Theo WHO, dịch sởi hiện đang xảy ra ở Madagascar, Sudan, Thái Lan, Philippines, Ukraine, Myanmar, Ethiopia,... Thậm chí, tại các nơi có dịch vụ y tế cao như Mỹ, Châu Âu, Tunisia và Israel, số ca mắc bệnh sởi gia tăng đột biến. Trong quý đầu tiên của năm 2019 đã ghi nhận 112.163 trường hợp nhiễm sởi trên toàn thế giới, tăng gần gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo của UNICEF, trong giai đoạn 2010-2017, gần 169 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều vaccine sởi đầu tiên. Hậu quả là, trong năm 2017, khoảng 110.000 người (phần lớn là trẻ em) đã chết vì bệnh sởi, tăng 22% so với năm 2016.
Một em bé đang được tiêm vaccine sởi. (Nguồn: AP) |
Là một trong số các quốc gia có thu nhập cao, Hoa Kỳ cũng đang chiến đấu với dịch sởi lớn nhất trong gần 20 năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2010-2017, nước này nằm trong top đầu danh sách các quốc gia có số trẻ không tiêm vaccine sởi liều đầu tiên của UNICEF với hơn 2,5 triệu trường hợp. Tiếp đến là Pháp (hơn 600.000 trẻ) và Anh (hơn 500.000 trẻ) chưa được tiêm chủng.
Tình hình dịch sởi cũng rất nghiêm trọng ở các nước kém phát triển hơn. Theo báo cáo của UNICEF, năm 2017, Nigeria có gần 4 triệu trẻ em dưới một tuổi chưa tiêm vaccine liều đầu tiên, sau đó là Ấn Độ, với 2,9 triệu trường hợp, Pakistan và Indonesia cùng con số 1,2 triệu trường hợp, Ethiopia 1,1 triệu trường hợp.
Tại Việt Nam, dịch sởi bắt đầu bùng phát từ tháng 10/2018, tính đến đầu tháng 3/2019 đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 ca mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, và tính đến hiện nay số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
UNICEF cho biết, do nhận thức kém, dịch vụ y tế không đảm bảo cũng như lo ngại về chất lượng vaccine hay phong trào “chống vaccine”, gần 10 năm qua (2010 - 2019), tỷ lệ trẻ tiêm vaccine liều đầu tiên được báo là 85%, liều thứ hai chỉ ở mức 67%.
Phong trào "anti-vaccine" khiến dịch sởi quay lại tấn công tại nhiều quốc gia. (Nguồn: Zerohedge) |
Henrietta Fore, giám đốc điều hành của quỹ trẻ em Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết: "những đứa trẻ chưa được tiêm phòng rất dễ lây nhiễm virus sởi. Việc không tiêm phòng đầy đủ là nguyên nhân chủ yếu cho sự bùng phát dịch sởi toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay, cũng là điều đã được cảnh báo từ nhiều năm trước."
Bà cũng chia sẻ rằng virus sởi có khả năng lây nhiểm trên diện rộng, các quốc gia nên hành động tích cực hơn để phòng ngừa và loại bỏ nó khỏi cộng đồng. "Nếu chúng ta muốn ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa này, nên nghiêm túc thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi, không phân biệt giàu nghèo hay các quốc gia”, Fore nói.
Virus sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi mà tiếp xúc với nguồn lây. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm màng não, tiêu chảy, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa... WHO khuyến cáo mỗi trẻ nên tiêm đủ 2 liều vaccine sởi để có thế giảm xác suất bị nhiễm sởi lên đến 95%, đây cũng là việc cần thiết cho "miễn dịch cộng đồng" chống lại bệnh sởi. |