Bán lẻ nói chung và bán lẻ hàng hóa nói riêng là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Những hiện tượng trên cho thấy, đây thực sự là một ngành dịch vụ nhiều tiềm năng phát triển, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế.
Những khó khăn có thật
Vẫn biết rằng đây là một ngành hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhưng với góc nhìn thực tiễn về lĩnh vực mà mình theo đuổi và gắn bó khá lâu, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã thẳng thắn nói về những khó khăn thực tế của ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập.
Chuỗi cửa hàng bán lẻ thương hiệu Miniso mới thâm nhập thị trường Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận. (Nguồn: dautuonline) |
Bà cho biết, thứ nhất là bất cập trong lưu thông hàng hóa từ nhà sản xuất nội địa đến nhà bán lẻ, chỉ có 51% đánh giá việc mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nội địa là thuận lợi và cũng chỉ 23% đánh giá việc mua hàng nội địa gián tiếp qua trung gian là thuận lợi.
Thứ hai là thiếu lao động có năng lực. Hiện tại có tới 40% đang gặp khó khăn lớn về năng lực của người lao động, 34% gặp khó khăn trong quản lý người lao động.
Thứ ba, khó khăn về mặt bằng kinh doanh, có 36% đánh giá các chính sách về quản lý thị trường, thuế là cản trở đối với mặt bằng kinh doanh (bằng với tỷ lệ đánh giá phí thuê mặt bằng cao); 31% gặp khó khăn với cơ quan chính quyền địa phương.
Thứ tư là khó khăn về vốn, có tới 53% gặp khó do không có gói vay phù hợp với đặc điểm của ngành bán lẻ, 40% gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.
Nhìn nhận ngành bán lẻ Việt Nam trước sự xâm nhập của các tập đoàn bán lẻ ngoại, bà Loan thừa nhận doanh nghiệp (DN) FDI có năng lực cạnh tranh tốt hơn ở tất cả các khía cạnh, từ nguồn cung, nguồn lực, thiết kế cửa hàng, marketing, chất lượng phục vụ đến hậu mãi. Họ cũng làm rất tốt việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao của các DN nội. “DN FDI chỉ yếu mỗi một điểm, đó là chưa hiểu hết tâm lý khách hàng Việt”, bà Loan nói.
Quả thật, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt với việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) – hai Hiệp định có cam kết mạnh trong mở cửa thị trường bán lẻ cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa, ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn.
Một nghiên cứu về mức độ rủi ro của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thực hiện đã cho thấy, cạnh tranh khiến các nhà bán lẻ Việt Nam bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình…
Và những hệ quả đầu tiên đã được nhận diện, với một số lượng đáng kể các DN bán lẻ rời khỏi thị trường cũng như những khó khăn của các nhà sản xuất nội trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ nước ngoài.
Thêm nữa, thực tế là phần lớn các nhà bán lẻ, đặc biệt là hàng triệu cơ sở kinh doanh cá thể, bắt tay vào kinh doanh theo kinh nghiệm từ gia đình, bạn bè và bản thân, hầu như không có kiến thức chuyên môn nào về hoạt động kinh doanh này.
Đối với các DN bán lẻ lớn hơn, các vị trí quản lý thường được nắm giữ bởi các cán bộ có trình độ được đào tạo cơ bản như đại học hoặc sau đại học, nhưng phần lớn vẫn là kiến thức quản trị, kinh doanh nói chung, hiếm khi nào có chuyên môn sâu về quản trị bán lẻ.
Với lực lượng lao động trực tiếp trong ngành bán lẻ ở các vị trí như bán hàng, thanh toán, trưng bày, kho, logistics… tình trạng không được đào tạo còn phổ biến hơn nữa.
“Lỗ hổng” cho DN FDI
Để vượt qua thực trạng này, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), một mặt các nhà bán lẻ Việt Nam cần có hành động cụ thể để cải thiện cơ bản năng lực cạnh tranh của mình. Mặt khác, cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía Nhà nước nhằm giúp ngành này khắc phục những tồn tại mang tính hệ thống mà từng DN không thể giải quyết được hoặc khó có thể giải quyết hiệu quả.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cảm thấy hơi “giật mình” khi thấy con số 1.750 dự án FDI tại Việt Nam là làm trong lĩnh vực phân phối. Tham gia WTO không nhất thiết phải cam kết mở cửa thị trường ngay, đưa tiêu chí xem xét nhu cầu kinh tế, để sau khi mở cái đầu tiên, từ cái thứ 2 trở đi, xét thấy họ thật sự có nhu cầu thì mới cho phép mở tiếp.
Nhưng khi cần có những hệ thống siêu thị lớn thì thị trường Việt Nam lại “buông” hoàn toàn hệ thống nhỏ, cửa hàng nhỏ lẻ, tiện ích. Bộ Thương mại trước đây cũng như Bộ Công Thương hiện nay chỉ duy trì một chế độ bằng “định nghĩa” không gian phải quá 50m2 mới được mở cửa hàng, nhỏ hơn không được mở. Đây chính là “lỗ hổng” chết người, vì nhiều DN nước ngoài đã vào mở những chuỗi cửa hàng tiện ích lớn với 350-400 cửa hàng nhỏ lẻ khắp nơi trên cả nước.
“Siêu thị lớn cạnh tranh với nhà phân phối lớn của Việt Nam, cửa hàng tiện ích cạnh tranh với chợ truyền thống, hệ thống phân phối nhỏ. Sự tấn công dồn dập, mạnh mẽ, toàn diện, không chừa một chỗ nào của các DN FDI là cú đánh đau đối với ngành bán lẻ Việt Nam”, bà Lan nuối tiếc.
Không chỉ có vậy, hiện nay thị trường Việt Nam gần như không kiểm soát nổi luồng hàng buôn lậu từ các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia…Điều đó gây khốn khổ cho cả người sản xuất lẫn hệ thống tiêu thụ trong nước, làm rối ren, mất niềm tin ở người tiêu dùng, nghi ngờ chợ truyền thống… Chính vì thế, người tiêu dùng dần quay sang cửa hàng có uy tín.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên lắm khi thị trường bán lẻ của Việt Nam dù có đầy tiềm năng nhưng đã và đang bị đẩy vào tay các DN nước ngoài một cách rất “tự nhiên”.