Công nhân dệt may nằm bên ngoài một nhà máy đã đóng cửa do dịch Covid-19 ở Bhiwandi, Ấn Độ, ngày 1/4. (Nguồn: Reuters) |
Bức tranh ảm đạm
Cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra đã tàn phá nặng nề thị trường lao động vốn đã “mong manh” của châu Á.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 đã tăng lên tới 5,9% so với con số 2,8% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù trước thời điểm bị tấn công bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19, khu vực này cũng đã xảy ra nhiều biến động lớn khiến cho nền kinh tế bị suy thoái.
Ngoài ra, thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đã chứng kiến số lượng lao động thất nghiệp tăng cao kỷ lục lên tới 135.100 người trong tháng 5, tăng 185% so với tháng 12/2019.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong tháng 5 là 5,9%, phần lớn là do có số lượng người nhập cư quá mức. Mặc dù có 90% lao động nhập cư được đi làm trở lại trước ngày 30/4, tuy nhiên dự báo cũng cho thấy, Covid-19 đã "cuốn bay" 30 triệu việc làm tại quốc gia này. Trong đó, ngành dịch vụ và xuất khẩu bị thiệt hại nặng, với gần 48 triệu công nhân đứng trước nguy cơ mất việc.
Ở Nhật Bản, số lượng nhân viên không có việc làm đã tăng từ 2,5 triệu người (tháng 3) lên tới 6 triệu người (tháng 4), chiếm 8,8% lực lượng lao động của nước này.
Tại Philippines, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp ba lần trong thời gian từ tháng 1-4, chạm mức 17,7%.
Bức tranh thị trường lao động ảm đạm cũng diễn ra tương tự ở Ấn Độ. Các cuộc điều tra riêng trong khu vực cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt ngưỡng 8,5% trong tuần thứ ba của tháng 6, con số thống kê này chưa bao gồm hàng triệu lao động nhập cư quay trở về quê hương trong thời gian đóng cửa đất nước.
Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của khu vực châu Á vẫn chưa thực sự diễn tả chính xác về thực trạng của từng quốc gia, bởi số liệu thống kê chưa tính tới những trường hợp người mất việc đã lựa chọn không tìm kiếm công việc tạm thời mới hay người lao động cao tuổi nhưng không đưa ra lựa chọn nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, những lao động mất việc làm từ thành phố trở về quê sau khi các nhà máy đóng cửa vẫn được tính là có việc làm. Hay những công nhân mặc dù vẫn giữ được công việc thì số giờ làm đã giảm và mức lương được hưởng cũng thấp hơn so với trước thời kỳ dịch bệnh. Đây cũng chính là mặt tối của thị trường lao động tại một số quốc gia có mức thu nhập thấp ở châu Á.
Làm gì để "cứu" thị trường lao động?
Để "cứu" thị trường lao động, theo các chuyên gia, có 3 biện pháp.
Thứ nhất, dưới góc độ quản lý rủi ro, các nhà hoạch định chính sách châu Á nên hỗ trợ trực tiếp hơn cho các công ty dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp hoặc trợ cấp có điều kiện để giữ lao động. Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu thực hiện biện pháp này.
Đối với các quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề thất nghiệp tiềm ẩn, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, chính quyền nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương châu Á có thể đóng vai trò lớn hơn, bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp; khuyến khích các ngân hàng thương mại duy trì cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ; cung cấp vốn với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc sử dụng những chính sách tiền tệ phi truyền thống có thể sẽ làm suy yếu đồng nội tệ. Mặc dù vậy, đây là điều cần thiết nhằm ngăn chặn làn sóng thất nghiệp đang ngày một tăng, đồng thời cải thiện năng suất lao động và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Thứ ba, chính phủ cần đưa ra các biện pháp cứu trợ kinh tế kịp thời. Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã công bố các gói kích thích tài chính để duy trì công ăn việc làm cho người dân. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã công bố một phương thức đặc biệt để cung cấp vốn không lãi suất cho các ngân hàng nhỏ hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận các khoản vay.