Đại sứ Phạm Ngạc phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2018) do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 25/1/2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuối tháng 11/1954, sau khi phục vụ công tác tiếp quản Hà Nội, tôi được về công tác tại Văn phòng Bộ Ngoại giao. Cả cơ quan lúc đó chỉ vài chục người, ăn ở và làm việc ngay trong trụ sở số 1 Tôn Thất Đàm, xem phim chung với cơ quan Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Tháng 10/1956, sau khi học lớp tiếng Anh cấp tốc, tôi được cử làm phiên dịch và công tác báo chí tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, tôi tích cực phấn đấu học tập và được tín nhiệm nên liên tiếp hơn 6 năm rưỡi trưởng thành tại địa bàn đầu cầu đối ngoại này.
Đầu năm 1957, Hồ Chủ tịch đến thăm trụ sở Sứ quán mới. Tôi theo Bác đi thăm các phòng và tự hào khoe: “Ta với Bạn đổi nhà cho nhau mà không phải trả tiền”. Bác tủm tỉm cười hỏi lại: “Nhưng ai lợi hơn?”. Đó là bài học cho tôi là ngoại giao trước hết phải phục vụ lợi ích đất nước.
Khi về nước công tác tại Phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao, tôi được dự các buổi Bác tiếp khách. Các vị khách đều mến phục Bác Hồ. Một phó đoàn nước ngoài (sĩ quan tình báo) còn kể là được Bác nhận ra do đã phục vụ chuyến Bác thăm nước bạn.
Những năm 1968-1973, tôi phục vụ Hội nghị Paris, được chứng kiến tình cảm của Việt kiều và bạn bè quốc tế đối với Bác Hồ. Khi Bác mất, tôi được cử đến Phái đoàn Mỹ và Sài Gòn đề nghị hoãn phiên họp trong tuần đó. Tôi nhận thấy thái độ trọng thị của họ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Năm 1959, sau buổi cùng Bác Hồ tiếp lãnh đạo các Đảng Khối Liên hiệp Anh, Đại tướng về thăm Sứ quán ta tại Bắc Kinh, trên xe Đại tướng đột nhiên hỏi tôi: “Chân lý tiếng Anh là gì?”. Tôi phản xạ tự nhiên trả lời: “Truth” ạ. Đại tướng có vẻ suy nghĩ.
Sau đó, tôi nghĩ có lẽ phải thêm “Truth and raison d’être” như có lần tôi thấy trên báo. Có lẽ, Đại tướng suy nghĩ về Chân lý, về Lẽ phải hơn là Sự thật.
Khi quan hệ Xô-Trung căng thẳng, tại Hà Nội, cán bộ Liên Xô đến Sứ quán Trung Quốc thì bị bao vây, ngồi trong xe không về được. Đại tướng đi qua thấy tình hình đã đến thẳng Bộ Ngoại giao đề nghị giải quyết vụ việc. Bộ Ngoại giao đã can thiệp giải cứu ngay và đưa cán bộ Liên Xô về lại Đại sứ quán của họ.
Tôi cũng đã chứng kiến quan hệ thân thiết giữa Bác Hồ và Đại tướng. Trên bàn tiệc chiêu đãi đoàn nước ngoài, Bác thân mật nói với Đại tướng: “Hôm qua, trên xe tôi thấy chú và cô Hà đi Hồ Tây”. Khách quốc tế càng ngạc nhiên khi thấy Bác Hồ biết Đại tướng kiêng uống rượu nên đã uống hộ Đại tướng cốc sâm banh.
Các ông Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp và Vương Thừa Vũ trong buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lời đề tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội, 28/4/1964. (Ảnh tư liệu) |
Tổng Bí thư Lê Duẩn
Cuối năm 1969, Hội nghị Paris không có nhiều tiến triển, tôi được về nước và đầu năm 1971 đi phục vụ đoàn Tổng Bí thư Lê Duẩn dự Đại hội Đảng Liên Xô. Khi đó, mâu thuẫn Liên xô và Trung Quốc rất gay gắt.
Những năm trước đó, Bác Hồ đã cố gắng rất nhiều để hàn gắn đoàn kết Xô-Trung và để ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Trên đường đi qua Bắc Kinh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã củng cố được lập trường Trung Quốc ủng hộ các nước Đông Dương chống Mỹ và tại Đại hội Đảng Liên Xô, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người duy nhất chủ trương đoàn kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đoàn Việt Nam muốn theo dõi tình huống diễn ra tại Đại hội.
Tôi với vốn tiếng Nga “cọc cạch” theo dõi kênh dịch tiếng Nga và yên tâm thấy có dịch phần lập trường Việt Nam chủ trương đoàn kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hôm sau vì bị cảm lạnh, bác sĩ yêu cầu Tổng Bí thư Lê Duẩn điều trị tại nhà khách. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh tiếp tục dự Đại hội.
Tôi thấy Bác Hồ và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã hết lòng củng cố đoàn kết Xô-Trung trong đó có lợi ích ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Phía Mỹ cũng tăng cường lôi kéo Trung Quốc, Liên Xô. Thủ tướng Chu Ân Lai đã tự hào nói với ông Henry Kissinger ở Bắc Kinh là bản thân đã đến thắp hương tại đền Hai Bà Trưng ở Hà Nội.
Tôi chỉ biết sự kiện này khi đại biểu Trung Quốc tại Liên hợp quốc nêu ra để thanh minh cho lập trường Trung Quốc đối với Việt Nam. Riêng tôi, vì vậy, càng tự hào về đất nước mình.
Bộ trưởng Hoàng Minh Giám
Tin liên quan |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cha tôi |
Bộ trưởng Hoàng Minh Giám tham gia cuộc đàm phán với Pháp ở Hà Nội và làm Bộ trưởng Ngoại giao tại chiến khu Việt Bắc.
Khi ông làm Chủ nhiệm Ban Đối ngoại Quốc hội dự các hội nghị Liên minh Nghị viện Thế giới, có vấn đề Campuchia và di tản như ở Liên hợp quốc nên Bộ Ngoại giao cử tôi làm cố vấn cho đoàn Việt Nam.
Bộ trưởng Hoàng Minh Giám nổi tiếng với tiếng Pháp điêu luyện và tác phong điềm đạm. Chỉ cần tôi ngồi cạnh ghi vài gợi ý bằng tiếng Việt là có thể bác bỏ mọi công kích của các đoàn đối lập.
Lập trường của đoàn Việt Nam được nhiều nước tán đồng. Trong một cuộc họp về sử dụng vũ khí hóa học, với kinh nghiệm đã làm ở Liên hợp quốc tôi đưa bổ sung: “Nước sử dụng vũ khí hóa học phải bồi thường cho các nạn nhân”.
Đại biểu Philippines ủng hộ và nhiều nước thông qua. Đoàn Việt Nam được hội nghị nể trọng. Đối với tôi, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám vừa tài năng đức độ vừa hiền hòa như một người cha, rất vinh dự được giúp việc ông.
Bộ trưởng Ung Văn Khiêm
Sau khi tập kết ra Bắc, ông Ung Văn Khiêm và nhiều cán bộ miền Nam đã về bổ sung cho Bộ Ngoại giao. Với tác phong cởi mở, hòa đồng, sáng nào ông cũng chạy từ nhà riêng ở phố Khúc Hạo sang cổng Bộ Ngoại giao tập thể dục chung với chúng tôi.
Ông “chê” chúng tôi tập như “trả nợ quỷ thần”. Một ngày chủ nhật, ông rủ chúng tôi cùng một số cán bộ miền Nam đạp xe lên Chèm, chuyến đi đơn giản nhưng làm chúng tôi cảm thấy gần gũi với nhau.
Năm 1959, ông cùng đi với Bác Hồ dự Quốc khánh Trung Quốc, ông được Đại sứ Indonesia mời ăn trưa tại Sứ quán. Lúc đó, dưới thời Tổng thống Soekarno, Indonesia quan hệ rất tốt với Việt Nam và Trung Quốc.
Với tác phong cởi mở, ông được thiện cảm của mọi người tại bàn tiệc. Biết Đại sứ Indonesia biết tiếng Pháp, ông đề nghị sau đó gặp riêng Đại sứ vài phút.
Bộ trưởng Xuân Thủy
Tin liên quan |
Nụ cười…Xuân Thủy! |
Là lãnh đạo Mặt trận có tâm hồn nhà thơ nhưng rất chặt chẽ trong văn bản và phát ngôn chính thức, Bộ trưởng Xuân Thủy mang tới Bộ Ngoại giao một không khí hòa đồng, vui vẻ.
Tôi được làm việc dưới quyền ông tại Hội nghị Paris và rất thích được dịch cho ông trong các buổi tiếp khách và trong các bài phát biểu. Ông rất thành công trong suốt 5 năm đàm phán tại Paris. Tôi là người liên lạc với các đoàn tại Hội nghị nên ông nói với tôi: “Cậu nên tăng cường tiếp xúc với họ (Đoàn Mỹ và Sài Gòn)”.
Ông biết tôi vất vả phải làm biên bản các cuộc họp công khai và nhất là các cuộc gặp riêng căng thẳng suốt đêm để sáng hôm sau lãnh đạo xem và đàm phán tiếp.
Có lần Cố vấn Lê Đức Thọ phải về nước báo cáo ngay và tôi phải lên máy bay làm tiếp biên bản nhưng vì kiệt sức tôi xin ở lại để làm xong báo cáo điện về.
Tôi tiếc không được về thăm vợ con. Bộ trưởng Xuân Thủy an ủi: “Tiếc thì việc đã rồi”. Lần sau tôi được về thăm vợ con ở nơi sơ tán, khi sang, ông hỏi thăm và khen con trai tôi là “thần đồng”.
Ông đã để lại hình ảnh tốt đẹp cho kiều bào, bạn bè tại Paris và thành viên các đoàn đàm phán.
Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh
Là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Ngoai giao thời kỳ Mỹ leo thang chiến tranh ở miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc và tăng sức ép trong đàm phán, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh kiên định trong quan hệ đối ngoại và đàm phán với Mỹ.
Cố vấn Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger thỏa thuận và ký tắt văn bản cuối cùng của Hiệp định Paris. Sau đó, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh và Ngoại trưởng Mỹ William Rogers đến Paris để ký Hiệp định chính thức và Định ước quốc tế cùng với Ngoại trưởng các nước khác.
Khi đó, tôi được phân công liên lạc với đoàn Mỹ về thủ tục ký kết và theo sát Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh tại Hội trường.
Ngay ngày đầu tiên gặp Ngoại trưởng Mỹ William Rogers đi cùng Đại sứ William Sullivan tại hành lang, Ngoại trưởng Rogers nói ngay: “Ông Sullivan nói thích ông Nguyễn Cơ Thạch vì ông ấy rất rắn (tough)”.
Sau trao đổi vắn tắt như vậy, hai bên tin cậy nhau và thỏa thuận hoàn toàn mọi nội dung và thủ tục ký kết Hiệp định 4 bên và sau đó ký Định ước quốc tế 12 nước (thêm Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và 4 nước trong Ủy ban Quốc tế: Ba Lan, Hungary, Canada và Indonesia).
Năm 1977, Mỹ không còn chống Việt Nam tham gia Liên hợp quốc, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh làm trưởng đoàn dự lễ kết nạp và tham gia khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Tại Hội nghị Paris, khi ông Lê Đức Thọ trở lại đàm phán, Bộ trưởng Phan Hiền nói với chúng tôi: “chuyến này Pele cùng sang” - ý nói ông Nguyễn Cơ Thạch sang sẽ góp phần ghi bàn thắng.
Khi biết được kết quả của ông Thạch đàm phán ở Bangkok (Thái Lan) với các nước ASEAN để phá bao vây cấm vận, Bộ trưởng Võ Đông Giang nhận xét: “ông Thạch đã đạt tới tuyệt đỉnh về nghệ thuật ngoại giao”.
Bản thân tôi cũng chứng kiến trong hành lang trụ sở Liên hợp quốc, ngoại trưởng các nước dồn lại trao đổi với nhau. Ngoại trưởng Australia Bill Hayden quan sát và nói với tôi: “brinkmanship”, ý nói ông Thạch dồn đối phương đến bên bờ vực để phải thỏa hiệp.
Về kỷ niệm cá nhân, cuối tháng 11/1954, sau khi phục vụ công tác tiếp quản Hà Nội, tôi được phân công về Văn phòng Bộ Ngoại giao, khi đó ông Nguyễn Cơ Thạch là Chánh Văn phòng Bộ, thấy tôi bé nhỏ và rụt rè đã ôm đón nhận tôi.
Theo truyền thống gia đình, tôi đã nỗ lực học tập hoàn thành nhiệm vụ tại các địa bàn đầy thử thách: 6 năm rưỡi tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh; đặc biệt với sự kèm cặp của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tôi hoàn thành nhiệm vụ trong suốt 5 năm tại Hội nghị Paris, 18 năm về Liên hợp quốc tại Geneva và New York.
* Tác giả là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu
Xem thêm các bài viết của Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam tại đây.
| Cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Cơ Thạch qua những bức ảnh Cuốn sách ảnh 'Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch' khắc họa sinh động cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng ... |
| Những bài học vô giá về nghiệp vụ ngoại giao theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh Sáng ngày 19/5, nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ... |