ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận định, phải thực hiện đúng tinh thần “cách mạng” mới mong đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam. |
Có ý kiến cho rằng, nhiều năm qua ngành giáo dục thực hiện không ít cuộc cải cách nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra và rất quan tâm vì tầm quan trọng của vấn đề giáo dục. Điều 61 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dường nhân tài”.
Bất kỳ ai cũng đều hiểu, không có nền giáo dục tốt thì khó có con người tốt, con người là sản phẩm quan trọng nhất của một nền giáo dục tiên tiến, nhân văn, hiệu quả.
Những năm qua, Nhà nước đã dành trung bình 20% GDP cho giáo dục, mọi gia đình và toàn xã hội đều ưu tiên, dồn nguồn lực, sự quan tâm phát triển giáo dục. Trong đó có nghiên cứu cải cách từ nội dung chương trình đến biện pháp đã mang lại một số kết quả tốt, một mặt kế thừa truyền thống giáo dục đã dày công xây dựng, mặt khác đúc kết, vận dụng những tinh hoa của các nền giáo dục trên thế giới.
Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ cải cách còn chậm; triết lý về một nền giáo dục đổi mới chưa rõ ràng; thể chế pháp lý về giáo dục chưa hoàn thiện; hệ thống giáo trình, sách giáo khoa, sách chuyên khảo, sách tham khảo, thư viện, phương tiện phục vụ giáo dục còn thiếu thốn, lạc hậu.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục mặc dù có được đầu tư nhưng nhìn chung chưa đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới kiểu “chấn hưng” mang tính cách mạng.
Đặc biệt, bộ mặt cũng như chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế, chưa bảo đảm công bằng so với đô thị, miền xuôi.
Theo ông, gốc rễ của cuộc cách mạng giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục là gì?
Đã là “cách mạng” thì phải thực hiện đúng tinh thần “cách mạng” mới mong đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam.
Những vấn đề căn bản về đổi mới giáo dục đã được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đảng (Hội nghị lần thứ 8 khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong đó, đã xác định rõ 7 nhóm quan điểm, 6 nhóm mục tiêu, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để tạo cơ sở chính trị cho quá trình tổ chức thực hiện. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội về giáo dục đào tạo.
Vậy, cái gọi là “gốc rễ” về mặt thể chế chính trị, thể chế pháp lý đã có. Nhưng “cây đại thụ” giáo dục có nhiều loại “rễ” cần đổi mới căn bản. Đó là: ý thức thức nền tảng về giáo dục; trách nhiệm của gia đình, xã hội về giáo dục; cơ chế thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giáo dục, gồm cơ chế lãnh đạo và cơ chế thực hiện.
Cùng với đó là khả năng thực tế đầu tư phát triển giáo dục; khả năng huy động nguồn lực để xã hội hóa giáo dục; khả năng vận dụng tinh hoa giáo dục của các nước trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu nâng tầm hội nhập quốc tế.
Nếu chỉ có quan điểm, chủ trương, pháp luật mà không hiện thực hóa thì xét cho cùng chỉ là nói suông, sẽ không có sự chuyển biến.
Từ phía người thầy và phụ huynh sẽ phải thay đổi như thế nào để nâng cao chất lượng và để giáo dục Việt Nam tiệm cận với giáo dục thế giới, thưa ông?
Bản thân nhà giáo, nhà trường hoặc phụ huynh không thể làm đổi mới căn bản giáo dục. Đổi mới là vấn đề liên quan đến hệ thống, mặt khác không bó hẹp trong phạm vi nhà trường nhất định.
Nhưng không thể phủ nhận vai trò rất quan trọng mang tính động lực của nhà giáo, nhà trường và phụ huynh. Mỗi chủ thể đó cần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, kể cả vai trò riêng rẽ, độc lập và việc phối kết hợp giữa các bên. Kết quả mang lại sẽ tốt nếu cha mẹ, thầy cô đều là “giáo viên” ở những vị trí của họ, gia đình hay nhà trường đều là môi trường giáo dục cho con em mình.
Điểm yếu của chúng ta trong công cuộc đưa giáo dục Việt Nam đi lên và phát triển theo ông là gì?
Nguy cơ hiện nay là sự lúng túng, có sự bất cập giữa mục tiêu và khả năng hiện thực hóa; có quá nhiều quan điểm mà không thực sự có triết lý rõ ràng, nhiều đường hướng.
Nhà nước bao cấp về định hướng nhưng không đủ nguồn lực; mỗi chủ thể tham gia vào quá trình đó chỉ quan tâm đến mục tiêu riêng mà không chịu trách nhiệm về sản phẩm. Trong khi đó, hệ thống tuyển dụng còn nặng về văn bằng, chứng chỉ mà chưa chú trọng đến kiến thức, thái độ, kỹ năng của học sinh.
Đồng thời, tính liên kết, liên thông giữa giáo dục phổ thông và đào tạo nghề chưa được thiết lập chặt chẽ. Đầu tư hiện nay còn hạn chế dẫn đến không có điều kiện để đổi mới nên “cái khó bó cái khôn”, đành thực hiện chính sách “ăn đong”.
Ngày trước, giáo dục có một con đường đi theo thứ triết lý đơn giản mà sâu sắc: “Tiên học lễ, hậu học văn”, dễ hướng tâm mà cũng dễ tỏa bóng. Ngày nay có quá nhiều con đường, mà cứ đồng nhất và coi mỗi con đường là một triết lý mới. Từ đó, tạo nên tình trạng nhiều con đường giao cắt không đồng mức nên khó đi xa được. Tham vọng vượt quá khả năng, giải pháp lớn áp đảo điều kiện hiện có cũng khó đưa đến những đổi mới căn bản.
Vậy cá nhân ông có kỳ vọng gì về “bộ mặt” mới của ngành giáo dục?
Kỳ vọng là món ăn tinh thần ai cũng có đối với giáo dục, vì nếu không thì các mục tiêu phát triển cũng như chỉ số khác khó mà thực hiện. Tôi không chỉ quan tâm “bộ mặt” của nền giáo dục mà quan tâm toàn bộ “cơ thể” của nó. Một nền giáo dục với cơ thể khỏe mạnh, gương mặt đẹp là rất cần trong lúc này.
Xin cảm ơn ông!