Đông Nam Á trở thành tâm điểm trong những ngày tới với hội nghị cấp cao của ba diễn đàn khu vực và quốc tế tại Campuchia, Indonesia và Thái Lan. (Nguồn: AFP) |
Tháng 11/2022, lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia của hàng loạt nước hội tụ về khu vực Đông Nam Á để tham dự Hội nghị cấp cao của ba diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.
Trước tiên, vào ngày 10-13/11 tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 cùng các hội nghị cấp cao liên quan bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN với các nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Canada, Liên hợp quốc) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17. Đây cũng là lần đầu tiên các nước ASEAN họp cấp cao trực tiếp sau gần ba năm.
Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ hai cũng sẽ quy tụ sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện các tổ chức quốc tế… để trao đổi về các nỗ lực phục hồi kinh tế ở toàn cầu và khu vực. Cũng trong dịp này, ASEAN sẽ thông báo thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ. Lãnh đạo các nước dự kiến thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Sau đó, sự chú ý sẽ chuyển sang Indonesia với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, ngày 15-16/11. Sự kiện này được truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm, với khả năng diễn ra cuộc gặp song phương quan trọng giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc.
Một sự kiện khác được trông đợi là Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 14-19/11 tại Bangkok, Thái Lan. Trong phát biểu mới nhất, Ngoại trưởng nước chủ nhà Don Pradwudwinai cho biết 21 nền kinh tế thành viên đều khẳng định sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC.
Như vậy, với việc trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới trong hai tuần tới, ASEAN đang đứng trước cơ hội khẳng định vị thế, vai trò của khối trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bối cảnh đặc biệt
Ba diễn đàn khu vực và quốc tế trên diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang bước vào những ngày cuối của năm 2022 với vô vàn biến động khó lường.
Đại dịch Covid-19 toàn cầu dần bị đẩy lùi, song tác động nghiêm trọng tới thế giới vẫn còn đó. Xung đột Nga-Ukrainebùng phát hồi cuối tháng Hai vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cạnh tranh nước lớn, nhất là Mỹ-Trung trở nên toàn diện hơn, từ chính trị - kinh tế đã lan sang lĩnh vực công nghệ và văn hóa, với các đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật khuyến khích thúc đẩy sản xuất các thiết bị bán dẫn cho nước Mỹ (CHIPS) nhằm lấy lại vị thế dẫn đầu về công nghệ và kiềm chế khả năng sản xuất bán dẫn của Trung Quốc. Đối đầu Nga-phương Tây trở nên ngày một gay gắt.
Với việc trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới trong hai tuần tới, Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng đang đứng trước cơ hội khẳng định vị thế, vai trò của khối trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. |
Năm 2022 chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất của nhiều nước, với sự xuất hiện của những cái tên mới tại Anh, Australia, Hàn Quốc, Italy, Pakistan, Philippines, cùng sự trở lại của hai gương mặt cũ tại Brazil và Israel.
Đặc biệt, Trung Quốc vừa kết thúc kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX với Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba. “Xứ cờ hoa” bước vào bầu cử giữa kỳ - với tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ tiếp tục giảm, đảng Cộng hòa có thể sẽ giành lại quyền kiểm soát ít nhất một viện trong vài ngày tới.
Tình hình eo biển Đài Loan thêm ‘nóng’ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, trong khi bán đảo Triều Tiên rung chuyển bởi hàng loạt vụ phóng tên lửa trong những ngày vừa qua. Xung đột giữa các nước láng giềng như Armenia - Azerbaijan, Kyrgyzstan - Tajikistan đặt Trung Á trước bài toán khó. Các điểm nóng khác như Biển Đông, Biển Hoa Đông, Myanmar, Yemen… vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đụng độ, đối đầu. Đặc biệt, sự hiện hữu và diễn biến phức tạp của vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng… đang tác động sâu sắc tới toàn thế giới.
Cơ hội lớn
Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng đứng trước một số cơ hội.
Đầu tiên, việc lãnh đạo các nền kinh tế “tụ hội” về Đông Nam Á để tham dự ba diễn đàn đa phương quan trọng do ba nước ASEAN (Campuchia, Indonesia và Thái Lan) làm chủ nhà phản ánh đánh giá của các nước về vị thế của khối tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển nhanh và năng động nhất thế giới.
Đây cũng có thể coi là thành quả dành cho các nỗ lực, vận động ngoại giao của ba nước này trong thời gian qua. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2022, Campuchia có một chương trình nghị sự rõ ràng; tích cực mở rộng, tăng cường quan hệ với các nước có quan hệ hữu nghị, các đối tác phát triển và cộng đồng quốc tế, đặc biệt thông qua tổ chức các cuộc đối thoại có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Trong khi đó, là lãnh đạo nước chủ nhà G20, kể từ tháng Năm, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tiến hành công du nhiều nước thành viên. Đặc biệt, việc ông thăm chính thức cả Kiev và Moscow, gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin và gửi lời mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự G20 phản ánh nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột này. Indonesia cũng dành nhiều nguồn lực chuẩn bị cho G20.
Tương tự, Thái Lan coi APEC 2022 là một trong những ưu tiên cao nhất, bất chấp thách thức về chính trị, kinh tế Bangkok phải đương đầu sau đại dịch. Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố ngày 16-18/11 là ngày nghỉ lễ tại Bangkok, Nonthaburi và Samut Prakan để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC, huy động ít nhất 25.000 cảnh sát bảo vệ an ninh. Ngày 22/10, Văn phòng quan hệ công chúng Thái Lan của Chính phủ nước này đã tổ chức “Triển lãm APEC Thái Lan 2022” tại sân bay Suvarnabhumi như lời nhắn nhủ: “Chúng tôi đã sẵn sàng!”
Thái Lan đang tích cực chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC tới. (Nguồn: Reuters) |
Thứ hai, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh đối đầu gia tăng, các hội nghị cấp cao trên là cơ hội để lãnh đạo các nền kinh tế tham dự gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề khu vực và toàn cầu.
Đơn cử, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Indonesia, giới truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm tới khả năng diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ tháng 1/2021.
Mặc dù “không có ý định” gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin để trao đổi về Ukraine, song ông Joe Biden cho biết vẫn có thể trao đổi với nhà lãnh đạo Nga liên quan tới công dân Mỹ Brittany Griner bị Moscow bắt giữ và xét xử.
Trong khi đó, báo Sankei (Nhật Bản) ngày 4/11 cho biết, Tokyo và Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 hoặc APEC. Lần gần đây nhất lãnh đạo Trung Quốc – Nhật Bản gặp gỡ là năm 2019.
Việc tổ chức thành công những hội nghị cấp cao, nơi lãnh đạo các nền kinh tế gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ quan điểm về các vấn đề nóng tại khu vực và quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay là điều quốc gia nào cũng mong muốn.
Cuối cùng, Đông Nam Á không chỉ là nơi tụ họp của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu. ASEAN, với vai trò trung tâm đã được nhiều nước công nhận, có thể tham gia tích cực hơn vào thúc đẩy các tiến trình sẵn có, đóng góp sáng kiến trong giải quyết vấn đề nóng của khu vực và thế giới, dù là xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…
Tuy nhiên, tất cả nhiệm vụ này đòi hỏi các nước ASEAN tích cực củng cố đoàn kết, duy trì vai trò trung tâm, thiết lập một nghị trình với những ưu tiên, nguyên tắc rõ ràng. Đồng thời, ASEAN cần chủ động tham vấn đối tác để có kế hoạch hành động cụ thể, qua đó hiện thực hóa những cam kết, cùng đóng góp xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh đối đầu gia tăng, các hội nghị cấp cao trên là cơ hội để lãnh đạo các nền kinh tế tham dự gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề khu vực và toàn cầu. |