Thái Lan mong muốn trở thành "nước xuất khẩu văn hóa" khổng lồ như Hàn Quốc thông qua điện ảnh. |
Hồi những năm 2000, điện ảnh Thái Lan mới chỉ được biết đến qua những bộ phim kinh dị như Ghost nhưng bây giờ ngay cả phim hài, lãng mạn của Thái cũng được phổ biến nhờ đáp ứng nhanh nhạy với thị hiếu khán giả. Những số bộ phim Thái gần đây như May Who, Freelance, Mon Son Phi đều được phát hành rộng rãi tại Việt Nam, Lào, Campuchia và các nước ASEAN khác. Vậy tại sao người Thái hầu như không bao giờ xem phim Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia hay Indonesia, trong khi khán giả ở những quốc gia này lại liên tục được tiếp cận với các sản phẩm giải trí từ Thái Lan?
Giám đốc bộ phận quốc tế của hãng phim GTH Thái Lan Yongyooth Thongkongtoon lý giải rằng phim Thái Lan có lợi thế hơn phim từ các quốc gia Đông Nam Á khác bởi khán giả đã quen thuộc với nền văn hóa và phong cách phim của người Thái. Theo ông, trước đây thị trường điện ảnh Thái Lan cũng khá ảm đạm nhưng chính nhờ tích cực đổi mới bên trong và mở cửa đón nhận những sáng kiến mới lạ từ bên ngoài nên phim Thái mới đạt được thành tích và tạo nên một thương hiệu có tiếng như ngày hôm nay. Ngay cả ở Philippines - một nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển và khó thâm nhập hàng đầu ASEAN, phim Thái cũng không chùn bước mà từ từ tấn công, tìm cách gia tăng thị phần của mình.
"Chúng tôi nhắm đến khu vực châu Âu. Trong thị trường châu Á, chúng tôi đã có một vị trí nhất định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu, tôi tin rằng một ngày nào đó điện ảnh Thái có thể bùng nổ thành điều gì đó lớn hơn", ông Gilbert Lim Phó Chủ tịch của hãng Thái Lan Sahamongkol Film International cho biết.
Như vậy, bằng những thước phim, công chúng đã có cơ hội biết nhiều hơn về lịch sử, văn hóa, đồng thời thúc đẩy du lịch cũng như phát triển kinh tế của Thái Lan. Đây cũng là một hướng đi tốt mà điện ảnh các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam nên học tập.
Trang Trần (tổng hợp)