Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích việc các nước giàu tìm cách mua lượng lớn các loại vaccine ngừa Covid-19, khiến số hàng tới tay nước nghèo còn rất ít.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm ở Colombo, Sri Lanka. (Nguồn: Reuters) |
Theo ông Ghebreyesus, đại dịch Covid-19 đã phơi bày và khoét sâu tình trạng bất bình đẳng trên thế giới, đồng thời cảnh báo vaccine, công cụ giúp vốn giúp chấm dứt đại dịch, có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng này.
Ông nhấn mạnh "chủ nghĩa dân tộc vaccine" có thể đáp ứng các mục tiêu chính trị trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ dẫn đến tầm nhìn ngắn hạn và cuối cùng là thất bại.
WHO tái khẳng định rằng cách thức duy nhất để đánh bại đại dịch và phục hồi kinh tế toàn cầu là đảm bảo các nhóm ưu tiên tại mỗi nước được tiêm phòng.
Tổng giám đốc WHO hối thúc thế giới tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ, như với cuộc khủng hoảng đại dịch HIV/AIDS, khi các nước giàu nhận được thuốc gần một thập kỷ trước khi các sản phẩm này có thể mua được tại những nước nghèo hơn.
Theo ông Ghebreyesus, việc các nước tích trữ và không chia sẻ vaccine sẽ là thảm họa về đạo đức, khiến đại dịch Covid-19 kéo dài và làm chậm lại quá trình phục hồi.
WHO hiện đang dẫn đầu Cơ chế COVAX, được thiết lập với mục tiêu đặt mua vaccine và đảm bảo số hàng này được phân phối công bằng ra khắp thế giới.
Theo kế hoạch, chương trình này sẽ bắt đầu phân phối vaccine trong vài tuần tới. Mục tiêu là tiêm phòng cho các nhân viên y tế và người lớn tuổi tại tất cả các nước trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021.
Tuần trước, WHO xác nhận đã đạt được thỏa thuận với Pfizer/BioNTech để mua 40 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và có thể bắt đầu phân phối đến nước nghèo và thu nhập dưới trung bình vào tháng tới trong khuôn khổ Cơ chế COVAX.
WHO đã đưa ra cảnh báo trên sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố biện pháp nhằm tiến tới giám sát, và trong một số trường hợp, có thể cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực với các nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vaccine đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC.
Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối, đồng thời cung cấp kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng.
Giám đốc phụ trách vấn đề tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm y tế của WHO Mariangela Simao cho rằng, giải pháp EU đưa ra nằm trong xu hướng rất đang quan ngại, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho hoạt động cung ứng vaccine toàn cầu.
Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha kêu gọi thế giới đảm bảo phân phối công bằng và bình đẳng nguồn cung vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh.
Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Kang được đưa ra tại phiên họp trực tuyến vừa diễn ra của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Cụ thể, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc kêu gọi thế giới thực hiện một cách tiếp cận đa phương để sử dụng hợp lý vaccine và phương pháp điều trị Covid-19.
Bà Kang cũng ca ngợi Cơ chế COVAX và cho rằng đây là nguồn cung cấp vaccine công bằng và bình đẳng.
Chính phủ Hàn Quốc hôm 28/1 đã công bố “Kế hoạch tiêm phòng phòng vaccine Covid-19”, với nội dung chính là ưu tiên tiêm phòng cho đội ngũ y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, người dân không được lựa chọn chủng loại vaccine để tiêm.
Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm từ quý I và kết thúc tiêm phòng toàn dân đợt một đến tháng 9, đặt mục tiêu hình thành miễn dịch cộng đồng cho tới tháng 11 năm nay.