Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng (VCEJ) tổ chức.
Buổi trao đổi có sự tham gia của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, Đại sứ đặc trách về Biến đối Khí hậu toàn cầu Thụy Điển Lars Ronnas, Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý Hàng hải và Nước của Thụy Điển Jakob Granit.
Sự kiện còn có sự tham dự của Giám đốc dự án quốc tế, Viện Khí tượng Thủy văn Thụy Điển Phil Granham; Quyền giám đốc về quản trị nước, Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) Birgitta Liss lymer và Giám đốc Trung tâm Châu Á, Viện Môi trường Stockholm Niall O’ Connor.
Buổi trao đổi diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trong giai đoạn chuyển tiếp, hướng đến phát triển nền kinh tế đồng thời đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên bền vững, không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Theo đó, việc giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Toàn cảnh buổi trao đổi. (Ảnh: M.P) |
Theo Đại sứ đặc trách về Biến đối Khí hậu toàn cầu Thụy Điển Lars Ronnas, kể từ giữa những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa đã quản lý một cách khá tuyệt đối và duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải carbon: kết quả tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục tăng lên cùng với mức phát thải giảm đi. Mức phát thải khí nhà kính của Thụy Điển nằm ở mức thấp nhất trong EU và OECD, tính theo đầu người.
Năm 2013, lượng phát thải GHG của Thụy Điển chỉ còn là 55,8 triệu tấn CO2 so với 71,8 triệu tấn năm 1990 – giảm đến 22%. Trong khi đó, GDP của Thụy Điển đã tăng 58% trong thời gian này. Đại sứ Lars Ronnas khẳng định: “Việc phát triển kinh tế không nhất thiết phải hy sinh môi trường. Hai yếu tố này hoàn toàn có thể được đảm bảo một cách hài hòa bằng nhiều biện pháp”.
Tại cuộc trao đổi, các diễn giả chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc giải quyết vấn đề môi truờng. Theo đó, từ năm 1995, quốc gia Bắc Âu này đã trở thành một trong những nước đầu tiên đánh thuế carbon, áp dụng với các nhiên liệu có hàm lượng carbon cao như dầu mỏ và khí tự nhiên. Quyết sách này đã giúp Thụy Điển giảm phần lớn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chính sách này thể hiện tính hiệu quả và là công cụ ít tốn kém nhất góp phần giảm khí thải CO2.
Ngoài ra, Chính phủ Thụy Đuiển cũng đưa ra một số hình thức ưu đãi xanh để giúp nền kinh tế Thụy Điển phát triển bền vững. Hệ thống chứng nhận điện được khởi xướng vào năm 2003 là một hệ thống hỗ trợ dựa trên thị trường để tăng sản xuất điện từ các nguồn tái tạo và giảm chi phí sản xuất điện.
Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, Thụy Điển đã dành 4.000 tỷ SEK (khoảng trên 500 triệu EUR) – nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác nếu tính đầu người – cho Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, pháp luật đóng một vai trò quan trong nỗ lực bảo vệ môi trường của Thụy Điển, trong đó có Bộ luật Môi trường (có hiệu lực từ năm 1999).
Theo các diễn giả, Việt Nam và Thụy Điển có nhiều điểm tương đồng về khí hậu, môi trường và mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua buổi trao đổi, Đại sứ quán Thụy Điển mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp môi trường được áp dụng thành công tại quốc gia mình để từ đó mở ra cơ hội kết nối, hợp tác, thúc đẩy quan hệ song phương.