Theo báo cáo này, xuất khẩu của Canada sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 11 nước (không có Mỹ) vào năm 2035 sẽ tăng 4,7%, trong khi Mexico tăng 3,12%, cao hơn mức cơ sở nếu không có TPP.
Khi còn TPP 12 (bao gồm cả Mỹ), mức tăng này chỉ là 0,36% và 0,05%. Ngoài ra, Mexico và Canada còn được hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang các nước ngoài TPP trong bối cảnh TPP 11 được thông qua.
TPP không có Mỹ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho Canada. (Nguồn: TPP) |
Peru và Chile cũng là các nước hưởng lợi từ việc Mỹ rút khỏi TPP vì các nước này sẽ có thị phần lớn hơn trong TPP không có Mỹ. Tương tự, Singapore cũng sẽ có lợi thế hơn khi không phải cạnh tranh với Mỹ tại thị trường châu Á.
Nghiên cứu cũng cho thấy thu hoạch lớn nhất của Canada trong khuôn khổ TPP là từ nông nghiệp, thực phẩm nông nghiệp vì không phải cạnh tranh với Mỹ trong TPP. Những lợi ích có được từ TPP không có Mỹ sẽ cho phép Canada và Mexico rộng đường hơn trong việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Và vì thế, Mỹ nên cẩn trọng hơn trong việc đàm phán lại NAFTA để bảo đảm các doanh nghiệp Mỹ có được những lợi ích mà Canada và Mexico đã có thể được hưởng từ TPP.
Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang các nước TPP sẽ bị giảm 0,32% so với mức cơ sở vào năm 2035 nếu TPP 11 được thông qua, nhưng nếu tham gia TPP thì xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng 1,41% từ mức cơ sở.
Cũng theo báo cáo, Nhật Bản và Việt Nam là hai nước trông đợi được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tiếp cận thị trường Mỹ thông qua TPP 12 nên sẽ là những nước bị mất đi nhiều lợi ích nhất trong số 11 nước TPP còn lại.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay sẽ tới Washington DC trong tuần này để gặp gỡ các nghị sĩ Quốc hội và làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Một trong các nội dung làm việc của Bộ trưởng McClay sẽ là thuyết phục Mỹ về TPP.
Trả lời phỏng vấn tờ New Zealand Herald, Bộ trưởng McClay nói ông dự định sẽ khuyên ông Lighthizer “suy nghĩ cởi mở” về TPP vì hiệp định này tạo ra những nguyên tắc quan trọng cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng sẽ thông báo vắn tắt cho các quan chức Mỹ về tiến bộ đạt được trong TPP kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại này.
Một nội dung mà ông McClay không muốn đưa ra thảo luận là một thỏa thuận song phương với Mỹ. Ông cho biết, lý do là ông Lighthizer mới nhậm chức được vài tuần và hai bên đã thảo luận với nhau về chiến lược và ưu tiên.
Trước đó, hai ông McClay và Lighthizer đã gặp nhau 2 lần tại cuộc họp Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris (Pháp).