Giáo dục nên hướng trẻ thành người tử tế. (Ảnh: Mỹ Huệ) |
Vậy là năm học mới 2022-2023 đã bước sang tuần thứ hai, kể từ ngày khai giảng 5/9. Năm học này, thầy cô giáo và học sinh đều vui mừng đến trường dự lễ khai giảng sau một năm dịch giã hoành hành. Mùa khai giảng năm trước không thể diễn ra do bối cảnh dịch bệnh.
Có niềm vui nào lớn hơn khi được đến lớp, đến trường, cả người dạy và học đều chung cảm xúc này. Thầy cô tương tác trực tiếp với học trò thông qua những giờ đứng trên bục giảng sẽ giúp cho không khí lớp học, giờ giảng trở nên sống động. Người học thông qua offline cũng có thể hỏi lại những điều không hiểu hoặc thông qua ánh mắt cũng giúp thầy cô của mình hiểu ra, trợ giúp.
Không cần phải nói những lợi ích của đến trường, được đi học. Có những học trò ở vùng sâu, xa, vùng cao, trường lớp còn xập xệ thiếu thốn nhưng được đến trường với các em là điều hạnh phúc. Vì vậy, khó khăn không ngăn được bước chân của các em.
Mỗi cuối hoặc đầu năm học mới, có những cuộc vinh danh thầy cô dấn thân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao. Đồng thời là những khen thưởng cho nỗ lực vượt khó đến trường, học giỏi của nhiều học sinh khác. Trong thi đua, ngành giáo dục rất cần làm việc này thường xuyên, đúng người, đúng nơi, thì sự khuyến khích sự học trở nên hiệu quả, giúp cho nhiều người có niềm tin, tiếp tục phấn đấu và làm nên những điều kỳ diệu.
Nhiều năm qua, vấn đề thành tích trong giáo dục đè nặng lên tiêu chí đánh giá người thầy, khiến có những cuộc khen thưởng dễ dãi, “biến” học sinh thành những người khá, giỏi. Những báo cáo đẹp từ trường, lớp được đưa ra nhưng chất lượng giáo dục có thực sự nâng cao không lại là một câu hỏi lớn đối với ngành giáo dục.
Từ lâu, những khó khăn được xem là một phần của cuộc sống và nó cũng có giá trị riêng, nhờ đó thúc đẩy con người vượt lên trên chính mình. Nhìn vào điểm số của những thí sinh ở những tỉnh nghèo để thấy điều này. Tấm gương thương trò, vì sự nghiệp giáo dục một cách vĩ đại cũng thường xuất phát từ những người thầy vùng cao, vùng còn khó khăn, trắc trở.
Một người bạn làm giáo viên của tôi đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nghĩ về những nơi mà đời sống của thầy cô, học trò còn khó khăn để cố gắng hơn với những điều kiện tương đối mà mình đang có”.
Theo anh, giáo viên ở thành phố có đỡ hơn về điều kiện sống nhưng lương vẫn thấp so với mặt bằng chung, nhất là với giáo viên các môn xã hội. Lý do là không có nguồn thu gì khác. Anh cũng cho biết, có một đồng nghiệp ở trường đã phải làm shipper, chạy xe ôm công nghệ sau khi rời bục giảng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
“Người thầy vì thế ở mỗi nơi đều có những nỗi khổ, niềm lo riêng”, anh nói. Còn học trò thành phố tuy vật chất không thiếu nhưng đôi khi lại thiếu thốn sự quan tâm từ bố mẹ khi ai cũng bận rộn với guồng quay kiếm tiền. Sự tương tác trực tiếp giữa bố mẹ, con cái ở thành thị dường như không đủ nhiều để người trẻ cảm nhận được sự ấm áp yêu thương từ gia đình. Đó cũng là mối lo của người thầy khi nhìn thấy học trò mình lớn lên mỗi ngày, nhiều em ức chế với sự thiếu thốn tình cảm gia đình ấy đã phải tìm tới thầy cô để tham vấn.
Nhìn về tất cả những gì đang diễn ra đây đó trong ngành giáo dục, trong bức tranh chung của xã hội đến chấm nhỏ mang tên gia đình - là tế bào xã hội mới thấy, dường như người lớn trong nhiều vai trò, vị trí cũng thiếu hụt ít nhiều kỹ năng để xử lý vấn đề rắc rối của tự thân cũng như trong quan hệ công việc, con cái…
Có người lý giải, chính bất ổn bên trong của mỗi con người do thiếu sự chăm sóc đời sống tinh thần, bức bí trong gia đình, mỏi mệt trong công việc đã khiến họ dễ... nổi loạn. Và dẫn tới những hành xử thiếu chuẩn mực, thậm chí sai trái đến mức khó chấp nhận.
Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra như thêm tiếng chuông cảnh báo. Nhưng nhiều người cũng lo lắng vì không biết bao giờ mới dứt, mới giảm những tiếng chuông đau lòng như thế này.
Thực tế, hiện tượng bạo lực trong trường - xảy ra ở những đối tượng còn quá trẻ, hay thậm chí người gây ra vụ việc là thầy cô giáo không phải mới. Thường sau khi xảy ra hậu quả rồi mới giật mình, hối hận. Do vậy, ngoài dạy kiến thức cho học trò, mong con mình giỏi chữ, làm toán nhanh, nói tiếng Anh trôi chảy thì thầy cô, phụ huynh thiết nghĩ cần quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, tình cảm, uốn nắn các ứng xử của con cái, học trò mình.
Rất tâm đắc với phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 khối THPT của Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh xác định: “Học để làm người công dân tốt, có kỹ năng để thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế; Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu ‘công ơn’ và hành động để thể hiện ‘biết ơn’; Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; Học để đóng góp cho thành phố và đất nước”...
Với phương hướng này, việc dạy làm người như câu “tiên học lễ” một lần nữa được nâng lên, để thầy cô, cha mẹ cũng “nâng” mình lên trên tinh thần “thân giáo”.
Chính thầy cô, phụ huynh cũng phải làm tốt những giá trị cao đẹp ấy để qua đó giúp được con cái mình, học trò mình cũng có hạnh phúc, sống tử tế một cách thực thụ.