📞

Đối ngoại An Giang: Nhiều thành tựu đáng khích lệ

19:34 | 28/08/2016
Tại Hội nghị đánh giá 5 năm công tác đối ngoại tỉnh An Giang (2010-2015), Lãnh đạo UBND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác ngoại vụ. Thông qua công tác đối ngoại, Tỉnh đã tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, thu hút được nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội địa phương, giữ vững an ninh và hòa bình biên giới.

An Giang là một trong bốn tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh ở biên giới Tây Nam.  Dân số toàn tỉnh trên 2,25 triệu người với bốn dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Đời sống sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn phong phú và đa dạng với chín tôn giáo chính, trong đó có nhiều tôn giáo bản địa...

Mở rộng hợp tác quốc tế

Trong giai đoạn 2010 - 2015, các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tính đến 2015, Tỉnh đã có mối quan hệ với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng và giữ vững mối liên hệ với các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương chủ động, tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức thương mại, hợp tác quốc tế của các nước, tận dụng hiệu quả các nguồn ngoại lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân thị sát mốc 246, ngày 14/4/2015.

An Giang đã ký kết và thiết lập mối quan hệ hợp tác cấp địa phương với 8 đối tác, gồm tỉnh Val d’Oise, Cộng hòa Pháp (từ 2002); thành phố Pitea, Vaxjo, Thụy Điển (từ 2009); thành phố Oss, Hà Lan (từ 2013); tỉnh Kandal và Takeo, Campuchia; tỉnh Champasak và Savannakhet, Lào.

Năm năm qua, Tỉnh cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài như: Nhật Bản, Pháp, Kuwait, Hàn Quốc, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Israel, Trung Quốc...

Sức mạnh ngoại giao kinh tế

Tỉnh cũng tăng cường ngoại giao kinh tế; triển khai có hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh công tác vận động, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nguồn vốn nước ngoài như ODA, FDI.

Tính đến 2015, Tỉnh có 35 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 240,4 triệu USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt 54,8 triệu USD. Trước đó, từ 2010-2014, tổng vốn của các dự án ODA là 2.564 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị vốn ODA của các điều ước quốc tế đạt 1.809 tỷ đồng (tương đương 86 triệu USD).

Thông qua việc tham gia triển khai các chương trình, dự án, các hoạt động giao lưu trao đổi giữa địa phương và các Bộ, ngành, các cơ quan đại diện của nhà tài trợ được tăng cường, góp phần củng cố chất lượng trong công tác đối ngoại của Tỉnh.

"Hội nghị Tổng kết hoạt động đối ngoại của tỉnh An Giang 2010-2015".

Hiện có trên 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trên địa bàn An Giang. Tổng giá trị giải ngân thực tế với số tiền vận động bình quân hàng năm vào khoảng 1,5 triệu USD. Nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài chủ yếu tập trung ở một số tổ chức có hoạt động thường xuyên như: CARE Quốc tế tại Việt Nam, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI), Tổ chức vòng tay Thái Bình, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Tổ chức Loreto Viet Nam-Australia Program (Australia) thuộc các lĩnh vực: xây dựng, hỗ trợ kỹ thuật cho các lĩnh vực: giáo dục, y tế, môi trường, nông nghiệp,...

Công tác ngoại giao kinh tế đã phát huy sức mạnh, phục vụ hiệu quả hơn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của An Giang đạt 39,274 triệu đồng (tăng 17,336 triệu đồng so với năm 2010); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nhất là khu vực dịch vụ tăng từ 53,35% vào năm 2010 lên 60,28% vào năm 2015. Khu vực nông nghiệp chuyển dịch mạnh, giảm 8,42% so với năm 2010 (từ 35,53% năm 2010 xuống còn 27,11% năm 2015), riêng khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 0,39% so với năm 2010.

Hoàn thành công tác cắm mốc biên giới

An Giang có đường biên giới giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal của Campuchia, gồm 5 huyện, thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn biên giới. Có hai cửa khẩu quốc tế: Tịnh Biên, Vĩnh Xương; hai cửa khẩu chính: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông; một cửa khẩu phụ Bắc Đai.

Công tác cắm mốc trên địa bàn Tỉnh đến nay đã xác định được 35/46 cột mốc, hoàn thành cắm mốc với tỉnh Takeo, các vị trí mốc còn lại giáp với tỉnh Kandal sẽ tiếp tục được xác định với sự phối hợp của phía bạn Campuchia theo chỉ đạo thống nhất của Ủy ban liên hợp về phân giới cắm mốc hai nước Việt Nam - Campuchia.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Sở Ngoại vụ với các lực lượng, cơ quan đóng tại biên giới diễn ra tốt đẹp, thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác với các tỉnh Campuchia trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như: phòng chống các loại tội phạm, vượt biên trái phép, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các phần tử xấu, đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức qua lại biên giới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác đầu tư, trao đổi hàng hóa, khám trị bệnh, du lịch và thăm thân nhân...

***

Trước tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện như hiện nay, An Giang sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa vai trò đối ngoại, làm cầu nối thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh, sản phẩm chủ lực, tiềm năng thế mạnh kinh tế, bản sắc văn hóa tỉnh nhà đến với nhân dân trong nước và quốc tế. 

Mục tiêu công tác đối ngoại đến 2020 

  • Nâng cao năng lực cạnh tranh, xác lập vị thế vững chắc của các mặt hàng chủ lực của An Giang trong các chuỗi cung ứng ở một số quốc gia lớn đã có thiết lập được mối quan hệ hợp tác, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
  • Tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh con người và vùng đất An Giang đến bạn bè quốc tế.
  • Giữ vững đường biên giới hòa bình, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, chuẩn bị đối phó mọi tình huống, diễn biến trên tuyến biên giới của tỉnh.
  • Đẩy mạnh việc triển khai sâu rộng cuộc vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước, đưa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đi vào chiều sâu thực chất.
  • Mở rộng công tác đối ngoại nhân dân và sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh.
  • Đảm bảo các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện, hạn chế các thủ tục rườm rà gây phiền phức cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân.
  • Tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, triển khai các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh.