Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. (Ảnh: NVCC) |
Thưa Đại sứ, có lẽ như với nhiều người, bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gợi lên trong Đại sứ nhiều điều tâm đắc?
Vị thế, năng lực của Việt Nam, cộng với tầm nhìn đất nước vừa đặt ra những yêu cầu mới, vừa tạo nên tâm thế mới cho đối ngoại. Theo đó, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, lần đầu tiên được tổ chức, là sự kiện rất quan trọng, tổng kết quá khứ, hiện tại và đặt ra tầm nhìn, phương hướng bước tới tương lai.
Về bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, cá nhân tôi xin chia sẻ mấy điều tâm đắc nhất. Trước hết, đó chính là việc đúc kết những bài học đối ngoại trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh những bài học như tự chủ, tự cường, hòa hiếu, nhân nghĩa, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, những yếu tố đã làm nên truyền thống lịch sử và văn hóa cũng như truyền thống đối ngoại của Việt Nam.
Thứ hai, bài phát biểu cũng đã khái quát lại chặng đường đối ngoại của nước Việt Nam mới và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân lên những điều quý giá nhất của dân tộc, cùng với các giá trị phổ quát của nhân loại, để kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Theo đó, Tổng Bí thư đã đúc kết và nhấn mạnh năm bài học lớn về đối ngoại, bao gồm dân tộc với thời đại; nguyên tắc với sách lược; đoàn kết và đồng thuận; tổ chức và công tác cán bộ; sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Những bài học ấy đã và sẽ tiếp tục là nền tảng cho đối ngoại của Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua cũng như sắp tới.
Thứ ba, đó là những chỉ đạo về phương hướng của đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn phát triển chiến lược mới.
Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mới và khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa có thể chủ động quan hệ tốt với các nước, nhất là các nước lớn, dù các nước này gia tăng cạnh tranh chiến lược.
Hai là, lợi ích quốc gia là yếu tố được đặt lên trên hết, là tối thượng, nhưng lợi ích quốc gia này cũng sẽ phải dựa trên những nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi và kết hợp hài hòa giữa dân tộc và quốc tế.
Ba là, triển khai đồng bộ các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Cuối cùng, có lẽ là lần đầu tiên Đảng nhấn rất mạnh, đó là đối ngoại phải đi tiên phong, tiên phong trước hết trong gìn giữ và kiến tạo môi trường thuận lợi cho an ninh và phát triển đất nước, nắm bắt từ sớm, nhân lên những cơ hội và phòng ngừa, đẩy lùi thách thức, cũng như tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ, nhất là với các nước láng giềng khu vực, với các nước lớn hay các đối tác chủ chốt.
Như vậy, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được đặt trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước khi hướng tới khát vọng 2030-2045 và khi tâm thế cũng như năng lực của Việt Nam đã lớn hơn nhiều sau 35 năm đổi mới.
Ngoại giao tiên phong tức là phải chủ động tham gia cuộc chơi của thế giới, nhất là câu chuyện tham gia đóng góp vào xây dựng các chuẩn mực ứng xử, các quy định luật pháp và điều kiện mà các nước cùng theo. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu phương châm 14 chữ với ngành Ngoại giao: “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”. Với những kinh nghiệm dày dặn trong cả ngoại giao song phương và đa phương, Đại sứ cảm nhận về ý nghĩa của phương châm này như thế nào?
Cá nhân tôi chỉ xin nêu đậm hai vế “tin cậy” và “cùng phát triển”, là điều cần được hết sức chú ý và tiếp tục nhân lên trong quan hệ với các nước trong thời gian tới.
Thực hiện “cùng phát triển” chính là thể hiện sự đan xen lợi ích, dựa trên nguyên tắc chia sẻ, cùng có lợi. Câu chuyện về “tin cậy” cũng không phải dễ dàng. Trong quan hệ giữa các nước với nhau, bao giờ cũng có song trùng và khác biệt, cơ hội và thách thức, thế thì cần phải làm thế nào để đồng thuận được nhân lên và khác biệt được xử lý hài hòa, thu hẹp, từ đó tạo tin cậy lớn nhất. Đồng thời, quan hệ hợp tác có cái căn bản là phải dựa trên các chuẩn mực ứng xử quốc tế và luật pháp quốc tế.
Việc kết hợp “tin cậy” và “cùng phát triển” là vô cùng quan trọng trong chặng đường đối ngoại sắp tới của Việt Nam.
Nếu chúng ta nhìn lại quá trình mở rộng hội nhập, khi muốn đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, chắc chắn càng phải nhân lên sự tin cậy và chia sẻ lợi ích, thu hẹp khác biệt. Nếu có khác biệt phải đối thoại tin cậy, xây dựng với nhau để cùng giải quyết.
Có thể thấy rõ, khí thế mới của ngành Ngoại giao đang hòa vào khí thế mới của đất nước. Sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Đại sứ cảm nhận ra sao tinh thần, khí thế ấy?
Qua kỳ hội nghị ngoại giao lần này, có lẽ có hai điều đọng lại trong mỗi cán bộ ngoại giao, nhất là cán bộ ngoại giao đã gắn bó nhiều năm với Ngành.
Trước hết, đó là trăn trở về góp phần vào việc tiếp tục đưa đất nước phát triển: đất nước vững mạnh hơn, có vị thế hơn, có vai trò và đóng góp quốc tế nhiều hơn. Trăn trở này được thể hiện rất rõ, từ các chủ trương chính sách, phát biểu chỉ đạo hay qua các chuyến thăm đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, cũng như của các cấp và lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Tiếp đó, là làm sao nắm bắt được cơ hội, khi mà bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những biến chuyển sâu sắc, đan xen cơ hội và thách thức, như sự chuyển dịch địa chiến lược, thay đổi các chuỗi cung ứng, hay cạnh tranh nước lớn, các xu hướng quốc tế trái ngược nhau, các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Việt Nam có khát vọng vươn lên nhưng trong muôn vàn thách thức đó, làm sao biết được đâu là cơ hội, kiến tạo cơ hội, ứng xử như thế nào để có lợi cho quốc gia mà vẫn giữ được tính nguyên tắc của mình và luật pháp quốc tế.
Như vậy, ngoại giao vừa phải phục vụ khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu, vừa phải kiến tạo, tranh thủ được cơ hội, giảm nhẹ khác biệt. Thời buổi hiện nay, chỉ có tăng cường tốt quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế và sức mạnh của dân tộc thì mới là bảo vệ đất nước từ xa tốt nhất.
Ngoại giao vừa phải phục vụ khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu, vừa phải kiến tạo, tranh thủ được cơ hội, giảm nhẹ khác biệt. |
Theo Đại sứ, “ngoại giao tiên phong” có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Như trên đã nêu, ngoại giao tiên phong trước hết là nhằm góp phần vào gìn giữ và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho an ninh và phát triển của Việt Nam. Để làm được điều này, cần phải phát huy vị thế Việt Nam và làm sâu sắc các mối quan hệ, đan xen lợi ích, với láng giềng xung quanh, với các nước lớn, các đối tác chủ chốt.
Ngoại giao tiên phong là làm cho các mối quan hệ xung quanh tốt đẹp, tạo ra môi trường tốt đẹp, làm tốt công tác dự báo, cả về chiến lược và động thái, dự đoán và nắm bắt được tình hình, những điều có thể tác động đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước.
Mọi động thái và chuyển dịch của họ phải được dự báo và đánh giá, xem chúng ảnh hưởng tới môi trường hợp tác ở khu vực và liên quan tới Việt Nam ra sao. Tức là nắm cả hai mặt, cơ hội và thách thức, để tham mưu, kiến nghị xử lý.
Hiện nay, nhiều nước chủ trương đề ra những sáng kiến mới về hội nhập khu vực, thương mại - kinh tế, an ninh… Điều này tạo thuận lợi cho môi trường khu vực hay phương hại thêm môi trường an ninh? Tạo thêm động lực liên kết ở khu vực hay cản trở hợp tác? Đây là những câu hỏi về cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải dự báo được trước.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh, ngoại giao tiên phong tức là phải chủ động tham gia vào cuộc chơi của thế giới, nhất là câu chuyện tham gia đóng góp vào xây dựng các chuẩn mực ứng xử, các quy định luật pháp và điều kiện mà các nước cùng theo.
Việt Nam tham gia nhiều khuôn khổ khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, ASEM, WTO… Vì vậy, muốn môi trường quốc tế thuận lợi, việc xây dựng các thỏa thuận, hiệp định, chuẩn mực tại các tổ chức cần phải kết hợp hài hòa giữa cái chung dựa trên luật pháp quốc tế và cái riêng là phục vụ lợi ích quốc gia.
Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay bất cứ một cuộc khủng hoảng nào có thể xảy ra chẳng hạn như phức tạp ở Biển Đông, do đó, bắt buộc phải thúc đẩy hợp tác chung tại khu vực. Lực lượng thúc đẩy hợp tác không ai khác chính là các nhà ngoại giao. Hợp tác phòng chống dịch bệnh hay ngoại giao vaccine thời gian qua đã rất thành công, rất quan trọng và thiết yếu cho nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của đất nước ở thời điểm hiện tại.
Chúng ta vừa phải có độc lập tự chủ, vừa phải chủ động hội nhập, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế cũng như luật pháp quốc tế.