Gia đình tôi sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã rời Hà Nội, đi dần vào Ninh Bình rồi tới Thanh Hóa. Riêng bố tôi ở lại quê phụ trách một trung đội du kích của xã, rào làng kháng chiến, đánh giặc Pháp. Ông còn là Bí thư chi bộ Đảng của địa phương, lãnh đạo nhân dân chống càn, gây trở ngại cho giặc Pháp trong việc lập tề trong vùng kiểm soát của chúng, mặc dù quê tôi chỉ cách trung tâm Hà Nội theo đường chim bay có hơn chục cây số.
Tới cuối năm 1949, do điều kiện hoạt động ăn ở thiếu thốn, đói khát, bệnh tật, thường xuyên sống dưới hầm bí mật nên cha tôi luôn ốm đau, sức khoẻ rất kém… Cấp trên quyết định cho cha tôi ra hậu phương Thanh Hóa chữa bệnh và tham gia công tác phục vụ hậu cần.
Tác giả thời trẻ tại hội trường họp Ban liên hợp quân sự hai bên Trung ương, tháng 12/1973. (Ảnh: NVCC) |
Những diễn viên quần chúng
Những ngày gia đình tôi ở Thanh Hóa, mọi người đều có việc phải làm. Mẹ tôi làm bông vải đem ra chợ bán. Cha tôi làm giày dép da. Tôi phụ giúp những việc vặt cho cha mẹ và đi học. Hai đứa em gái còn nhỏ nên không phải làm gì. Gia đình tôi tham gia mọi hoạt động của “Tập đoàn tản cư” như ủng hộ kháng chiến bằng việc đóng thuế, vận động mọi người đi dân công phục vụ hỏa tuyến, chăm sóc thương bệnh binh… Tập đoàn này là một tổ chức tự phát gồm những gia đình không chịu sống trong vùng địch tạm chiếm, đến đây quần tụ với nhau cùng kiếm kế sinh nhai, cùng hưởng ứng tích cực những công việc phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến và cùng tin tưởng vào ngày thắng lợi của cách mạng…
Cha tôi vừa dẫn một đoàn dân công đi phục vụ hỏa tuyến về đến nhà thì bác Ngô Văn Nhĩ sang gặp ngay. Ông đưa một kịch bản mới viết xong và bàn cách dựng vở với cha tôi. Hai người thống nhất phân vai, khẩn trương tập hợp diễn viên để sớm có tiết mục phục vụ kịp thời cho bộ đội sau một đợt chỉnh huấn. “Tập đoàn tản cư” hầu hết là dân thành thị, nhiều người đã từng tham gia các ban kịch ở Hà Nội từ trước cách mạng tháng Tám thành công. Cha tôi đã đảm nhiệm nhiều vai diễn và tôi có ấn tượng nhất với vai Trương Lương trong một vở kịch thơ ông thủ vai. Vì vậy, dàn diễn viên được phân vai cũng rất phù hợp với các nhân vật của vở kịch nói “Đường cùng” này. Bác Ngô Văn Nhĩ vừa là tác giả, kiêm đạo diễn. Nội dung vở kịch nói về sự cấu kết giữa bọn thực dân Pháp cướp nước với địa chủ phong kiến, chúng ra tay đàn áp, bóc lột giai cấp nông dân Việt Nam. Chúng cướp hết ruộng đất, nhà cửa, thóc gạo… gia đình người nông dân cùng quẫn phải rời bỏ quê hương, người cha quá phẫn uất đã tự tử bằng cách uống nước vôi để chết, vợ con lê lết trên đường… Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám đã đem lại tự do, độc lập, cuộc sống mới cho mọi người!
Vở kịch có nhiều nhân vật, nhưng có một nhân vật thiếu niên. Hồi ấy tôi mới hơn mười tuổi, Bác Nhĩ giao vai này cho tôi. Vì là vai phụ, ít lời thoại, chỉ xuất hiện trong vai cảnh ngắn nên tôi nhập vai nhanh và thuộc ngay lời kịch tuyến diễn của mình. Bố tôi đóng vai địa chủ. Bác Hùng Sơn đảm nhiệm vai người cố nông là bố của nhân vật thiếu niên mà tôi được phân vai… Còn khoảng một chục nhân vật khác nữa… Vừa tập trên sàn diễn, vừa đọc lời thoại nên rất nhanh thuộc và thuần thục động tác, ai nấy đều chăm chỉ làm việc để nhanh chóng phục vụ bộ đội và nhân dân trong vùng.
Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: TTXVN) |
Tình huống bất ngờ
Một tối cuối Xuân, gió bấc lùa về đem theo gió lạnh như roi quất vào da thịt. Những nhân vật của vở kịch là nông dân nghèo khổ, quần áo mỏng manh, rách nát thì càng thấm thía lạnh giá của buổi tối nay. Tôi được đạo diễn quy định phải mặc quần đùi cũ, áo cánh cộc tay rách bươm nên hưởng trọn vẹn cái rét khủng khiếp. Bác Hùng Sơn và nhân vật vợ của người nông dân áo quần cũng không khá hơn tôi nhưng vì họ là người lớn, sức chịu đựng dẻo dai nên tôi thấy họ không run cầm cập như tôi. Vì quá rét nên hai hàm răng tôi đập vào nhau kêu thành tiếng… Cha tôi đóng vai địa chủ nên quần áo lành lặn, ấm áp và rất đẹp. Những nhân vật khác, tùy theo số phận của từng người mà diễn viên mặc trang phục cho phù hợp với vai diễn của mình được phân công. Tuy vậy, họ không phải khoác lên mình những bộ quần áo tơi tả như gia đình người nông dân khốn khổ trong vở kịch.
Ánh sáng trên sân khấu do bốn chiếc đèn măng xông soi rõ mọi hoạt động của các nhân vật, những thể hiện nội tâm của diễn viên cũng được khán giả ngồi cách hai mươi mét trông thấy. Vở diễn đến lúc cao trào, gia đình người nông dân bị địa chủ cướp hết ruộng vườn, nhà cửa, người cha đang quằn quại trên sàn nhà sau khi uống cạn bát nước vôi… Bỗng phía dưới khán giả vọt lên trời mấy vệt lửa đỏ và tiếng súng liên thanh nổ ròn, có tiếng hét lớn: “Tắt đèn đi. Tắt đèn đi!”.
Những người lo việc hậu đài vội vã tắt phụt các đèn trên sân khấu như một bản năng. Họ có kinh nghiệm trong chuyện này. Không thể coi thường bom đạn nếu là máy bay của địch thường xuyên đi đánh phá vào hậu phương của ta lúc ban đêm. Cả vùng tối đen, phía dưới khán giả có tiếng ồn ào. Mọi người lắng tai nghe nhưng không có tiếng máy bay. Hơn nữa các tổ gác máy bay từ xa cũng không gõ kẻng báo động…?
Một anh bộ đội có lẽ là chỉ huy đơn vị lên sân khấu hô lớn: “Yêu cầu mọi người không ồn ào, giữ trật tự. Đồng bào ở phía trên này từ từ sơ tán lên đê, không náo loạn. Các đơn vị bộ đội ngồi yên tại chỗ, chờ đồng bào rời khỏi bãi, ta sẽ lần lượt trở về khu vực đóng quân. Chú ý phải hết sức bình tĩnh, trật tự”.
Hàng nghìn con người đã chấp hành theo lệnh của người chỉ huy, họ lần lượt lên bờ đê, tản vào các con đường trong xóm ngõ. Không biết chuyện gì xảy ra? Tôi đứng nép vào cánh gà sân khấu để tránh những đợt gió lạnh từ ngoài sông Chu đang ùa về, tấm áo mỏng rách nát và chiếc quần cộc không đủ sức che chắn cho toàn thân tôi đang run lên cầm cập… Đạo diễn là người chỉ huy cao nhất buổi diễn quyết định cho mọi người về. Không kịp tẩy trang, các diễn viên nhanh chóng hòa vào đám đông, tản đi theo bờ đê để về nhà.
Tôi chạy một mạch tới nhà mình, vội thay ngay “bộ quần áo của nhân vật” mặc liền ba, bốn chiếc áo và một quần dài, vậy mà vẫn không hết rét run. Có lẽ cái lạnh ngấm vào xương thịt nên người mới lâu ấm đến thế (?).
Hôm sau, bố tôi đi họp về, nói lại: “Tối qua, có một anh bộ đội ngồi xem kịch, vì quá căm phẫn với cảnh cùng quẫn của gia đình người nông dân nghèo bị địa chủ bóc lột, cướp hết nhà cửa, ruộng vườn nên anh ấy không kìm nén được, sẵn có súng bên người đã lên đạn để bắn tên địa chủ gian ác trên sân khấu. May mắn có các đồng chí ngồi bên kịp nâng nòng súng hướng lên trời, ôm chặt lấy người anh ta và gỡ tay lấy được khẩu súng. Anh bộ đội đó đã ngất lịm trên tay các đồng đội của mình!”. Thật hú vía!
Tác giả (thứ tư từ phải) trong một cuộc họp của Ban liên hợp quân sự Trại Davis. (Ảnh: NVCC) |
Dấu ấn không phai mờ
Sau đó mấy ngày, vở kịch lại được trình diễn phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương. Nhiều bà con từ các xã lân cận của huyện Thọ Xuân nghe tin có diễn kịch cũng kéo đến xem. Có cả những người từ huyện Vĩnh Lộc, Nông Cống sang. Đây là món ăn tinh thần hiếm hoi của thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên không ai muốn bỏ lỡ. Ngoài ra còn có những buổi chiếu phim Liên Xô như chuyện về người anh hùng Ma-tơ-rô-xốp lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng phi công dù bị thương cụt chân vẫn lái máy bay tiêu diệt quân phát xít Đức. Có buổi chiếu phim Trung Quốc như trận chiến trên đỉnh Thượng Cam Lĩnh, nhất là phim Bạch Mao Nữ (Cô gái tóc trắng - Hỷ Nhi) nhiều người xem quá căm phẫn tên địa chủ cường hào ác bá đã ném gạch đá lên màn ảnh…
Rút kinh nghiệm buổi tối diễn kịch hôm trước của chúng tôi, các thủ trưởng đơn vị bộ đội và chính quyền địa phương có những biện pháp quản lý chặt súng đạn, quy định vị trí ngồi của khán giả, có lực lượng báo động máy bay từ xa, có lực lượng giữ gìn trật tự, an toàn tại địa điểm biểu diễn nên không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào trong các tối phục vụ sau này.
Năm tháng đã qua đi, nhớ lại đêm diễn kịch hôm đó mà thấy rùng mình! Giờ đây, dù đã thuộc lớp người “cổ lai hy” nhưng kỷ niệm buổi tối phục vụ bộ đội trước lúc lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ và quần chúng là dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời tôi. Ngày ấy, dù chưa đủ sức cầm súng xông ra chiến trường giết giặc, với đóng góp nhỏ bé của mình, phục vụ các anh bộ đội để họ có thêm sức mạnh làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” đã là một vinh dự lớn với tôi.
--------------------------------
(*) Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự trại Davis