Nông dân châu Âu lái máy kéo biểu tình phản đối chi phí sản xuất tăng, EU siết chính sách quản lý môi trường. (Nguồn: AFP) |
Với việc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đưa ra cảnh báo rằng, nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng lên mức kỷ lục trong năm năm tới, nhiệm vụ hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo Thỏa thuận Paris - giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2°C (và lý tưởng là thấp tới 1,5°C) so với mức tiền công nghiệp - đang trở nên khó khăn hơn mỗi ngày.
Mục tiêu quá tham vọng?
Trong giai đoạn 2020-2021, hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều công bố những kế hoạch tham vọng liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh. Các tuyên bố được nêu khá rõ ràng, đều khẳng định sẽ đạt được lượng khí thải carbon dioxide (CO2) bằng 0, trong khoảng thời gian tương đối ngắn từ 15 đến 30 năm và loại bỏ gần như hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu, than và khí tự nhiên.
Tuy nhiên, việc triển khai quy mô lớn các công nghệ sạch cần thiết để khử CO2 hoàn toàn cho nguồn cung cấp điện, điện khí hóa hầu hết năng lượng sử dụng cuối cùng và tăng quy mô sử dụng hydro có hàm lượng cacbon thấp lại đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu thô quan trọng. Trong khi, hiện tại có rất ít sản phẩm thay thế cho những nguyên liệu đầu vào này và không phải nền kinh tế nào cũng dễ dàng tiếp cận với những nguồn đó.
Vấn đề nêu trên chỉ là một thách thức lớn vào những thời điểm thuận lợi nhất. Trên thực tế còn đầy rẫy những rào cản khó vượt qua khác, trong đó, căng thẳng địa chính trị đang gia tăng khắp thế giới hiện nay chỉ là một yếu tố.
Theo nghiên cứu của Dự án Phục hồi kinh tế của trường Đại học Oxford và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thực tế sau 3-4 năm triển khai, các mục tiêu chuyển đổi xanh không có nhiều sự tiến bộ rõ rệt. Nhu cầu về năng lượng hydro carbon tiếp tục tăng và phá kỷ lục, trong khi việc đầu tư vào năng lượng xanh không tạo ra lợi nhuận khả quan, ngay cả đối với những dự án có tài chính mạnh nhất.
Không thể phủ nhận rằng, kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, các chính phủ trên toàn cầu đều ý thức rõ ràng về xu thế chuyển đổi xanh, đầu tư lớn và trực tiếp tham gia vào nhiều hình thức chuyển đổi xanh, phục hồi xanh khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực này chưa đủ.
Một nghiên cứu về chi tiêu của 50 nền kinh tế lớn, được thực hiện bởi UNEP, cho thấy, chỉ 368 tỷ USD (18%) trong số 14.600 tỷ USD chi tiêu đã công bố có thể được coi là “xanh”.
Hay một nghiên cứu riêng của UNDP cho thấy, cứ mỗi đồng USD cam kết giải quyết khủng hoảng khí hậu vì lợi ích của người nghèo trên thế giới, thì có tới 4 USD được chi cho trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó, dường như mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu hiện đang nằm ngoài tầm với. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber từng cảnh báo thế giới chưa tìm ra đúng lộ trình để thực hiện mục tiêu trong Thỏa thuận Paris.
Ông Jaber cho rằng, để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5˚C vào cuối thế kỷ, lượng khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu năng lượng thực tế trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, Chủ tịch COP 28 cho rằng, năng lượng tái tạo cần tăng gấp ba lần mức hiện nay, trong khi sản lượng hydro tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp - vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ.
Những kế hoạch “đổ bể”
Năm 2021, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố lộ trình chi tiết về kế hoạch loại bỏ dần hydro carbon trên toàn cầu vào năm 2050. Khoảng hơn 140 quốc gia trên thế giới đã lập kế hoạch chống phát thải theo hướng dẫn của IEA. Trên thực tế, ba năm trôi qua, những kết quả đầu tiên của nỗ lực giảm phát thải khó có thể làm hài lòng những người ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh.
Các chỉ số nhu cầu dầu vẫn tăng đều trong các năm 2021, 2022 và 2023, tăng trung bình khoảng 1,4 triệu thùng/ngày. Năm 2024, mức tăng dự kiến thấp hơn một chút - 1,24 triệu thùng/ngày. Theo đó, IEA dự báo, tổng nhu cầu dầu sẽ đạt 103,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn 500.000 thùng so với dự báo về mức đỉnh nhu cầu sẽ rơi vào khoảng năm 2028-2030.
Tệ hơn nữa, nhu cầu về than vẫn tăng đều mà đáng ra phải đạt đỉnh từ vài năm trước. Than là loại nhiên liệu bẩn nhất xét về lượng khí thải carbon. Tầm quan trọng của than trên thế giới thấp hơn so với dầu khí và thế giới kỳ vọng có thể loại bỏ tương đối nhanh chóng, nhưng thực tế không như vậy. Vào năm 2022, mức tiêu thụ than toàn cầu tăng 3,3%; năm 2023 tăng 1,4% và 2024 theo dự báo, vẫn là một kỷ lục.
IEA đang rất thận trọng khi đưa ra dự đoán mức đỉnh của nhu cầu than toàn cầu sẽ dừng vào năm 2026. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra không tin tưởng vào thời hạn cuối cùng đó. Các bằng chứng cho thấy, tăng trưởng nhanh chóng của những nền kinh tế đang phát triển hàng đầu, như Ấn Độ hay Trung Quốc chưa đủ thuyết phục về mục tiêu giảm khí thải. Trung Quốc vẫn đang là nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới và tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Trong khi đó, nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng nhanh đến mức, ngay cả Đức - quốc gia được coi là hình mẫu về chính sách năng lượng xanh thành công, cũng buộc phải xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Khi mục tiêu giảm dần nhiên liệu hóa thạch “đổ bể”, các dự án năng lượng xanh không có nhiều tin vui. Một số dự án trang trại điện gió lớn, công suất lên đến 3,5 Gigawatt - bằng khoảng 11% tổng công suất trang trại điện gió hiện có ở châu Âu và Bắc Mỹ đã bị hủy bỏ vào năm ngoái, với lý do chi phí tăng quá cao.
Theo dự báo của hãng nghiên cứu Wood Mackenzie, để đáp ứng các tiêu chuẩn chuyển đổi xanh, công suất điện gió lắp mới phải ở mức 60 Gigawatt/năm vào năm 2029 và 77 Gigawatt vào năm 2030. Những chỉ số này yêu cầu quy mô xây dựng tăng mạnh, điều hiện chưa được nhìn thấy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Trong khi đó, thực tế của ngành công nghiệp xanh này hoạt động không tốt. Bất chấp sự bùng nổ năng lượng xanh và các kiểu trợ cấp, nhà sản xuất hàng đầu có năng lực rộng trong lĩnh vực này không thể kiếm lãi từ hoạt động kinh doanh năng lượng xanh. Doanh thu về điện gió của Siemens đã lỗ ròng trong nhiều năm liên tiếp và khoản lỗ đang ngày càng tăng. Vào năm 2023, ghi nhận lỗ lên tới 4,34 tỷ Euro - tăng 48% so với một năm trước.
Hiện EU đang xem xét nhiều lựa chọn khác nhau để có thêm sự hỗ trợ của nhà nước cho ngành điện gió, nhưng liệu vài chục tỷ Euro có thay đổi được căn bản tình hình hay không? Không ai có thể trả lời.
Những ngày này, nông dân khắp châu Âu không thể thỏa hiệp với một gánh nặng tài chính ngày càng tăng do phát sinh chi phí sản xuất, giá nhiên liệu và siết chặt chính sách quản lý môi trường.
Vụ việc dường như cho thấy, khát vọng môi trường của công chúng có phần nào đang chuyển hướng tiêu cực. Trong khi sự phân mảnh thế giới thành các nhóm không thân thiện với nhau khiến triển vọng thực hiện “dự án toàn cầu về chuyển đổi năng lượng xanh” ngày càng thách thức.
Tuy nhiên, việc từng bước “xanh hoá” từ nguyên nhiên liệu, đến sản xuất đã trở thành xu thế tất yếu, khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững. Đó là những “dấu mốc” lớn mà thế giới đã đạt được, để tiếp tục nỗ lực trong hành trình tiếp theo.