📞

Để không 'chậm chân' trong cuộc cứu trợ văn hóa nghệ thuật giữa dịch Covid-19

MINH ĐĂNG 17:49 | 17/05/2020
TGVN. Cứu trợ và phục hồi nền kinh tế luôn là bài toán đi đầu của các quốc gia bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi đời sống tinh thần trở nên thiếu thốn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật lên tiếng kêu cứu, các nước cũng không thể ngồi yên.
Rạp chiếu phim tại thủ đô Cairo của Ai Cập. (Nguồn: The Arab Weekly)

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động văn hóa nghệ thuật tại nhiều nước gần như bị tê liệt. Hàng loạt nghệ sĩ và nhà sáng tạo không thể hoàn thiện hoặc sản xuất hạn chế các tác phẩm mới.

Nhận thức rõ nguy cơ này cũng như tầm quan trọng của văn hóa, các nước đang đưa ra nhiều chính sách kịp thời cùng các hình thức hỗ trợ để có thể vực dậy các hoạt động của đời sống tinh thần...

Không thể bị bỏ rơi

“UNESCO cam kết dẫn đầu một cuộc thảo luận toàn cầu về cách hỗ trợ tốt nhất cho các nghệ sĩ và tổ chức văn hóa trong đại dịch Covid-19 và đảm bảo mọi người có thể giữ tiếp cận với di sản và văn hóa kết nối họ với nhân loại”.

Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay

Pháp là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Văn hóa Pháp (DRAC) cho rằng vẫn có các hành động cụ thể để cứu trợ văn hóa với quỹ khẩn cấp 23,5 triệu Euro.

Bên cạnh việc thiết lập địa điểm cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các chuyên gia văn hóa, chính quyền các vùng còn phối hợp với các văn phòng khu vực của DRAC để xác định và đánh giá nhu cầu hỗ trợ. Hầu hết các vùng quyết định duy trì trợ cấp đã được cung cấp, ngay cả khi các sự kiện văn hóa bị hủy bỏ.

Tại Italy, ngay từ hồi tháng Ba, Chính phủ nước này đã thành lập quỹ trị giá 130 triệu Euro để hỗ trợ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và nghe nhìn.

Ngoài ra, các hiệp hội văn hóa nghệ thuật, báo chí Italy đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một quỹ cứu trợ đặc biệt cho hoạt động văn hóa và nghệ thuật.

Giữa áp lực căng thẳng về dịch vụ y tế, Chính phủ Đức đã triển khai một khoản hỗ trợ đáng kinh ngạc trị giá 50 tỷ Euro được cung cấp cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do, bao gồm cả những người thuộc lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.

Trong khi Chính phủ Tây Ban Nha công bố chính sách bảo lãnh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực văn hóa và thể thao với giá trị lên tới 20 triệu Euro, Hội đồng nghệ thuật Anh đã kịp ra mắt Gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 160 triệu bảng cho các tổ chức và nghệ sĩ sáng tạo.

Tại Nam Phi, Bộ Thể thao, Nghệ thuật và Văn hóa tuyên bố phân bổ 7,3 triệu Euro để hỗ trợ các nghệ sĩ, vận động viên, nhân viên kỹ thuật... Hội đồng Nghệ thuật Canada cũng đã tuyên bố cung cấp khoảng 60 triệu USD tiền tài trợ cho hơn 1000 tổ chức.

Cùng với các quỹ hỗ trợ, nhiều nước cũng tiết lộ thông tin về các chương trình, cơ sở và phương pháp tiếp cận tài trợ... Chẳng hạn, Bộ trưởng Văn hóa Paraguay đã công bố nền tảng văn hóa trực tuyến miễn phí, qua đó nghệ sĩ có thể cung cấp các khóa học hội thảo và yêu cầu quyên góp hoặc thanh toán từ những người tham gia.

Trong khi đó, Bộ Văn hóa ở Tunisia đã công bố Quỹ phục hồi văn hóa bao gồm các khoản tài trợ đến từ các khu vực công và tư nhân.

Chiến dịch của UNESCO

Cùng với nỗ lực cứu trợ văn hóa của các nước, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi các biện pháp hỗ trợ nghệ sĩ và tăng cường tiếp cận văn hóa, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

UNESCO kiến nghị cần đảm bảo văn hóa được tiếp cận đối với tất cả mọi người và tiếp tục phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của nhân loại, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Hành động cụ thể nhất là UNESCO đã phát động chiến dịch truyền thông xã hội #Chia sẻ văn hóa và khuyến khích mọi người chia sẻ văn hóa và sáng tạo của họ qua hình thức trực tuyến.

Đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, UNESCO đã phát động chiến dịch truyền thông xã hội toàn cầu #Chia sẻ di sản của chúng ta để thúc đẩy tiếp cận văn hóa và giáo dục xung quanh di sản văn hóa trong thời gian này.

Nhiều câu chuyện "cứu trợ văn hóa" được chia sẻ trực tuyến trên trang web của UNESCO. (Ảnh chụp màn hình).

Theo thống kê gần đây của UNESCO, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 quốc gia (chiếm 71%) đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đã đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản. Việc đóng cửa và hạn chế đi lại đã ảnh hưởng rất lớn đến các cộng đồng sinh sống trong phạm vi di sản.

Bởi vậy, UNESCO đang ra mắt một triển lãm trực tuyến của hàng chục tài sản di sản trên toàn cầu với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Google. Ngoài ra, tổ chức này cung cấp thông tin cập nhật thông qua bản đồ trực tuyến trên trang web và phương tiện truyền thông xã hội về tác động của Covid-19 đối với di sản thế giới.

UNESCO sẽ chia sẻ tài khoản mạng xã hội của các nhà quản lý trang web Di sản Thế giới, những người trực tiếp nhận thấy tác động của dịch bệnh trên các địa điểm họ quản lý và cộng đồng sống xung quanh họ.

Tại đây, trẻ em trên khắp thế giới sẽ được mời vẽ và chia sẻ tác phẩm về các di sản thế giới, tạo cơ hội thể hiện sự sáng tạo và mối liên hệ với di sản.

Thậm chí, khi dịch bệnh kết thúc, các chiến dịch #Chia sẻ văn hóa và #Chia sẻ di sản của chúng ta vẫn được UNESCO duy trì để chia sẻ suy nghĩ về các biện pháp bảo vệ di sản và thúc đẩy du lịch bền vững.

“Ngành văn hóa có tỷ lệ cao lao động tự do, do vậy những lao động này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống. Chính quyền liên bang cũng hiểu rõ tầm quan trọng của ngành văn hóa và công nghiệp sáng tạo, vì vậy sự hỗ trợ sẽ đến rất nhanh và giảm bớt thủ tục hành chính”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Monika Grutters