Bằng kết quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đã có vị trí quan trọng trong quan hệ, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, phản ánh chân thực chính sách quốc phòng hòa bình của Việt Nam, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các lợi ích chính đáng của Việt Nam, qua đó có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
Bên cạnh đó, cũng chính từ việc thúc đẩy ĐNQP sâu rộng, chúng ta đã tranh thủ được nhiều hơn các nguồn lực từ bên ngoài để từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội và sức mạnh quốc phòng của đất nước. Đặc biệt, ĐNQP Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đó là những thành tựu hết sức quan trọng, khẳng định bước trưởng thành mới của Quân đội ta trên mặt trận đối ngoại.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Phiên Toàn thể thứ 3 của Đối thoại Shangri-La năm 2017. (Nguồn: Quân Đội Nhân Dân) |
Những thành tựu nói trên đã và đang tạo cơ sở mới, khả năng mới cho công tác ĐNQP trong những năm tới. Đó là tiền đề rất quan trọng để Quân đội ta tiếp tục triển khai toàn diện công tác đối ngoại trên cả bình diện song phương và đa phương. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều các yếu tố có thể dẫn đến xung đột, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định chung của khu vực, cũng như môi trường an ninh, phát triển của mỗi nước.
Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế, công tác ĐNQP những năm tới cần tập trung vào các vấn đề sau:
• Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, quân sự được xác định tại Đại hội lần thứ XII vào thực tiễn, bảo đảm định hướng và triển khai mọi hoạt động ĐNQP, hội nhập quốc tế về quốc phòng đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Tất cả các mặt quan hệ, hợp tác về quốc phòng đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành thống nhất của Chính phủ; trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
• Luôn giữ vững độc lập, tự chủ trong hợp tác quốc phòng. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc (độc lập, tự chủ; tính tự quyết; chủ quyền lãnh thổ; chế độ XHCN; vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng; lợi ích chính đáng của nhân dân…), nhưng kiên trì, tỉnh táo, linh hoạt trong quan hệ, hợp tác quốc phòng với từng đối tác, từng thời điểm cụ thể.
• Nhận thức đúng đắn ĐNQP, hội nhập quốc tế về quốc phòng là phương thức bảo vệ Tổ quốc từ xa, bằng biện pháp hòa bình. Chủ động hợp tác, lấy hợp tác làm chính để thúc đẩy xây dựng lòng tin, tạo sự đan xen, gắn kết, ràng buộc và cân bằng lợi ích với các nước và các tổ chức quốc tế, làm cơ sở đẩy lùi các nguy cơ xung đột, qua đó duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
• Xác định rõ đối tác quan hệ, hợp tác quốc phòng, đưa các mối quan hệ, hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, trong đó tiếp tục ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống và các tổ chức quốc tế, khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tập trung vào những mặt, lĩnh vực hợp tác mà ta có nhu cầu, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng của ta và đối tác. Đặc biệt, hội nhập quốc tế và ĐNQP phải đề cao yếu tố chính trị, quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc.
• Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, cấu trúc an ninh, diễn đàn khu vực vì mục tiêu ổn định, hòa bình trong khu vực, liên khu vực và toàn cầu, cả xây dựng luật lệ, nguyên tắc và đề xuất sáng kiến tổ chức các hoạt động trên thực địa. Đặc biệt, chủ động xây dựng ý tưởng, đề án, kế hoạch tổ chức các hội nghị quốc phòng, quân sự trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN (2020), qua đó một lần nữa khẳng định năng lực, tiếng nói, vị thế của Việt Nam trong việc hiện thực hóa các cơ chế hợp tác quốc phòng và các cấu trúc an ninh khu vực đã định hình.
• Bám sát động thái quốc tế, tình hình khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, qua đó tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ban ngành; giữa các cơ quan, đơn vị trong Quân đội để đảm bảo thống nhất trong đánh giá và xác định chủ trương, phương hướng quan hệ, hợp tác quốc phòng, đặc biệt là trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nước về những vấn đề hệ trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh của đất nước.
• Nâng cao khả năng dự báo chiến lược; năng lực tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng, bảo đảm từ khâu lãnh đạo, định hướng, chỉ đạo thực hiện đến phát ngôn, tuyên truyền đối ngoại… thành một trục xuyên suốt, thống nhất và chặt chẽ theo đúng mục tiêu, quan điểm đối ngoại của Đảng.
Trung tướng Vũ Chiến Thắng
Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng