📞

Để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới

Gia Thành 21:12 | 20/03/2023
Chiều 20/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức Tọa đàm chuyên đề về Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức, đề xuất chính sách đối với ngành Ngoại giao Việt Nam.
Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Minh Quân)

Tham dự Tọa đàm có TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao), TS. Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), TS. Nguyễn Duy Khương, chuyên gia cao cấp về trí tuệ nhân tạo tại FPT Software, Tập đoàn FPT cùng các công chức, viên chức các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Duy Khương cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) là đột phá công nghệ mới nhất, là ngành khoa học đang định hình lại xã hội và có tác động sâu sắc đến các ngành công nghiệp.

Trong tương lai, AI dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bằng cách tích hợp các công nghệ đang làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cụ thể, trong lĩnh vực tự động hóa, phân tích dự đoán, cá nhân hóa, chăm sóc sức khỏe, hiệu quả năng lượng, xe tự lái...

TS. Nguyễn Duy Khương, chuyên gia cao cấp về trí tuệ nhân tạo tại FPT Softwware, Tập đoàn FPT tại Tọa đàm chuyên đề về Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức, đề xuất chính sách đối với ngành Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Minh Quân)

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Duy Khương, trong ngành thương mại điện tử và bán lẻ, AI đã và đang chuyển đổi theo nhiều cách. Đơn cử như các công cụ tìm kiếm có thể giúp khách hàng tìm thấy sản phẩm, có thể giúp các nhà bán lẻ tạo trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng bằng cách phân tích các hành vi, sở thích và lịch sử mua hàng trong quá khứ của họ, phân tích dữ liệu khách hàng để cung cấp các đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa, tăng khả năng mua hàng.

Song song với đó, AI có thể giúp các nhà bán lẻ quản lý mức hàng tồn kho hiệu quả hơn bằng cách phân tích xu hướng bán hàng và dự đoán nhu cầu trong tương lai, Chatbot do AI cung cấp có thể cung cấp dịch vụ khách hàng 24/7, trả lời các câu hỏi phổ biến và giải quyết các vấn đề.

Đặc biệt, AI có thể phát hiện gian lận và các thuật toán AI có thể phân tích dữ liệu để xác định các chiến lược định giá tối ưu.

Chia sẻ về chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam đến năm 2023, TS. Lý Hoàng Tùng cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Đến năm 2023, định hướng chiến lược của Việt Nam bao gồm: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI, xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, phát triển hệ sinh thái AI, thúc đẩy ứng dụng AI, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI.

TS. Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ). (Ảnh: Minh Quân)

Để thực hiện 5 định hướng nêu trên, TS. Lý Hoàng Tùng chia sẻ, chiến lược xác định 37 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Các nhiệm vụ được phân bổ theo lĩnh vực trực tiếp cho 17 bộ ngành, tập trung vào các nhiệm vụ liên quan tới: Quốc phòng an ninh, Quản lý tài nguyên, môi trường và Dịch vụ cho người dân.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao nhấn mạnh: "Chiến lược cụ thể của Việt Nam là gia tăng số lượng các doanh nghiệp triển khai, phát triển và ứng dụng AI nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu, công nghệ và kinh phí đầu tư. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng phần mềm và ứng dụng mở về AI sẵn có.

Song song với đó, cần phát triển một số sản phẩm AI đặc thù của Việt Nam, từng bước hình thành công nghiệp AI tại Việt Nam. Thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương sử dụng các ứng dụng, dịch vụ AI nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý đô thị.

Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân về dữ liệu và ứng dụng AI".

TS. Vũ Lê Thái Hoàng (giữa) chủ trì, trao đổi ý kiến với các diễn giả và cán bộ tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Minh Quân)

Về hợp tác quốc tế, TS. Lý Hoàng Tùng cho rằng, Việt Nam cần tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương về AI. Thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu AI; các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về AI; các trung tâm, chương trình đào tạo nhân lực AI chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và toàn cầu.

Thêm vào đó, thường xuyên trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp AI nước ngoài. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về AI. Mời các chuyên gia AI nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến Việt Nam tham gia tư vấn, nghiên cứu, đào tạo về AI.

Ngoài ra, cần hoàn thiện thể chế, các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI ở Việt Nam.

Tại Tọa đàm, TS. Vũ Lê Thái Hoàng đã điều hành phiên thảo luận mở. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi về tác động của AI đến Việt Nam, tác động đến công tác của Bộ Ngoại giao và nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao thời gian tới.