TIN LIÊN QUAN | |
Nhiều cơ hội kinh doanh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – UAE | |
Xuất khẩu nông sản trong CPTPP: Cạnh tranh là động lực đổi mới |
Lễ thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt tại Myanmar tháng 5/2019. |
Quan hệ địa lý gần gũi, nhiều nét tương đồng, hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng đã khiến Myanmar trở thành “miền đất hứa” cho nhiều doanh nghiệp Việt tới tìm hiểu và đầu tư vào thị trường này.
Tiềm năng lớn cho các sản phẩm “Made in Vietnam”
Giữa thành phố Yangon, không khó để nhận ra tòa “Myanmar Plaza” – một sản phẩm của HAGL, tòa cao ốc sang trọng bậc nhất, nằm ở vị trí đắc địa và phần nào trở thành biểu tượng phát triển của thành phố. BIDV, Mytel, những chiếc xe Fastgo của nhóm nhà đầu tư trẻ đầu tư vào lĩnh vực taxi công nghệ và nhiều hàng gia dụng Việt Nam khác… hiện diện khắp Myanmar.
Hiện có trên 200 doanh nghiệp Việt đang hoạt động kinh doanh tại Myanmar. Xét về đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar có 25 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 2,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư đứng thứ bảy trong tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào đất nước này. Tính từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đứng thứ ba, sau Singapore và Trung Quốc.
Ông Đặng Hải Nhã - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Tổng Giám đốc Chi nhánh BIDV Yangon cho biết, kế thừa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo và quá trình phát triển của đất nước nên trong quá trình đầu tư tại Myanmar, doanh nghiệp Việt luôn nhận được nhiều thiện chí, thiện cảm từ Chính phủ và người dân Myanmar.
Tổng thống Myanmar Win Myint từng đánh giá, “các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar đang góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống của người dân Myanmar”.
Myanmar mới mở cửa thị trường, với xuất phát điểm thấp, quy mô dân số khoảng 54 triệu người, kinh tế tăng trưởng nhanh với mức gần 7%, theo dự đoán của World Bank đến năm 2020, con số này sẽ đạt 6,7%. Myanmar gần đây đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Công ty, cho phép người nước ngoài góp vốn đến 35% vào doanh nghiệp mà vẫn giữ tư cách và những lợi thế áp dụng các công ty nội địa, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào nhiều lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế, nông nghiệp…
Nhận thấy tiềm năng từ “mảnh đất vàng”, từ đầu những năm 2010, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đến và đặt bản đại doanh tại đây, đóng góp vào kim ngạch thương mại hai chiều đạt 875 triệu USD năm 2018, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ mười của Myanmar.
Đúng thời điểm, trúng mục đích
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam khi tìm hiểu đầu tư vào Myanmar, ngoài thuận lợi là thiện cảm của Chính phủ và người dân Myanmar, quy mô dân số lớn và thị trường chưa đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ, họ đã gặp không ít khó khăn liên quan đến nắm vững quy định của pháp luật Myanmar, chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách bảo hộ thị trường nội địa trong những năm đầu mở cửa…
Trong những năm qua, một số doanh nghiệp tiên phong như BIDV, VNA, HAGL… đã phát huy vai trò đầu tàu, thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động kinh doanh tại Myanmar, tuy nhiên, hoạt động này còn chưa mang tính hệ thống. Để đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, trên cơ sở ý tưởng của Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương, ngày 28/5/2019, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt tại Myanmar (VBCM) đã chính thức ra đời với tôn chỉ “Gắn kết – Hợp tác – Thành công”.
“Đúng thời điểm”, “trúng mục đích” và “sự tất yếu” là những đánh giá của Đại sứ Luận Thùy Dương về sự ra đời của VBCM.
Chỉ sau năm tháng thành lập, VBCM đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt như tổ chức hội thảo giới thiệu, chia sẻ, tư vấn về quy định pháp luật của Myanmar liên quan đến đầu tư, thuế, lao động…
Theo ông Đặng Hải Nhã, Myanmar nguyên là thuộc địa của Anh nên áp dụng hệ thống thông luật (common law) và án lệ (custom law) trong khi Việt Nam áp dụng hệ thống luật dân sự (civil law). Do đó, quy định của pháp luật Myanmar rất ngắn gọn và mang tính nguyên tắc. Các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về việc tuân thủ của mình. Đây là một nội dung khó đối với doanh nghiệp mới sang địa bàn. Chính vì thế, việc tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, doanh nghiệp đi trước như BIDV, HAGL… là hoạt động trợ giúp thiết thực cho các doanh nghiệp hội viên”, ông Đặng Hải Nhã nhấn mạnh.
Ngoài các hoạt động chuyên môn, VBCM cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ người dân Myanmar khắc phục hậu quả của đợt lũ lụt vừa qua, gây dựng các hoạt động phong trào đá bóng, tennis, golf… nhằm gắn kết các doanh nghiệp Việt gần nhau hơn.
Đón chu kỳ phát triển của Myanmar
Trong chuyến thăm Myanmar hồi tháng 6/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Myanmar đang tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại đây sẽ gặp những gian nan, nhưng nếu ‘bền chí’, ‘cắm chốt’ được tại đây thì sẽ có nhiều cơ hội để tạo dựng thương hiệu và thành công khi thời gian tới sẽ là chu kỳ phát triển của Myanmar”.
Các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar chụp ảnh chung cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. |
Không chỉ vậy, trong các trao đổi cấp cao, lãnh đạo hai nước cùng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư, đảm bảo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời tăng mạnh đầu tư hai chiều.
Qua thực tiễn triển khai tìm hiểu đầu tư tại thị trường Myanmar, nhiều doanh nghiệp nhận định rằng, để triển khai hoạt động kinh doanh thành công từ “mỏ vàng” châu Á đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải xác định đầu tư dài hạn, từng bước tạo dựng uy tín, vị thế cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hải Nhã, Myanmar là thị trường lớn, tiềm năng nhưng không thiếu những thách thức.
Để vượt thách thức, đón đầu chu kỳ phát triển của Myanmar, ngoài sự nỗ lực, các doanh nghiệp Việt kỳ vọng thông qua những chuyến trao đổi đoàn cấp cao, sẽ là dịp để lãnh đạo hai bên tìm hiểu và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, từ đó xem xét tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp Việt Nam có những bước phát triển đột phá.
| Để doanh nghiệp Việt dễ dàng kết nối với thị trường ASEAN TGVN. Trước bối cảnh doanh nghiệp Việt còn khá “loay hoay” tìm cách tiếp cận thị trường ASEAN, Ban Thư ký ASEAN (trong đó có ... |
| Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam ở Trung Đông - châu Phi TGVN. Doanh nghiệp Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi có rất nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên ... |
| Liên hiệp Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu: Cơ hội và thách thức TGVN. Hội nghị Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ XI dự kiến được tổ chức từ ngày 13 - 14/9 tại Warsaw (Ba Lan). Hội ... |