📞

Dịch Covid-19 tại Việt Nam sáng 22/5: Số người cách ly lên gần 15.000, nguy cơ ca bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng

Chu Văn 06:17 | 22/05/2020
TGVN. Sáng 22/5, đã 36 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng, tuy nhiên số người cách ly chống dịch tăng mạnh.

Bản tin lúc 6h ngày 22/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay đã 36 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Hiện có gần 15.000 người cách ly chống dịch, tăng gần 2.000 người so với ngày 21/5.

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 22/5: Đã 36 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch Covid-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 22/5: Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến sáng nay cũng bước vào ngày thứ 4, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trờ về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5.

Tính từ 18h ngày 21/5 đến 6h ngày 22/5: 0 ca mắc mới được ghi nhận

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.744, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 266

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.726

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.752

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:

Đến thời điểm này có 266 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh Covid-19 ở nước ta. 58 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 25 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...

Tính đến sáng ngày 22/5, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 4 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chiều 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, mặc dù những ngày qua, rất nhiều tổ chức quốc tế chúc mừng Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế đã bàn thảo, phân tích diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, đánh giá lại các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các chuyên gia y tế cho rằng, điều đáng mừng là sau hơn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Chúng ta đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan.

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu. Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở, bởi đê bao thường không vỡ ở những cửa khẩu to, mà lại ở những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”.

Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Lãnh đạo ngành công an nhận trách nhiệm về việc này vì là cơ quan có ý kiến quyết định đối với xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội.

Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày.

Đáng chú ý, các chuyên gia đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.

(theo Bộ Y tế)