Kiên định với toàn cầu hóa
Ra đời năm 2001 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các nước châu Á thông qua tăng cường hội nhập kinh tế, BFA đã nhanh chóng phát triển thành một diễn đàn kinh tế quan trọng và uy tín. Bảy Nguyên thủ quốc gia, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng khoảng 80 Bộ trưởng Ngoại giao, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp các nước tham dự Hội nghị, cùng chia sẻ quan điểm và ý tưởng về các vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư nổi bật của châu Á và thế giới, dưới nhiều góc độ khác nhau.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 (BFA) sẽ khai mạc tại Bác Ngao, Hải Nam, Trung Quốc từ 23/3 - 26/3/2017. |
Khác với chủ đề BFA 2016 là “Tương lai mới của châu Á: Động lực mới và tầm nhìn mới”, chủ đề BFA 2017 cụ thể hơn, tập trung vào “Toàn cầu hóa” và “Thương mại tự do”, các yếu tố đang tạo ra sự thay đổi căn bản của bức tranh kinh tế-chính trị toàn cầu với quy mô và mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Đáng lưu ý là BFA 2017 diễn ra trong bối cảnh xu hướng phản đối toàn cầu hóa, đặc biệt từ các nước phát triển, ngày một gia tăng. Làn sóng chủ nghĩa dân túy, phản đối liên kết khu vực và toàn cầu hóa thể hiện rõ nét nhất qua việc Anh tách khỏi EU và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “khai tử” Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều nghịch lý là Mỹ và các nền kinh tế phát triển phương Tây vốn là những nước đi đầu trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, thúc đẩy tự do thương mại thì nay có dấu hiệu “trở cờ” vì cảm thấy bị “thua thiệt”.
Lựa chọn của BFA 2017
Trong bối cảnh đó, việc giương cao chủ đề “toàn cầu hóa” tại BFA 2017 cho thấy Trung Quốc không hề che giấu tham vọng trở thành nước đi tiên phong trong tiến trình toàn cầu hóa. Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng khẳng định: “Toàn cầu hoá là một xu hướng lịch sử và là quy luật phát triển kinh tế vượt ra ngoài ý chí của con người. Tôi nghĩ rằng những lý do đằng sau những lời chỉ trích về toàn cầu hóa là phân phối lợi ích không công bằng”.
BFA 2017 sẽ thảo luận bốn nội dung xoay quanh chủ đề chính là toàn cầu hóa, tăng trưởng, cải cách và tiến bộ công nghệ, cụ thể:
Thứ nhất, chú trọng toàn cầu hóa theo “diện”, chứ không phải “điểm”. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc thúc đẩy là một trong những tâm điểm thảo luận, bên cạnh các chủ đề khác như Hợp tác khu vực châu Á, Vòng Doha, tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu... Khái niệm toàn cầu hóa lần này mở rộng hơn, bao hàm hơn trong đó nhấn mạnh đến việc tạo lợi ích cho các nhóm dân cư bị thiệt thòi hoặc bị ảnh hưởng bởi quá trình này. Toàn cầu hóa mang lại nhiều chuyển biến tích cực đối với hệ thống kinh tế, chính trị toàn cầu và có những đóng góp cho thịnh vượng của thế giới. Do đó, toàn cầu hóa cần được nhìn nhận một cách khách quan, chứ không phải là đối tượng để chỉ trích hay phủ nhận. Điều quan trọng là cần tìm ra các chính sách hợp lý để vẫn duy trì kết nối đồng thời giảm nhẹ tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.
Thứ hai, kích thích tăng trưởng thông qua cách tiếp cận đa chiều là ưu tiên cấp bách. BFA 2017 ưu tiên thảo luận để tìm ra các sáng kiến, ý tưởng mới, góc nhìn mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ, tài khóa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như kích thích đầu tư khu vực tư nhân.
Thứ ba, cải cách là lựa chọn cho phát triển và thịnh vượng. Các nội dung thảo luận của chủ đề cải cách tại BFA 2017 khá rộng, bao gồm tăng cường phối hợp giữa các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề cải cách thị trường lao động, chăm sóc sức khỏe, đất đai, hệ thống tài khóa và thuế, Cách mạng Công nghiệp 4.0, xử lý bong bóng thị trường vốn, bất động sản và chứng khoán...
Thứ tư là vai trò của doanh nghiệp và tiến bộ công nghệ trong quá trình phát triển. Nội dung thảo luận của chủ đề này tập trung vào việc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ công nghệ và đi tiên phong nghiên cứu, chia sẻ các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, tài chính kỹ thuật số và công nghệ trực tuyến.
Đóng góp của Việt Nam
Là một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn Bác Ngao, Việt Nam đã nhiều lần tham dự Hội nghị thường niên BFA ở cấp Chính phủ và có nhiều đóng góp cho các kỳ Hội nghị. BFA 2017 là dịp thuận lợi để Việt Nam tìm hiểu, trao đổi về cơ hội, thách thức và tìm ra giải pháp cho việc phát triển và hội nhập kinh tế khu vực cũng như thế giới, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Pháp... đang đối mặt với các thách thức và lựa chọn hướng đi cho riêng mình.
Là diễn đàn đối thoại chính của châu Á và các nền kinh tế mới nổi, qua BFA 2017, Diễn đàn này muốn khẳng định hướng đi không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, cũng như sự gắn kết giữa xu hướng này với tương lai phát triển và thịnh vượng của châu Á nói riêng, cũng như của thế giới nói chung.