TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí . (Ảnh: Lưu Hiệp) |
Chiều 10/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức gặp gỡ báo chí công bố giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020.
Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) là đơn vị thường trực.
TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi cho biết, cuộc thi được tổ chức từ năm 2004 và đến nay, Quỹ VIFOTEC đã tổ chức thành công 15 lần với sự tham gia của hàng chục nghìn học sinh trong cả nước với hàng nghìn đề tài dự thi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế...
Đề tài: "Di sản văn hóa người Dao Lào Cai" của nhóm tác giả: Tẩn A Sì, Tẩn Sì Mẩy, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) đã nhận được giải Đặc biệt.
TS Phạm Văn Tân cho hay, các đề tài đoạt giải Đặc biệt và Nhất sẽ được tham dự Triển lãm quốc tế dành cho các sáng tạo trẻ IEYI dự kiến tại Thái Lan trong năm tới.
Đại diện Ban Giám khảo cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng nhất của việc chấm giải là tính kỹ thuật và tính sáng tạo. Giải đặc biệt năm nay được đánh giá cao, thuyết phục được cả Hội đồng Giám khảo do tính mới. Các em đã đi sâu vào các nét văn hóa của người dân tộc Việt Nam như các phong tục cưới hỏi, thờ cúng, sinh nở…
Bà Vũ Chung Thoa (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Quỹ VIFOTEC, Ủy viên thường trực Ban Tổ chức cuộc thi) cho biết, từ nhiều năm trước đã có những sản phẩm được đưa vào ứng dụng trong thực tế hiệu quả. Cụ thể, những sản phẩm như gậy thông minh dành cho người mù, cặp phao cứu sinh là phao học sinh đeo vào người sẽ vượt qua được sông hoặc qua nước lũ.
Đặc biệt, năm nay có sản phẩm giải Nhì mang tên “Sản phẩm của nhà nông làm từ phế thải nông nghiệp” của nhóm học sinh ở Gia Lai đã được đưa vào ứng dụng thực tế, có các phiếu kiểm nghiệm đánh giá nghiêm túc, có công ty đã mua để làm sản phẩm nông nghiệp.
Theo Ban Tổ chức cuộc thi, năm 2020 đã nhận được 754 đề tài của 57 tỉnh, thành phố tham dự Cuộc thi. Ban Tổ chức đã quyết định trao giải cho 106 đề tài gồm: 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng; 5 giải nhất, 15 triệu đồng/giải; 10 giải nhì, 10 triệu đồng/giải; 30 giải ba, 8 triệu đồng/giải và 60 giải khuyến khích, 5 triệu đồng/giải thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tổng giá trị tiền thưởng là 735 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã xét tặng Bằng khen và tiền thưởng cho 15 đơn vị và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, tổ chức Cuộc thi lần thứ 16 năm 2020 tại các tỉnh, thành phố.
Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra tại Nhà hát Âu Cơ Hà Nội ngày 12/12.
5 giải Nhất được trao cho các đề tài: - Dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que của nhóm tác giả Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai, học sinh trường THCS Võ Thị Sáu, Trảng Bom, Đồng Nai. - Rạp chiếu phim lịch sử và sân khấu múa rối của nhóm tác giả Nguyễn Hà Anh, học sinh trường Tiểu học Thịnh Quang, Đồng Đa, Hà Nội; Nguyễn Chí Bách, học sinh trường THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội; Phạm Nguyên Anh, Nguyễn Khánh Huyền, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội; và Nguyễn Vũ Huy, học sinh trường THCS Thịnh Quang Quang, Đống Đa, Hà Nội. - Guồng nước đa năng của nhóm tác giả Bùi Thái Trung, Đặng Văn Phát, học sinh trường THCS Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An. - Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ/ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc của nhóm tác giả Lê Thị Thanh Huyền, Nguyễn Quỳnh Hương Ly, học sinh trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội; Lê Minh Hiếu, học sinh trường Tiểu học và THCS Pascal, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Trịnh Hà Phương, học sinh trường THCS Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội và Nguyễn Hương Minh Trang, học sinh trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. - Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật điều khiển bằng đầu hoặc cổ tay của nhóm tác giả Phan Thị Kim Ngân và Nguyễn Minh Bảo Ngân, trường THPT Lương Thế Vinh, TP. HCM. |