📞

Đề thi Văn 'nếu phải ở trong nước sôi...': Đã đến lúc cần tiếp cận cách làm mới

Hà Anh Thu* 08:14 | 10/06/2021
Trước những tranh cãi về đề thi Văn 'Nếu phải ở trong nước sôi...', biên kịch Hà Anh Thu cho rằng, giáo viên cũng nên làm mới mình. Bởi chỉ khi ấy, các thầy cô giáo mới lựa chọn được con đường đúng để 'vẽ' ra cho học sinh 'chạy' theo mà không đâm vào bụi rậm.
Biên kịch Hà Anh Thu cho rằng nên khuyến khích các đề thi mở.

Nếu chúng ta không tách cả đề thi ra để phân tích và "ném đá" một vế thì tôi thấy, đây là một đề văn hay. Khi cần tranh luận điều gì, hãy mang tất cả ra để cùng bàn thảo, cụ thể là trong đề văn này.

Tuy nhiên, tôi thấy nhiều người lại cắt đôi đề thi ra, bỏ phần câu ngạn ngữ của nước ngoài và chỉ chú ý tới phần câu hỏi để bàn luận và chê bai là đề phản cảm.

Câu ngạn ngữ đó vô cùng hay, bởi vì bản thân nó nêu lên "sức mạnh nội tại" của mỗi vật, mỗi người. Bạn là khoai tây thì bị luộc chín, còn là trứng thì bạn sẽ cứng hơn. Giả định "nếu phải ở trong nước sôi" của đề thi sẽ chỉ “hay” khi nó không bị tách ra khỏi cả cụm câu hỏi. Nếu bóc tách ra sẽ khiến nhiều người không đọc kỹ và không hiểu câu hỏi, họ sẽ phản ứng là lẽ đương nhiên.

Cá nhân tôi luôn đề cao các đề văn mở, thậm chí không chỉ trong môn Văn, mà nên áp dụng việc này vào các môn học khác.

Thực tế, không ít bạn trẻ ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với các hiện tượng và sự kiện thời sự, thậm chí "hơi sách vở và già". Do đó, việc các thầy cô giáo cập nhập hiện thực, các thực tế đang diễn ra trong cuộc sống sẽ giúp trẻ nhận thức tốt hơn về nhân sinh quan và thế giới quan, về xã hội quanh mình. Không những thế, từ nhận thức sẽ đi tới hành động mang tính thực tế hơn.

Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta tìm tới cách tiếp cận mới. Tránh việc học sinh bị học những thứ cũ, tránh cả việc giáo viên dạy đi dạy lại những kiến thức cũ, không cập nhật, không theo kịp đời sống hiện đại và các vấn đề của hiện tại. Việc học của học sinh là một, nhưng thầy cô giáo đổi mới cách dạy cũng là điều nên làm.

Đề thi Văn "Nếu phải ở trong nước sôi..." gây tranh cãi, người cho rằng hay, khơi sự sáng tạo cho học sinh, người lại cho rằng đề thi phản cảm và nhiều "sạn". (Nguồn: VnExpress)

Tất nhiên, điều gì cũng có mặt tốt và xấu, mặt tích cực và hạn chế. Vì thế, tôi mới nhắc tới việc cả giáo viên cũng nên làm mới mình. Bởi chỉ khi ấy, các thầy cô giáo mới lựa chọn được con đường đúng để "vẽ" ra cho học sinh "chạy" theo mà không đâm vào... "bụi rậm". Việc này là thật sự cần thiết, cấp thiết và nên làm ngay.

Vậy khuyến khích các đề thi mở và sáng tạo nhưng mở đến đâu là đủ? Tôi nghĩ đây mới là câu hỏi đúng. Vì vậy, chúng ta mới có các giáo sư, tiến sỹ về giáo dục để họ phải tìm hiểu và nghiên cứu thêm.

Trước mắt, việc "mở" là quan trọng và cần thiết. Tách lũ trẻ ra khỏi những sách vở tất nhiên không có nghĩa là muốn mở cái gì thì mở, không phải cái gì mở cũng tốt. Cá nhân tôi cho rằng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Vấn đề nằm ở những người lớn, đó là cách chúng ta đối xử với cái mới.

Trở lại với đề văn này, hãy nhìn cách một số người tách phần câu hỏi ra khỏi cả đề bài, đó là một động thái sai. Nó khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là một vài phụ huynh khó chịu, cho rằng đề thi phản cảm, nhiều “sạn”. Thậm chí, tôi đọc báo thấy có người còn so sánh với nồi nước sôi của Tấm khi đối xử với Cám...

Rõ ràng, đó là một sự so sánh khập khiễng nhưng lại khó có thể trách người đã đưa ra sự so sánh đó, vì có lẽ họ chỉ đọc phần mà bài báo đưa ra tiêu đề. Việc chúng ta nhìn và đối xử với cái mới là vô cùng quan trọng. Với cách tách biệt câu hỏi ra toàn bộ đề thi như thế này hoặc đang đẩy nó đến tiêu cực hoặc đang khiến người khác chối bỏ nó.

"Việc mở là quan trọng và cần thiết. Tách lũ trẻ ra khỏi những sách vở tất nhiên không có nghĩa là muốn mở cái gì thì mở, không phải cái gì mở cũng tốt. Cái gì cũng có 2 mặt của nó, vấn đề ở những người lớn là cách đối xử với cái mới", Biên kịch Hà Anh Thu.

Tôi cho rằng, đã là giáo viên thì chắc chắn sẽ không thể nói dễ dàng đưa ra một đề thi "phản cảm" được. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên dẹp bỏ những nỗi sợ và lo lắng thái quá với một cái mới. Chưa làm, chưa thử đã sợ sẽ không giải quyết được điều gì. Vấn đề cần làm hiện giờ, với tư cách cũng là một phụ huynh học sinh có con chuẩn bị vào lớp 10, tôi cho rằng, chúng ta nên xem xét cái gì mới và mới như thế nào.

Nếu chúng ta "sợ" thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được tiếng nói chung giữa việc dạy và việc trải nghiệm thực tế. Trẻ cần được mở mang, cần được trang bị đủ hành trang để bước vào đời. Mà cuộc đời thì liệu có sẵn những chương trình được lập trình sẵn toàn điều đẹp đẽ hay yên ổn giống như trong sách vở không? Tôi nghĩ câu hỏi này chúng ta nên bắt đầu tìm câu trả lời. Không nên đợi đến lúc trẻ phải hỏi chúng ta rằng "cha mẹ ơi, tại sao con thấy nó không giống như trong sách?".

Đề Văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa) đang gây nhiều tranh cãi, thậm chí được cho là phản giáo dục khi trích dẫn nội dung trong sách của Lu-Mannup:

"Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu" và đặt câu hỏi:

"Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".

*Tác giả Hà Anh Thu là biên kịch của các bộ phim “Em muốn làm người nổi tiếng”, “Tình anh em”, “5S online”, “Máy bay ký sự”…