Ở Thượng Hải, những bữa tiệc diễn ra sôi nổi. Những hàng xe Lamborghini màu vàng xếp dọc các con phố bên ngoài các hộp đêm, nơi “thế hệ Millennials” (những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000, còn được gọi là thế hệ Y) của Trung Quốc mặc những bộ áo liền quần Gucci kỳ dị và đồ hiệu Prada bằng da tụ tập quanh những chiếc bàn đầy ắp các thùng đá chứa đầy chai rượu vodka Grey Goose và champagne Moet.
Tin liên quan |
Góc khuất trong ‘mối tình’ Ukraine-Ba Lan: Cuộc phong tỏa biên giới không hồi kết, tân Thủ tướng Tusk cũng bó tay |
Những bàn tiệc chứa đầy rượu vang quý hiếm của Australia và những con tôm hùm đỏ mọng là đồ ăn chính trong bữa tiệc của các công ty.
Các cửa hàng xa xỉ của Italy mọc lên hàng tuần trên đường Nam Kinh - khu mua sắm chính của thành phố. Các sân bay chật cứng khách du lịch đổ về Australia, châu Âu và các thủ đô trên thế giới để mua sắm.
Sự hoa lệ đang dần phai nhạt
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 4 năm trước.
cách đây 1 năm, khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phục hồi và trở lại thời kỳ thịnh vượng trước đại dịch đã không xảy ra.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển. Các tầng lớp giàu có ở Thượng Hải và Bắc Kinh đang nhộn nhịp trở lại và người giàu đang chi tiêu mạnh tay. Chính phủ Trung Quốc sẽ không công bố mục tiêu GDP năm 2023 cho đến tháng 3/2024, nhưng có nhiều kỳ vọng rằng con số này có thể lên tới 5% - một kết quả mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải ghen tị.
Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và nhiều người đang cảm thấy lo lắng. Rất nhiều hộ gia đình đang phải thắt chặt chi tiêu, những người có thu nhập thấp đang gặp khó khăn và nhiều người lo sợ bị mất việc. Niềm tin của người tiêu dùng bị phá vỡ, tình trạng giảm phát kéo dài và những người trẻ tuổi đang phải vật lộn để tìm việc làm.
Sự lạc quan vốn định hình nên phép lạ kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ giảm dần.
Trong nhiều năm, Trung Quốc dựa vào đầu tư bất động sản và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng liên quan để thúc đẩy tăng trưởng. (Nguồn: Bloomberg) |
Đầu tư bất động sản của Trung Quốc đã giảm 18% trong 2 năm qua do giá trị tài sản sụt giảm. Hoạt động của nhà máy bị thu hẹp và nhiều công ty đang sa thải nhân viên hoặc yêu cầu họ cắt giảm lương. Tháng 11/2023, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang mức âm sau nhiều thập kỷ.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trị giá 27.000 tỷ USD sẽ giảm từ 5,2% trong năm nay xuống còn 4,5% vào năm 2024 và 4,3% vào năm 2025.
Trong nhiều năm, Trung Quốc dựa vào đầu tư bất động sản và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng liên quan để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các hoạt động này đã gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch, khi các nhà phát triển từng một thời nổi danh hiện lâm vào tình trạng phá sản.
Thị trường bất động sản, cùng với xuất khẩu, đã đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực ở Trung Quốc. Tuy nhiên giờ đây, giá bất động sản dân cư giảm, nợ chính quyền địa phương cao, giảm phát, niềm tin của người tiêu dùng yếu, xuất khẩu giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Chuyên gia Willy Lam, một thành viên cấp cao của Quỹ Jamestown, cho biết, chính phủ Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn để vực dậy nền kinh tế.
Duy trì mục tiêu tăng trưởng 5%
Ngày 12/12/2023, có thông báo cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn của ông sẽ ưu tiên tạo ra một “hệ thống công nghiệp hiện đại” vào năm 2024. Ý tưởng là nhằm đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ, đổi mới, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Trong một số lĩnh vực như pin, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời và chế biến khoáng sản quan trọng, Trung Quốc đã đi trước cuộc chơi. Khoảng 60% trong số 10 triệu xe điện bán ra trên thế giới vào năm 2022 được sản xuất tại Trung Quốc Đại lục và con số này đang tăng lên. Nó cũng chiếm 80% công suất sản xuất năng lượng Mặt trời của thế giới.
Các chủ ngân hàng, giám đốc điều hành và công nhân cho biết, mối quan tâm trước mắt của họ là liệu việc chính phủ tập trung vào các khoản đầu tư mới có thể giúp thu hẹp khoảng cách đủ để ngăn nền kinh tế đi lùi hay không.
Tin liên quan |
Kinh tế Trung Quốc đã lấy lại đà phục hồi? |
Trong khu vực doanh nghiệp, văn hóa “tham vọng dài hạn” đã được thay thế bằng sự tập trung vào sự tồn tại ngắn hạn. Một nhà đầu tư người Australia thường xuyên đến thăm Trung Quốc cho biết: “Mọi người đều tập trung vào ngắn hạn. Không có khoản đầu tư quy mô lớn nào từ khu vực tư nhân. Lĩnh vực bất động sản tiếp tục xấu”.
Theo WB, giỏ xuất khẩu của Trung Quốc đã chuyển từ sản xuất công nghệ thấp sang sản xuất công nghệ trung bình. Thị phần “xuất khẩu công nghệ trung bình”, bao gồm xe điện, tấm pin Mặt Trời và pin lithium-ion, đã tăng từ 19% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 lên 25% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ không đủ lớn để bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc, bao gồm hàng không vũ trụ, máy tính và máy móc điện.
Báo cáo cũng cho thấy, đầu tư nội địa của Trung Quốc vào máy móc điện, điện tử và viễn thông đã tăng lên 22,3% trong 10 tháng đầu năm nay.
Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới 2024, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách để củng cố niềm tin vào nền kinh tế.
Ông Tập Cận Bình bày tỏ quan ngại về những khó khăn mà hoạt động của một số doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như khó khăn mà người dân phải đối mặt trong công việc và cuộc sống hàng ngày, tác động của thiên tai như lũ lụt và động đất ở một số khu vực.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ vực dậy đà phục hồi kinh tế vốn trì trệ sau đại dịch và đang bị cản trở bởi cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản, rủi ro nợ của chính quyền địa phương và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Các nhà phân tích ước tính tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt mục tiêu chính thức khoảng 5% trong năm 2023 và chính phủ nước này sẽ duy trì mục tiêu tương tự trong năm 2024.
Cũng có những lo ngại rằng việc xoay trục nền kinh tế quá nhanh sẽ gây tổn hại nếu sự thay đổi không được theo dõi và điều chỉnh. WB chỉ rõ: “Việc tái cân bằng đầu tư hơn nữa có thể dẫn đến những thách thức mới nổi xuất phát từ những rủi ro liên quan đến tình trạng dư thừa công suất và kém hiệu quả”.
Giáo sư Minxin Pei, thuộc trường Đại học Claremont McKenna ở California (Mỹ), cho biết: “Về mặt chính trị, việc phát động một chiến dịch toàn diện nhằm phục hồi tăng trưởng có thể xung đột với chương trình nghị sự lấy an ninh làm trung tâm của chính phủ”.
Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tận dụng chuyến thăm Mỹ với mong muốn biến Trung Quốc thành một nơi thân thiện hơn cho các công ty nước ngoài kinh doanh. Tuy nhiên làn sóng người giàu "tháo chạy" khỏi Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.
Trong khi đó, đối với nhiều người khác, những người ít lựa chọn hơn, đang hy vọng, chính phủ Trung Quốc sẽ sớm có thêm những kế hoạch mới trong năm 2024 để tạo ra một “phép lạ” kinh tế khác.
| Lĩnh vực nào của Trung Quốc đang là 'thỏi nam châm' hút vốn đầu tư nước ngoài? Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy việc sử dụng vốn thực tế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất ... |
| Kinh tế biến động, thanh niên Trung Quốc đua nhau thi công chức, mong muốn bảo đảm 'bát cơm sắt' Trên mạng xã hội, giới trẻ Trung Quốc gọi công chức là nghề "tận cùng của vũ trụ", là nơi an toàn nhất trong một ... |
| Kinh tế Trung Quốc 2024: Gánh thêm nợ hoặc tăng trưởng ít hơn? Các cố vấn chính phủ đang kêu gọi đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024. Mục tiêu như vậy có thể đẩy ... |
| Kinh tế ảm đạm, dân Trung Quốc duy trì 'thắt lưng buộc bụng' Hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", không dám chi tiêu cho đến ... |
| Chuyên gia: Nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và bắt đầu phục hồi Trong tháng 11, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ (NDT) so với USD có xu hướng phục hồi mạnh. Điều này được ... |