Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2025? Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng đảm nhận vai trò này?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025 xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương của Đảng ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương mới, thể hiện rõ qua Chỉ thị của Ban bí thư tháng 8/2018 nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nói chung.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Sự kiện Việt Nam ứng cử thành công, được bầu làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025 là một bước đi mới trong lĩnh vực pháp lý quốc tế khẳng định Việt Nam đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam mà ở đây là hội nhập pháp lý đa phương, vận dụng và tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.
Việt Nam được bầu làm thành viên UNCITRAL cũng thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Sự ủng hộ cao của các nước trên thế giới dành cho Việt Nam cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao thành tựu nước ta đạt được, uy tín, sự đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp lý quốc tế. Đây cũng là sự khích lệ đối với những người làm công tác pháp lý quốc tế của Việt Nam.
Tham gia UNCITRAL vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia pháp lý quốc tế, nhất là thuộc lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế, để có thể sánh ngang tầm với cán bộ, chuyên gia pháp lý quốc tế của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Xin Thứ trưởng cho biết quá trình chuẩn bị cho việc này?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Ngay từ cuối năm 2017, Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu, lên phương án tham gia. Năm 2018, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Phái đoàn thường trực Việt Nam tại New York thông báo chính thức cho Chủ tịch Nhóm châu Á - Thái Bình Dương (APG) và các Phái đoàn của các nước tại LHQ về việc Việt Nam ứng cử.
UNCITRAL là gì? Được thành lập năm 1966, Ủy ban Luật thương mại Quốc tế thuộc Liên hợp quốc (UNCITRAL) là cơ quan chuyên môn của Ủy ban pháp lý của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với mục đích thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế. UNCITRAL bao gồm 60 quốc gia thành viên do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra, nhiệm kỳ 6 năm, bầu cử 3 năm một lần để bầu một nửa số thành viên. |
Tuy nhiên, năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử UNCITRAL, một số Nhóm nước có nhiều ứng viên hơn số vị trí cần bầu, dẫn đến cần tiến hành bỏ phiếu tại Đại hội đồng. Nhóm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam ứng cử có 9 nước ứng viên cho 07 ghế của Nhóm được bầu nên cần phải tiến hành bỏ phiếu tại Đại hội đồng.
Trước khó khăn này, từ giữa năm 2018, Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai công tác tiếp xúc, vận động các nước qua các kênh, tại các diễn đàn khác nhau. Chúng ta phải thông tin với các nước thành viên về việc tại sao Việt Nam quyết định tham gia, đánh giá ý chí của Ủy ban, thực tế Việt Nam làm được gì để đóng góp vào công việc, nêu các thành tựu cụ thể về kinh tế đối ngoại, về thương mại và đầu tư, các chủ trương chính sách thành tựu trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực tế của việc Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới...
Vừa qua Việt Nam là một trong những nước phê chuẩn và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) cũng có tác động rất lớn.
Và ngày 17/12, tại khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các nước thành viên đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên UNCITRAL với 157/193 phiếu.
Một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: UNESCO Globe) |
Xin Thứ trưởng cho biết những lợi ích khi Việt Nam là thành viên của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Từ trước đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia một số Công ước quốc tế, áp dụng nhiều luật mẫu, quy tắc do UNCITRAL xây dựng, qua đó giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam về thương mại.
Những năm gần đây, mặc dù chưa là thành viên chính thức của UNCITRAL, Việt Nam đã từng bước tích cực tham gia UNCITRAL với tư cách quan sát viên, tham dự và đóng góp tích cực tại các phiên họp, thảo luận trong một số Nhóm công tác của UNCITRAL, đặc biệt là trong các hoạt động của Nhóm 2 về Giải quyết tranh chấp, Nhóm 3 về Cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư và Nhóm 5 về Luật phá sản.
Nay, với tư cách là thành viên chính thức của UNCITRAL, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào công việc của các Nhóm công tác và thảo luận xây dựng và thông qua các khuyến nghị của UNCITRAL. Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia đóng góp tích cực hơn, chủ động hơn vào các công việc của Ủy ban này, tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn thảo luận, đàm phán theo hướng phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia thảo luận, đóng góp xây dựng các văn kiện của UNCITRAL, chia sẻ kinh nghiệm với đại diện các nước, đồng thời ta có thêm quyền bỏ phiếu thông qua/phản đối thông qua văn kiện cuối cùng của Nhóm công tác của UNCITRAL, tham gia ứng cử hay bầu các vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban; Chủ tịch, Phó Chủ tịch của các Nhóm Công tác thuộc UNCITRAL; được tham dự vào các cuộc họp trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương hoặc giữa các Nhóm khu vực để cùng thảo luận, thông qua những quan điểm chung.
UNCITRAL đã thúc đẩy việc cho ra đời một khối lượng đồ sộ các Công ước quốc tế (trong đó có những Công ước rất quan trọng như Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Mauritius năm 2014 về minh bạch hóa…), các Luật mẫu, Hướng dẫn trong nhiều lĩnh vực của pháp luật thương mại quốc tế, làm nền tảng cơ bản thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển, được các quốc gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư, trọng tài viên trên toàn thế giới đã và đang áp dụng. |
Việc trở thành thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình thúc đẩy hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nước ta tham gia ngày càng nhiều các FTA như hiện nay?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Việt Nam đang chủ động, tích cực tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện hàng loạt các Hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, trong đó có các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTTP, đòi hỏi không ngừng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
Với việc trở thành thành viên UNCITRAL, các bộ, ngành, chuyên gia pháp lý của Việt Nam sẽ có điều kiện phát huy hiệu quả hơn nữa các văn kiện và sáng kiến của UNCITRAL trong việc giải quyết các thách thức như: Hoàn thiện pháp luật về thương mại, triển khai các cam kết về tự do hóa thương mại, đầu tư nước ngoài; Bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Đổi mới chính sách, hoàn thiện cơ chế, triển khai các biện pháp đồng bộ và nhất quán để thu hút đầu tư có chất lượng; Phòng ngừa khiếu nại, tranh chấp và giải quyết thỏa đáng các khiếu nại, tranh chấp thương mại, đầu tư…
Tuy nhiên, trở thành thành viên UNCITRAL cũng là những thách thức đối với các bộ, ngành của Việt Nam, vì phải chủ động bố trí nhân lực, nguồn lực để tham gia, đặc biệt là cần có cán bộ, chuyên gia pháp lý, đối ngoại có chuyên môn sâu, có kỹ năng đối ngoại đa phương, có đủ năng lực để tham gia, có đóng góp chất lượng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.
Các cơ quan, tổ chức đào tạo, nghiên cứu, thực hành pháp luật cần chủ động để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của UNCITRAL để phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, soạn thảo và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, cũng như cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp về thương mại, đầu tư quốc tế.