Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở Bình Phước. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều 31/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã ký ban hành công văn hỏa tốc về việc kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 7 ngày, kể từ 0 giờ ngày 2/8.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, tỉnh tiếp tục tạm dừng các hoạt động xây dựng. Lực lượng công an, Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện triệt để các quy định về cách ly xã hội, nhất là việc cách ly giữa người với người, giữa gia đình với gia đình; thôn, ấp, khu phối với thôn, ấp, khu phố… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước lưu ý nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm cách ly với bất cứ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan.
Bình Phước là một trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 14 ngày, từ ngày 19/7.
Đến thời điểm hiện nay, tình hình lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn phức tạp. Đã có 10/11 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước ghi nhận 220 ca mắc Covid-19.
Ngày 31/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã ký quyết định số 1237/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh.
Thời gian áp dụng kéo dài là 7 ngày, kể từ 00 giờ ngày 2/8/2021. Mục đích nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng giao cho các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố khẩn trương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành.
Trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội, các nội dung yêu cầu, quy định về các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ban hành vẫn tiếp tục được áp dụng thực hiện cho đến hết thời gian nêu trên.
Trước đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 00 giờ ngày 19/7/2021.
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận 76 ca dương tính với SARS-CoV-2. Số người đang cách ly tập trung là 1.724 người và 3.282 trường hợp đang cách ly tại nhà.
Ngày 31/7, tại buổi họp báo về phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ 6 giờ ngày 1/8/2021.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương đề nghị người dân và các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 15 người trong phòng; không tụ tập từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người; hạn chế tối đa ra đường sau 21 giờ hàng ngày, nếu không có lý do chính đáng.
Tỉnh dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 15 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Tỉnh vận động người dân không tổ chức đám cưới, trường hợp phải tổ chức thì không quá 20 người, đám tang không quá 40 người và phải được các cơ quan y tế giám sát nghiêm ngặt.
Đối với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì người dân chỉ được tổ chức đám tang trong phạm vi gia đình, không quá 30 người, không tổ chức các đoàn viếng; đám cưới không quá 20 người.
Chỉ thị do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ban hành về giãn cách xã hội cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép bán mang đi, không được bán tại chỗ và phải đóng cửa sau 21 giờ hàng ngày. Hạn chế việc di chuyển của người dân từ Bình Định đến các tỉnh, thành phố có dịch và ngược lại, trừ việc đưa người dân về theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định...
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định vẫn cho phép duy trì các hoạt động như: đi công tác, công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Trường hợp người dân di chuyển vào địa bàn tỉnh vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế, tuân thủ biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định; tạo điều kiện duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc tại các khu/cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất với phương án sản xuất “3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến.” Sẵn sàng các phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh chỉ đạo tiếp tục tạm dừng hoặc tổ chức lại các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy, như xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, tàu thuyền, xe vận tải hành khách công cộng, xe môtô…
Lần này, tỉnh Bình Định có nhiều điểm được tỉnh áp dụng giải pháp “Chỉ thị 15+,” tức là sẽ chặt chẽ và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Chỉ thị 15.
Đến trưa 31/7, tỉnh Bình Định có 176 ca mắc Covid-19, trong đó có 104 ca từ nguồn lây bên ngoài về tỉnh, đặc biệt là ở các vùng dịch phía Nam và đang diễn biến rất phức tạp với 3 nguồn nguy cơ lây nhiễm (từ các vùng dịch phía Nam, đặc biệt tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và từ các thủy thủ tàu hàng từ nước ngoài nhập cảnh.