📞

Đoàn Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí thăm và làm việc tại Việt Nam

07:15 | 19/11/2019
TGVN. Nhận lời mời của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, 11 thành viên trong Đoàn Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí (Gensuikyo) sẽ có chương trình làm việc và nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí chụp ảnh với lãnh đạo VUFO. (Ảnh: A.B)

Trong thời gian từ ngày 18-24/11, Đoàn sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, làm việc với Bộ Ngoại giao, ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội nạn nhân chất độc da cam và tới thăm Trung tâm nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Hà Nội. Ở TP. Hồ Chí Minh, đoàn tham gia khai mạc Triển lãm tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, giao lưu với sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng và thăm địa đạo Củ Chi.

Tại buổi tiếp đoàn vào chiều 18/11, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Văn Huỳnh đã chia sẻ với Đoàn về những hoạt động thúc đẩy hòa bình, đoàn kết của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức hòa bình, hữu nghị trên thế giới như Ủy ban đoàn kết với nhân dân các nước Á-Phi, Mỹ Latin. Ông cảm ơn Gensuikyo cũng như nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân và cuộc đấu tranh công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Tại cuộc gặp, ông Hiroshi Taka - Giám đốc đại diện, Trưởng Đoàn Gensuikyo nêu rõ các hoạt động nổi bật của Gensuikyo là các cuộc tuần hành vì hòa bình, các chiến dịch thu thập chữ ký tại các quốc gia chống lại chiến tranh hạt nhân, cấm và xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, hỗ trợ và đồng hành cùng nạn nhân bom nguyên tử.

Ông Hiroshi Taka cho biết, các thành viên trong Đoàn đều là những người từng tham gia các hoạt động phản đối chiến tranh tại Việt Nam khi còn trẻ và hiện nay tiếp tục là những thành viên tích cực trong phong trào ủng hộ hòa bình trên thế giới. Hơn nữa, là những người từng chứng kiến hậu quả của vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki nên họ rất thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Cùng ngày, tại buổi tiếp Đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Bạch Ngọc Chiến cũng đánh cao những hoạt động của Gensuikyo, đồng thời bày tỏ ủng hộ đoàn kết với nạn nhân bom nguyên tử cũng như nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Tại buổi tiếp, ông Hiroshi Taka nhấn mạnh mục đích chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của Đoàn là nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Gensuikyo và Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cũng như tiếp tục vận động và chia sẻ để mọi người cùng thấy rõ ý nghĩa của hòa bình và tác hại của vũ khí hạt nhân.

Dịp này, ông Hiroshi Taka mong muốn Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển hòa bình thế giới khi là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Cũng theo ông Hiroshi Taka, đến nay, có khoảng 120 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có Việt Nam. Với vị thế và vai trò của mình trên trường quốc tế, Việt Nam có thể góp tiếng nói ủng hộ Hiệp ước này tại các hội nghị quốc tế để xây dựng một thế giới phi vũ khí hạt nhân, đem lại hòa bình cho toàn cầu.

Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí thành lập vào tháng 9/1955, ngay sau Hội nghị thế giới chống bom nguyên tử và khinh khí (A&H) đầu tiên diễn ra vào tháng 8 cùng năm. Hội đồng được thành lập trong bối cảnh sau khi các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc phản đối vụ thử bom khinh khí của Hoa Kỳ tiến hành vào ngày 1/3/1954 tại Đảo san hô Bikini ở Trung Thái Bình Dương. Ngay sau đó, hơn 32 triệu chữ ký được thu thập yêu cầu cấm vũ khí hạt nhân thể hiện mong muốn mạnh mẽ của toàn nhân dân Nhật Bản vì hòa bình và chống lại vũ khí hạt nhân.

Kể từ khi thành lập, ngoài tổ chức Hội nghị A&H vào tháng 8 hằng năm tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Hội đồng đã triển khai nhiều hoạt động như các cuộc tuần hành vì hòa bình; các chiến dịch thu thập chữ ký tại các quốc gia chống lại chiến tranh hạt nhân, cấm và xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, hỗ trợ và đồng hành cùng với nạn nhân nguyên tử (Hibakusha).

Việt Nam ủng hộ các hoạt động của Hội đồng chống bom nguyên tử và khinh khí của Nhật Bản ngay khi mới thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh đạo quốc gia đầu tiên gửi điện chúc mừng Hội đồng và Hội nghị A&H.