📞

Đối ngoại Bắc Giang: Tạo bước phát triển mới

19:34 | 28/08/2016
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với cả nước, Bắc Giang đã và đang hội nhập quốc tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh... Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với các đối tác trong và ngoài nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được mở rộng. Công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hoá, người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai tích cực, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng của Bắc Giang tới bạn bè quốc tế.

Đáng chú ý, ngoại giao kinh tế là nội dung xuyên suốt của công tác đối ngoại được quan tâm, chú trọng. Kết quả thu hút các nguồn vốn (FDI, ODA) và hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả nổi bật, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã thu hút được hơn 200 dự án FDI từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ  như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, New Zealand, Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ, Samoa. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản  có nhiều dự án đầu tư vào tỉnh nhất.

Bắc Giang đã và đang hội nhập quốc tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp tục thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục ưu tiên các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp với các ngành: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô... Mới đây, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Ngoại vụ chủ trì phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức chương trình khảo sát tại Bắc Giang để xây dựng Cụm công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Những kết quả đạt được có một phần đóng góp không nhỏ từ công tác đối ngoại nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Để phát huy kết quả đạt được trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh, triển khai thực hiện tốt định hướng đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, hoạt động đối ngoại tỉnh Bắc Giang đang và sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất là nhóm giải pháp trọng tâm, có tính đột phá. Tỉnh xác định, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện rộng rãi cơ chế “một cửa điện tử”, nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đầu tư. Tỉnh tiếp tục cải tiến thủ tục giao, cho thuê, thu hồi đất, cấp phép xây dựng, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN); Tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Bắc Giang tiếp tục xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác cấp địa phương với một tỉnh của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tích cực tiếp xúc, tìm kiếm và lựa chọn địa phương bạn có những nét tương đồng về văn hóa, có lợi thế so sánh khác biệt để phát huy được thế mạnh của nhau.

Bắc Giang thúc đẩy hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục  - đào tạo và các lĩnh vực khác.

Tỉnh coi trọng phát triển DN và đội ngũ doanh nhân. Hỗ trợ các DN mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh ra nước ngoài; Tăng cường hỗ trợ thông tin về kinh tế thị trường, pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế cho các DN trong tỉnh mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các DN trong tỉnh về kỹ năng đàm phán, đấu thầu quốc tế, năng lực và kỹ năng tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại khi tham gia các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tỉnh tiếp tục thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định, chính sách của tỉnh về hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, thông tin tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; lộ trình thực hiện và những điểm cần lưu ý trong các cam kết quốc tế của Việt Nam; những rào cản thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu trong nước.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá về các chủ trương, chính sách, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đầu tư, nâng cao chất lượng các trang thông tin điện tử, chuyên trang tiếng nước ngoài.

Thứ ba, duy trì và mở rộng quan hệ đối ngoại với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo sự đan xen, gắn kết lợi ích giữa tỉnh và phía đối tác. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới. Trước mắt tập trung hợp tác với các đối tác có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chủ động tham gia vào các diễn đàn, hội nghị quốc tế dành cho các địa phương.

Thứ tư, nâng cao năng lực đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh. Triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, đề án chuẩn bị về năng lực để chủ động tham gia vào một số diễn đàn, cơ chế hợp tác, hiệp định đa phương và song phương của nước ta có tác động trực tiếp đến tỉnh, đặc biệt là Cộng đồng ASEAN, Hiệp định TPP, Hiệp định EVFTA. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo để tranh thủ các cơ hội, thuận lợi khi Việt Nam tham gia các thỏa thuận, các hiệp định song phương và đa phương, tham gia các tổ chức, diễn đàn, cơ chế hợp tác… trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mở rộng hợp tác quốc tế, đa dạng hoá hình thức hợp tác, liên kết và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực; Từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm tạo ra đội ngũ lao động có chất lượng, thích nghi với môi trường làm việc quốc tế, phục vụ nhu cầu nhân lực của các công ty, tập đoàn nước ngoài đầu tư tại tỉnh và xuất khẩu lao động.

Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, chủ yếu là Anh ngữ trên địa bàn, triển khai Chương trình dạy và học Anh ngữ mới ở các cấp học, bậc học phổ thông, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đưa môn ngoại ngữ vào các trường dạy nghề, phấn đấu đạt bước tiến về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Thứ năm, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để chủ động hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, giảm bớt lệ thuộc vào một thị trường. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến, vận động đầu tư nước ngoài, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào địa bàn; Chú trọng các dự án trọng điểm, sản phẩm chủ lực, có vai trò quyết định sự thành công của các mục tiêu phát triển; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cơ cấu lại thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường, nghiên cứu, xúc tiến thương mại từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính bằng các sản phẩm có lợi thế, thương hiệu và chất lượng của địa phương, trước hết trong lĩnh vực may xuất khẩu và nông sản hàng hóa, nhằm mở rộng thị trường, giảm lệ thuộc vào một thị trường.

Đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và hợp tác công - tư nhằm đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; chú trọng quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Thứ sáu, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác. Lồng ghép chương trình, kế hoạch hội nhập quốc tế của tỉnh vào quá trình xây dựng, rà soát và triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển văn hoá - xã hội. Tranh thủ nguồn vốn, công nghệ của nước ngoài để thực hiện một số dự án trọng điểm trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ.

Thứ bảy, làm tốt công tác vận động người Bắc Giang ở nước ngoài hướng về quê hương. Định kỳ tổ chức “Xuân quê hương Bắc Giang”, gặp gỡ Việt kiều về quê hương giao lưu, đón Tết để hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, nét đẹp văn hóa của Bắc Giang, tích cực tham gia, đóng góp, xây dựng và phát triển quê hương; đồng thời góp phần hỗ trợ cộng đồng người Bắc Giang ở nước ngoài duy trì và quảng bá văn hóa bản sắc dân tộc tại nước sở tại.