Mức lương cơ sở tăng 30% và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7. (Hình minh họa) |
Mức lương cơ sở tăng 30% và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây đang đem lại niềm vui lớn đối với nhiều người nhưng kèm theo đó là nỗi lo tăng giá.
Thực tế mấy ngày qua, một số mặt hàng thiết yếu đã rục rịch tăng giá nhẹ. Có người còn lo ngại rằng, nếu không quản lý tốt về giá cả thì rất có thể “vận động viên giá” sẽ chạy quá nhanh so với “vận động viên lương” và câu nói quen thuộc “giá ơi, chờ lương với” cách đây vài chục năm trước sẽ lặp lại.
Việc "té nước" theo lương” cũng đang là vấn đề “nóng” tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Thực ra, đối tượng tăng lương lần này không nhiều lắm bởi theo số lượng thống kê vào cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm lực lượng vũ trang) được tăng lương. Bên cạnh đó, có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ Quỹ bảo hiểm xã hội và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách Nhà nước. Như vậy số lượng cán bộ hưởng lương ngân sách chỉ chiếm vài phần trăm dân số, quy mô không lớn để tạo ra áp lực tăng giá thực sự. Vấn đề cốt lõi tạo ra áp lực giá cả tăng là do tâm lý và việc lợi dụng “kẽ hở” tăng lương để tăng giá bất hợp lý.
Chính vì thế, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế, giải pháp quan trọng, cấp bách lúc này là các cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm luật cạnh tranh, liên kết tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng đến thị trường. Trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động. Nhất là phải kiểm tra kiểm soát, đặc biệt với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống... Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Nhằm bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương từ 1/7, cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...); phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời; bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng…
Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Vì thế để tránh tình trạng “giá ơi, chờ lương với”, việc thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng vào lúc này. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để ngăn chặn việc đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Người cung cấp dịch vụ, sản phẩm hàng hóa cũng cần cân nhắc trước khi quyết định đẩy giá lên bởi có thể sẽ không bán được hàng và vi phạm pháp luật.