Đồng chí Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger trong buổi ký tắt Hiệp định Paris năm 1973. |
Đồng chí Lê Đức Thọ với công tác ngoại giao
Phạm Bình Minh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ - tên thật là Phan Đình Khải (10/10/1911 - 10/10/2011), thế hệ ngoại giao hôm nay thành kính tưởng nhớ và biết ơn một nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng “có tài năng về nhiều mặt”, “một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí chúng ta những tình cảm quí mến”.
Trong cuộc hòa đàm lịch sử kéo dài 5 năm ở Pa-ri (1968-1973), đồng chí Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà ngoại giao chiến lược thời đại Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị cho việc mở mặt trận ngoại giao, vừa đánh vừa đàm theo tinh thần của Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa III) tháng 1-1967, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 22/4/1968, khi bàn về việc đàm phán với Mỹ, Bác Hồ đã nói: “Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ, lấy anh Sáu tham gia Đoàn, có thể làm cố vấn”. Sau khi đã trao đổi thống nhất với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác Hồ đã trực tiếp viết thư gửi Bộ Chính trị yêu cầu đồng chí Lê Đức Thọ bàn giao cho đồng chí Phạm Hùng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, những công việc mà đồng chí được Bộ Chính trị phân công về cách mạng miền Nam để nhận nhiệm vụ mới.
Là “một người năng nổ, xông xáo, kiên nghị, thường được cử đi những nơi quyết định vào những lúc quyết định”, nên khi được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách đàm phán trực tiếp với Mỹ, đồng chí xác định đó là một nhiệm vụ cách mạng và ý thức sâu sắc được những thuận lợi và khó khăn cần phải khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này. Trước khi sang Pa-ri, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Bác Hồ gọi vào nơi làm việc ở Phủ Chủ tịch nói chuyện và dặn dò, chụp ảnh kỷ niệm. Trong suốt quá trình chỉ đạo và thực hiện trực tiếp đàm phán với đại diện của Mỹ ở Pa-ri, đồng chí đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng triệt để tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Từ đây có thể rút ra một số bài học quí báu cho thế hệ ngoại giao Việt Nam hôm nay và mai sau:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác ngoại giao nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia.
Hai là, nâng tầm tư duy chiến lược và tập trung trí tuệ tập thể vào công tác nghiên cứu chiến lược để xây dựng các luận cứ khoa học cho các sáng kiến, kiến nghị và giải pháp trong quá trình đàm phán.
Ba là, khôn khéo giữ vững độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế.
Bốn là, quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong xác định mục tiêu cụ thể, biện pháp và hình thức đấu tranh ngoại giao.
Năm là, kết hợp uyển chuyển giữa đàm với đánh trong bối cảnh ngoại giao đã trở thành một mặt trận nhằm tạo dựng và nắm bắt thời cơ để có thể xoay chuyển cục diện đánh-đàm sao cho có lợi nhất cho ta trong quá trình thực hiện phương châm giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ kinh nghiệm xương máu của Hiệp định Giơ-ne-vơ và từ chiến trường Nam Bộ trực tiếp đánh Mỹ - tới thẳng Pa-ri để “nói chuyện” với Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ thấu hiểu sâu sắc vai trò riêng và mối quan hệ giữa “đánh” và “đàm” trong bối cảnh mới. Kết quả đàm phán không phải do tài “uốn ba tấc lưỡi”, mà trước hết tuỳ thuộc vào thực tế và chiều hướng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn”. Đồng thời, ngoại giao cũng có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết 13 (khoá III) khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.
Ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, các nước lớn trực tiếp đàm phán với nhau, vai trò của ta cũng bị hạn chế. Trong đàm phán Pa-ri, ta trực tiếp đối thoại với Mỹ trong cục diện đánh-đàm kéo dài, nên có thể khai thác tối đa mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ (đặc biệt khi bầu cử Tổng thống ở Mỹ cuối năm 1968 và cuối năm 1972) và mâu thuẫn giữa Mỹ với chính quyền Sài Gòn để tấn công đối phương. Cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè 1972 ở chiến trường miền Nam đã hỗ trợ cho đợt tấn công ngoại giao tháng Mười 1972 và thắng lợi oanh liệt của trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 đã buộc Mỹ không còn lựa chọn nào khác hơn là phải kí kết Hiệp định.
Khác với Hội nghị Giơ-ne-vơ, khi ta chỉ là một thành phần tham gia với tiếng nói hạn chế, lần này ta đã chủ động mở cả một mặt trận ngoại giao có các “binh chủng” khác nhau, kết hợp với đàm phán với chiến trường và quốc tế, kết hợp giữa đàm phán ở Pa-ri với trong nước cùng chung sức hiệp đồng tác chiến. Ở trong nước đã quán triệt được quan điểm của Bộ Chính trị và thông qua thảo luận tập thể, có sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, nên đã hình thành kịp thời văn bản “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và một số Nghị định thư cần thiết trình Bộ chính trị thảo luận và thông qua. Còn tại Pa-ri, ta đã phối hợp nhịp nhàng giữa hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, “hai mà một” và “một mà hai”. Những sáng kiến về giải pháp quan trọng nhất đưa ra trước diễn đàn công khai ở Pa-ri đều được dành cho đoàn miền Nam để khẳng định địa vị pháp lý quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời và tranh thủ rộng rãi dư luận và sự ủng hộ quốc tế.
Cố vấn Lê Đức Thọ đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa đàm phán với đấu tranh dư luận phục vụ cả đàm phán và chiến trường. Đồng chí đã trực tiếp tác động vào nội bộ Mỹ, tranh thủ dư luận Mỹ ngay trong các phiên họp. Đồng thời, Đồng chí chỉ đạo tập hợp lực lượng báo chí làm công tác tuyên truyền tranh thủ tất cả các diễn đàn để vừa đề cao chính nghĩa và thiện chí hòa bình của ta, vừa tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy, phê phán các thủ đoạn nhằm hạn chế cuộc chiến đấu của ta như đòi hai bên cùng xuống thang, cùng rút quân, khôi phục khu phi quân sự v.v nhằm tranh thủ tối đa sự đồng tình và ủng hộ của dư luận thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đồng chí luôn khuyến khích cán bộ phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân trong công tác: “Các cậu cứ mạnh dạn mà phát biểu không phải việc gì cũng xin ý kiến, như vậy còn gì là tư thế người phát ngôn”.
Không chỉ khi được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công phụ trách mặt trận ngoại giao, đặc trách đàm phán với Mỹ tại Paris, đồng chí Lê Đức Thọ mới làm công tác ngoại giao. Trước đó, đồng chí đã thực hiện một số nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của Đảng, trong đó có nhiệm vụ dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng ta thăm Pháp năm 1965 theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Từ khi tập kết ra miền Bắc năm 1955, cùng với một số đồng chí khác trong Bộ chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ đã tham gia trực tiếp vào công tác hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Sau Đại hội Đảng VI, với vai trò Cố vấn BCHTW, đồng chí vẫn tiếp tục đóng góp vào xây dựng chủ trương, nghị quyết của Đảng về đối ngoại nhằm phá bao vây cấm vận, giải quyết vấn đề Căm-pu-chia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Riêng đối với Mỹ, trong trả lời phóng viên UPI Sylvana Foa (Xi-va-na Phoa) ngày 15/3/1985 nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam, đồng chí đã bày tỏ: “Chúng tôi bây giờ cũng muốn có quan hệ bình thường với Mỹ. Tôi cho rằng bây giờ đã đến lúc hai nước nên gặp nhau… Không có lý do gì lại không thể gặp nhau vì chiến tranh đã kết thúc hơn chục năm nay. Điều đó chỉ có lợi cho cả hai nước, cho cả hoà bình trong khu vực. Cả hai nước được nhiều cái lợi, cả về kinh tế cũng như chính trị. Không bao giờ chỉ một bên có lợi”. Cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã dự và chỉ đạo nhiều hội nghị ngoại giao từ thập niên 1960 cho đến khi đồng chí lâm bệnh vào cuối thập niên 1980. Trong các hội nghị ngoại giao, đồng chí đề cập đến tất cả các lĩnh vực mà ngành ngoại giao phải thực hiện: từ nắm bắt tình hình thế giới, tình hình trong nước đến nhiệm vụ ngoại giao và công tác Đảng, đoàn thể trong ngành ngoại giao với những chỉ đạo cụ thể có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao hiện nay và trong tương lai.
Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Thọ đã toàn tâm, toàn ý phấn đấu vì hòa bình, ấm no hạnh phúc cho nhân dân, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Ngày nay, trong công cuộc Đổi Mới, tên tuổi của đồng chí, sự nghiệp cao cả và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng, với dân tộc vẫn mãi trường tồn. Lịch sử ngoại giao Việt Nam ghi công đồng chí như một nhà ngoại giao chiến lược tài ba, mưu lược và khôn khéo.