📞

Độc đáo món bánh khoái cá kình của làng Chuồn, Huế

Khải Anh 10:50 | 04/07/2022
Bánh khoái cá kình là một trong những đặc sản lạ chỉ có ở Huế, thực khách phải tự mua nguyên liệu và nhờ chế biến với giá ‘rẻ bèo’.
Bánh khoái cá kình là món ăn dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng của người dân ở vùng đầm Chuồn. Bà con nơi đây thường thưởng thức món ăn này vào buổi sáng hoặc buổi chiều. (Ảnh: Chau Phan)

Nhắc đến ẩm thực Huế, người ta sẽ nhớ ngay những cái tên như bún bò Huế, nem lụi, bún thịt nướng, các loại chè và bánh,… Tuy nhiên ở vùng đất cố đô còn có một đặc sản dân dã, dù không nổi tiếng bằng nhưng đủ làm nên tên tuổi cho cả một ngôi làng. Đó chính là món bánh khoái cá kình của làng Chuồn.

Theo người dân địa phương, bánh khoái cá kình là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Lâu dần, bánh khoái cá kình trở thành đặc sản dân dã của bà con vùng đầm Chuồn (hay còn gọi là đầm Cầu Hai) thuộc hệ thống phá Tam Giang, cách trung tâm thành phố Huế chừng 12km.

Đến Đầm Chuồn, du khách có thể trải nghiệm ngắm bình minh, nghe những người lái thuyền chia sẻ về cách đánh bắt hải sản, chèo SUP hay thưởng thức bánh khoái cá kình,... (Ảnh: Vũ Bảo Khánh)

Ở đây, cá kình là loài hải sản nổi tiếng, được người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó có bánh khoái. Tên gọi của bánh được cho là xuất phát từ cách chế biến độc đáo.

Người Huế thường làm bánh khoái bằng cách "đổ bánh" trong các chảo nhỏ trên bếp củi hay bếp than. Trong quá trình chế biến, dầu ăn thường bắn ra ngoài, rơi vào than, củi làm sinh ra nhiều khói.

Cá kình là một trong số những loài hải sản nổi tiếng ở Đầm Chuồn. Đây là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ăn ngon của người địa phương. (Ảnh: Pham Trong Tin)

Bánh được làm chín trên bếp khói, ám mùi khói nên gọi là bánh khói. Tuy nhiên, do cách phát âm của người địa phương mà bánh khói được đọc chệch thành bánh khoái.

Để làm bánh khoái cá kình ngon, người ta chọn những con cá tươi rói từ chợ sớm. Khu chợ cá nổi tiếng nhất ở huyện Phú Vang chính là chợ làng Chuồn.

Theo người dân địa phương, cá kình muốn ngon phải chọn con to bằng 3 ngón tay, thân mập, dày thịt và có màu vàng.

Món ăn này gồm hai nguyên liệu chính là cá kình và bột gạo xay nhuyễn. Bánh khoái cá kình muốn ngon đòi hỏi phải có sự chuẩn bị nguyên liệu kỹ lưỡng. (Ảnh: Tịnh Thủy)

Mùa cá kình kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch nên du khách ghé thăm Huế trong thời gian này có thể thưởng thức những mẻ cá ngon, chất lượng nhất.

Đặc biệt, để thưởng thức món ăn này, thực khách phải tự mua cá, sau đó mang đến khu chợ truyền thống rồi nhờ người dân tráng bánh hộ với tiền công từ 2.000 - 3.000 đồng/con.

Trước khi chế biến, cá kình được đem rửa sạch, để nguyên con. Ruột cá cũng được giữ lại giúp du khách khi thưởng thức loài cá này có thể cảm nhận được độ béo ngậy, bùi bùi và đậm đà. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng cho rằng, ruột cá kình chứa nhiều thành phần, ăn vào sẽ giúp an thần, ngủ ngon giấc.

Món ăn có vị dai giòn của bánh khoái, kết hợp vị béo ngậy, đậm đà của cá kình, ăn kèm rau sống thanh mát giúp giải ngán hiệu quả. (Ảnh: Nhi Hoàng)

Đầu tiên, người ta chiên vàng cá kình trên chảo dầu nóng trước. Loại chảo được sử dụng có kích thước nhỏ, vừa đủ tráng một chiếc bánh cỡ đĩa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.

Khi cá chín vàng, dậy mùi thơm thì đổ bột bánh đã được khuấy đều, thêm ít rau như giá đỗ, hành lá,... rắc lên trên. Bột bánh phải đổ đều tay, tràn đều khắp chảo để bánh có độ mềm, mỏng. Chờ chừng 2-3 phút là bánh chín, bắc chảo ra, tránh tình trạng bánh bị sống quá hoặc cháy quá.

Ngoài bánh khoái cá kình, du khách có thể thưởng thức bánh khoái với các loại hải sản đặc trưng khác ở đầm Chuồn như tôm, mực, cá dìa,... (Ảnh: Bánh khoái làng Chuồn)

Người địa phương nhận xét, món bánh khoái cá kình ngon nhất khi nóng hổi và ăn bằng tay để thuận tiện gỡ xương cá. Bánh khoái dai giòn, có độ bùi ngậy của bột gạo kết hợp với thịt cá kình mềm, đậm đà tuy dân dã nhưng đủ làm say lòng thực khách.

Trước đây, để thưởng thức bánh khoái cá kình, du khách phải lặn lội về tận chợ làng Chuồn, cách trung tâm thành phố khoảng 9km. Ngày nay, món ăn dân dã này đã xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn tại Huế.

Bánh khoái cá kình được ăn cùng với nước mắm nhĩ, cho thêm ớt và nước mắm chua ngọt. Cá kình thì chấm với nước mắm nhĩ, còn bánh khoái chấm cùng với nước mắm chua ngọt. (Ảnh: Nguyễn Kim Ngân)

Tuy nhiên, bánh khoái cá kình của làng Chuồn vẫn ngon và nổi tiếng chuẩn vị nhất.

Món ăn này có giá dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/suất, tùy loại cá bé hay cá to, bánh bé hay bánh to.

(theo Dâm trí)