tác nhân xấu. Chỉ có như vậy chúng ta mới từng bước lấy lại được niềm tin của xã hội.

Gia đình cũng phải tăng cường quản lý, dạy con mình biết yêu thương, nhận thức được chân giá trị, giúp các cháu thấy đó là bài học để tu dưỡng. Thay vì chờ đợi, mỗi gia đình phải tự cứu con em mình, biết đề phòng, biết tăng sức đề kháng cho con, tích lũy kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với những hiểm nguy.

Xin cảm ơn ông!