📞

Đông y: Khoai lang đứng đầu những loại rau chống ung thư và cách ăn tốt nhất

13:04 | 24/04/2023
Khoai lang là quán quân trong "Top 10 loại rau tốt nhất" do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bình chọn. Khoai lang có tỷ lệ ức chế tế bào ung thư cao, giàu protein, tinh bột, có tác dụng nhuận tràng.
Khoai lang có tỷ lệ ức chế tế bào ung thư khi nấu chín cao tới 98,7%. (Nguồn: tienphong.vn)

Khoai lang là thực phẩm trường thọ

Trung tâm Nghiên cứu Ung thư quốc gia Nhật Bản đã đưa ra kết quả khảo sát về chế độ ăn uống của 260.000 người.

Theo đó, tỷ lệ ức chế tế bào ung thư của khoai lang nấu chín cao tới 98,7% và khoai lang sống là 94,4%. Nó đứng đầu bảng trong 20 loại rau chống ung thư.

Khoai lang rất giàu protein, tinh bột, pectin, axit amin, chất xơ, carotene, vitamin A, B, C, E và hơn 10 nguyên tố vi lượng như canxi, kali, sắt, có thể bảo vệ sự toàn vẹn của tế bào biểu mô con người. Nó ngăn chặn quá trình gây ung thư đến từ các kim loại độc hại.

Theo đông y, khoai lang có tác dụng "bổ hư suy kiệt, tăng cường sinh lực, cường tỳ vị, bổ thận âm", làm người "trường thọ ít bệnh tật". Khoai lang chủ yếu dùng để chữa phù thũng do tỳ hư, sưng đau và nhiễm độc, các bệnh đường ruột và táo bón.

Hàm lượng chất béo trong mỗi 100 gr khoai lang tươi chỉ là 0,2 gram, sinh ra 99 kcal nhiệt năng, bằng khoảng 1/3 lượng so với cơm.

Khoai lang chứa nhiều chất xơ, có thể kích thích đường ruột, tăng cường nhu động ruột, nhuận tràng giải độc, đặc biệt đối với người già mắc táo bón.

Cách tốt nhất để ăn khoai lang là gì?

Ăn khoai lang trộn với gạo và bột mì trắng có thể làm tăng giá trị dinh dưỡng của lương thực chính và kéo dài tuổi thọ.

Nguyên nhân là do chất đạm trong khoai lang có tác dụng bổ sung chất đạm trong mì gạo, bổ sung sự thiếu hụt vitamin C trong bột mì, canxi trong gạo và tăng cường carotene. Tuy nhiên, cần chú ý về lượng để tránh bị tăng cân.

Thời điểm ăn khoai lang tốt nhất vào buổi trưa, bởi vì canxi có trong loại củ này cần đến 4-5 tiếng để hấp thụ được.

Sau khi ăn khoai lang vào buổi trưa, ánh nắng buổi chiều vừa có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi. Vì vậy, nó sẽ không ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi từ các thực phẩm khác vào bữa tối.

Các chuyên gia cho rằng tốt nhất không nên ăn khoai lang nướng cả vỏ, vì vỏ khoai lang chứa nhiều alkaloid, ăn nhiều có thể gây khó chịu đường tiêu hóa.

Khoai lang còn chứa một chất có thể tạo ra lượng lớn axit dịch vị trong dạ dày và ruột của con người, gây ra chứng ợ nóng, buồn nôn, nôn ra nước axit sau khi ăn.

Do đó, khoai lang không thích hợp để ăn sống, phải nấu chín ở nhiệt độ cao, để sau khi ăn không có cảm giác khó chịu.

Ngoài ra, bản thân khoai lang chứa nhiều carbohydrate, có độ ngọt nhất định, cũng sẽ làm tăng khả năng trào ngược axit và ợ chua, tốt nhất không nên ăn khi bụng đói. Không ăn vượt quá 300 gr một ngày.

Khoai lang là một loại thực phẩm tính kiềm, có lợi cho sự cân bằng axit-bazơ của cơ thể con người. Nhưng khi mua khoai lang cần chú ý, vỏ khoai lang có đốm đen do nhiễm khuẩn khiến khoai bị cứng và đắng.

Nếu khoai có đốm đen, không nên chọn mua, hoặc khi ăn phải bỏ tất cả các đốm đen vì nó chứa độc tính.

(theo Ngôi sao)