📞

Đối thoại Shangri-La: Những màn đấu khẩu cực gắt hướng vào Trung Quốc, Tổng thống Ukraine khẳng định không bao giờ làm một việc!

Vy Anh 15:03 | 12/06/2022
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine đã làm nóng Đối thoại Shangri-La năm nay. Mỹ và các đồng mình chỉ trích trực diện Trung Quốc trên nhiều vấn đề, Tổng thống Ukraine nhân dịp này nhấn mạnh những thông điệp quan trọng nhằm có được sự ủng hộ càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 ngày 11/6. (Nguồn: The Straits Times)

Hơn 30 quan chức quốc phòng cấp cao từ Mỹ, châu Á và châu Âu tập trung tại Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh lớn nhất khu vực - Đối thoại Shangri-La, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng giữa Washington-Bắc Kinh đang phủ bóng.

Các chuyên gia cho rằng sự quan tâm chú ý tới sự kiện lần này sẽ đặc biệt ở mức cao, vì nó diễn ra sau nỗ lực lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tiếp cận châu Á.

Vừa qua, tại Tokyo, Tổng thống Biden đã tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ, với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, và công bố sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm nêu bật cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Mỹ và các đồng minh đã "đấu khẩu" với Trung Quốc. Cuộc xung đột ở Ukraine với bài phát biểu từ xa của Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng trở thành chủ đề thu hút sự chú ý.

Trung Quốc nhận 'cơn mưa' chỉ trích

Đúng như dự đoán, Washington và Bắc Kinh đã tranh luận gay gắt tại Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/6 đã lên án đích danh Trung Quốc về một loạt hành vi ngày càng hung hăng trong khu vực, trong đó có Biển Đông.

Trong bài tham luận, sau khi nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh bên cạnh các đồng minh của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin khẳng định: “Điều này đặc biệt quan trọng vào lúc Trung Quốc áp dụng một cách tiếp cận ngày càng mang tính cưỡng chế và quyết đoán liên quan vấn đề yêu sách lãnh thổ của họ”.

Về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), ông Austin cho biết Mỹ “kiên quyết phản đối bất kỳ ý muốn đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng”.

Bên cạnh đó, ông Austin cũng nhấn mạnh đến đà gia tăng “đáng báo động” các vụ đối đầu không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của máy bay và tàu thuyền của Trung Quốc với các nước khác.

Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La đã bác bỏ lời tố cáo của phía Mỹ.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vạch ra chiến lược về vai trò của Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông gọi chiến lược này là "Tầm nhìn Kishida về hòa bình", với hai mục tiêu tăng cường sức mạnh ngoại giao lẫn an ninh cho đất nước.

Những nội dung ám chỉ Trung Quốc gây lo ngại an ninh trong khu vực vẫn giữ vị trí nổi bật trong bài phát biểu của ông Kishida, trong đó có vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Thủ tướng Nhật Bản mô tả khu vực biển Hoa Đông vẫn xuất hiện "các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và vi phạm luật pháp quốc tế". Ông đồng thời bày tỏ lo ngại tình trạng luật lệ quốc tế không được tôn trọng ở Biển Đông, vùng biển giữ vai trò then chốt trong an ninh năng lượng và lợi ích hàng hải của Nhật Bản.

"Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà mọi bên liên quan đã thống nhất sau nhiều năm đối thoại và cùng nỗ lực, cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, đều không được tuân thủ", Thủ tướng Kishida nói, dù không nhắc đến Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng nhấn mạnh tại Đối thoại rằng hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga đã làm gia tăng những lo ngại về an ninh trong khu vực.

Ông Nobuo Kishi cho rằng: “Các hoạt động quân sự chung giữa hai cường quốc quân sự hùng mạnh này chắc chắn sẽ làm gia tăng lo ngại của các nước khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc.

Ông Anand nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Việc Trung Quốc ngăn cản máy bay của chúng tôi là rất đáng lo ngại và không chuyên nghiệp và chúng tôi cần bảo đảm rằng sự an toàn và an ninh của các phi công của chúng tôi không gặp rủi ro, đặc biệt là khi họ chỉ đơn giản là giám sát theo quy định của các phái bộ do Liên hợp quốc chuẩn thuận”.

Nối tiếp những lập luận hướng tới Trung Quốc, New Zealand bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng tại các đảo ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cũng bày tỏ quan ngại về các khoản đầu tư mà Trung Quốc đang đổ vào lĩnh vực quân sự.

Tổng thống Volodymyr Zelensky được mời phát biểu qua video tại Đối thoại Shangri-La lần này. (Nguồn: Washington Post)

"Bài toán" Ukraine

Ukraine cũng là một đề tài được quan tâm thảo luận. Washington chỉ trích Bắc Kinh gián tiếp hỗ trợ Moscow trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt do thực hiện chiến dịch quân sự vào Ukraine.

Trung Quốc kêu gọi đàm phán chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, nhưng tránh chỉ trích Moscow, đồng thời không hài lòng với việc Mỹ viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev.

Một sự kiện khác trong ngày là Tổng thống Volodymyr Zelensky được mời phát biểu qua video tại Đối thoại Shangri-La lần này.

Phát biểu qua đường truyền video từ một địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô Kiev của Ukraine, Tổng thống Zelensky nói với các đại biểu rằng sự ủng hộ từ quốc gia của họ là rất quan trọng để duy trì trật tự dựa trên luật lệ.

Ông nói: “Các luật lệ của thế giới trong tương lai đang được quyết định trên chính chiến trường Ukraine...”. Tổng thống Ukraine lưu ý rằng Nga đang phong tỏa các cảng ở Biển Đen và Biển Azov, không cho thực phẩm xuất khẩu của Ukraine tiếp cận thị trường thế giới.

“Nếu do sự phong tỏa của Nga mà chúng tôi không thể xuất khẩu lương thực của mình, thế giới sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng và nạn đói ở nhiều nước châu Á và châu Phi”, ông Zenlensky nhấn mạnh.

Phát biểu trước 575 đại biểu đến từ 40 quốc gia, Tổng thống Zelensky nói quân đội của ông không có tham vọng tiến vào lãnh thổ Nga.

Ông nói: “Xin hãy nhớ rằng xung đột đang được tiến hành trên lãnh thổ của chúng tôi. Người dân Ukraine đang chết dần. Chúng tôi không muốn tới đất Nga”. Đại sứ Ukraine tại Singapore, Kateryna Zelenko, khẩn khoản kêu gọi viện trợ bổ sung. Bà nói: “Chúng tôi hiểu sẽ mất thời gian, nhưng thời gian là thứ mà chúng tôi không có”.

Subhranshu Sekhar Das, thành viên hội đồng quản trị tại công ty tư vấn Frost và Sullivan của Mỹ, chia sẻ với Nikkei rằng các cuộc thảo luận về căng thẳng ở châu Á, dù là về Đài Loan (Trung Quốc) hay Biển Đông, đều có thể cân nhắc xung đột Nga-Ukraine.

(theo Nikkei, AP, Japan Times)