Điểm tên những cuộc họp quan trọng trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 37
Chu Văn
22:15 | 11/11/2020
TGVN. Cùng điểm tên những cuộc họp quan trọng trong hai ngày 9-11/11 trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày mai (12/11) để thấy rõ tính "gắn kết và chủ động thích ứng" chủ đề năm ASEAN 2020.
Mở đầu các cuộc họp liên quan Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, sáng ngày 9/11 đã diễn ra Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN trù bị do Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-Việt Nam đã chủ trì. (Ảnh: Tuấn Anh)
Tại Hội nghị, các đại biểu đã rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ 12-15/11; cơ bản nhất trí với chương trình hoạt động, nghị sự và các văn kiện dự kiến trình các Lãnh đạo thông qua tại các Cấp cao. (Ảnh: Tuấn Anh)
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao những đóng góp của các nước ASEAN trong thúc đẩy ưu tiên, sáng kiến năm ASEAN 2020 và cho rằng đó là sản phẩm chung của ASEAN, là những điểm sáng, khẳng định tinh thần kết và hợp tác của ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cùng ngày, cuộc họp lần thứ 5 Nhóm Công tác liên ngành thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng đã diễn ra. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tiếp tục chủ trì cùng sự tham gia của quan chức các nước ASEAN thuộc các trụ cột Cộng đồng và các Phó Tổng Thư ký chuyên trách của Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hội nghị đã kiểm điểm tiến độ thực hiện các sáng kiến của ASEAN ứng phó Covid-19; ghi nhận tiến độ xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và các kế hoạch triển khai, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, các quan chức cấp cao ASEAN sẽ kiến nghị Lãnh đạo thông qua Tuyên bố về xây dựng Hành lang đi lại ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh những sáng kiến ứng phó Covid-19 của ASEAN sẽ là những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37; đề nghị sự phối hợp chặt chẽ các nước ASEAN và các cơ quan chuyên ngành của ASEAN để có thể hoàn tất các sáng kiến thực chất này theo đúng kế hoạch đề ra. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Sáng ngày 10/11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham dự của các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Các Bộ trưởng chỉ ra những nội dung hợp tác cần được tiếp tục thúc đẩy trong quá trình phục hồi và khôi phục tăng trưởng sau đại dịch và dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực; cơ bản nhất trí, Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực, nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung. (Ảnh: Tuấn Anh)
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng ASEAN cần thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để có thể hoàn tất các ưu tiên sáng kiến, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là đại dịch Covid-19. (Ảnh: Tuấn Anh)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề cao tinh thần đoàn kết ASEAN, coi đây là nhân tố then chốt trong bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, độc lập và tự chủ trong môi trường thế giới có nhiều bất ổn, bất định hiện nay; nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với ý kiến đánh giá của các nước về tầm quan trọng đặc biệt của UNCLOS 1982, văn kiện cơ sở, là khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cũng trong sáng 10/11, Ngoại trưởng của các nước ASEAN đã tổ chức Hội nghị lần thứ 22 Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSCC). Hội nghị cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các thách thức an ninh đang nổi lên, trong đó có an ninh mạng, an ninh biển, an ninh y tế… (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Nhân dịp này, Hội đồng APSC đã thông qua Báo cáo kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể APSC 2025, trong đó đề ra nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Kế hoạch trong thời gian tới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Cũng trong ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự Lễ ký Văn kiện mở rộng để Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)
Phát biểu tại Lễ ký, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng việc mở rộng Hiệp ước TAC cho thấy vị thế và vai trò quốc tế của ASEAN trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoà bình, an ninh khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng đề nghị các nước Colombia, Cuba và Nam Phi thực hiện theo đúng những mục tiêu và nguyên tắc của TAC. (Nguồn: VOV.VN)
Chiều cùng ngày, diễn ra Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nghiên cứu báo cáo được thực thi với sự đóng góp của tất cả các nước ASEAN cũng như các viện nghiên cứu; rà soát lại những ưu tiên mà Việt Nam đưa ra từ đầu năm nay bởi trong trụ cột kinh tế, Việt Nam đưa ra 13 ưu tiên thảo luận các định hướng khác mang tính hợp tác dài hạn cũng như một số thách thức dài hạn đối với các nước ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các nước ASEAN đã thống nhất và ký thông qua Biên bản ghi nhớ và danh mục các mặt hàng thiết yếu liên quan đến vấn đề xử lý dịch bệnh trong thời gian tới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ngay sau Hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi đối thoại trực tuyến dưới hình thức ba bên (troika) mở rộng với Thụy Sỹ. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Thụy Sỹ Guy Parmelin đồng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tại Hội nghị, các bên bày tỏ quan ngại chung về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của các bên; ghi nhận sự cần thiết phải có sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên để chống lại đại dịch và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Cũng trong chiều ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao tự cường kinh tế khu vực ASEAN giai đoạn hậu Covid-19. Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức.
Là một trong những hoạt động bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN 37, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp, khuyến nghị về chính sách, góp phần giúp các nhà lãnh đạo ASEAN đề ra các quyết sách để đưa khu vực ra khỏi khủng hoảng, thúc đẩy tự cường và phục hồi kinh tế và tăng trưởng bao trùm.
Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chính quyền Washington mới cần tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác tốt đẹp với Ấn Độ.