📞

Đề xuất quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài

12:45 | 28/02/2018
Sáng nay (28/2), tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học về nghiên cứu “Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài: Phân tích so sánh kinh nghiệm quốc tế và vận dụng cho Việt Nam”. 

Sự kiện do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, có sự tham gia của đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra nhà nước, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Việt kiểm sát nhân dân tối cao, các trường đại học và các đối tác phát triển.

Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN bằng việc bổ sung vào Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với hành vi này tại Điều 364 về tội đưa hối lộ. Đây là một bước tiến của Việt Nam nhằm nội luật hóa yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) liên quan tới hối lộ CCNN tại điều 16.1 và 16.2 sau kết quả rà soát thực hiện UNCAC của Việt Nam năm 2011 và 2012. 

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: M.P)

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, đã đánh giá cao cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 16 – Xây dựng thể chế mạnh mẽ, thúc đẩy hòa bình và công lý của Việt Nam. 

Bà cho biết: “Để có thể quản trị công hiệu quả cần đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng vì sự phát triển bền vững của tất cả các xã hội và các dân tộc. UNDP hỗ trợ nghiên cứu này nhằm chia sẻ những cách làm hay, những bài học trong việc hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN, để Việt Nam có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các cơ quan phòng chống tham nhũng có công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh”.

Tại buổi tọa đàm, TS Đào Lệ Thu (Đại học Luật Hà Nội), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về CCNN, chưa xác định đúng và rõ về khách thể bị xâm phạm trong trường hợp phạm tội đưa hối lộ cho CCNN. Pháp luật về tương trợ tư pháp chưa điều chỉnh các nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án với tội phạm hối lộ CCNN.

Bên cạnh đó, tuy đã ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, song Điều 76, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm lại không bao gồm tội đưa hối lộ, nói cách khác là pháp nhân thương mại Việt Nam đưa hối lộ cho CCNN hiện không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là điểm khác biệt căn bản trong pháp luật Việt Nam so với pháp luật của nhóm 5 nước đối sánh, gồm: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Nguồn: UNDP)

Kinh nghiệm của các quốc gia nói trên cho thấy, đối với hành vi hối lộ CCNN thì xử lý hình sự không phải là giải pháp duy nhất và đầu tiên. Có cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện hành vi này mới là giải pháp hàng đầu và căn bản.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của Việt Nam về hối lộ CCNN, nhóm nghiên cứu khuyến nghị hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống hối lộ CCNN trong lần sửa đổi, bổ sung tiếp theo của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc khả năng quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân đối với loại tội phạm này là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò quan trọng của việc tăng cường nhận thức về tội phạm đưa hối lộ CCNN cho cán bộ thực thi pháp luật.