Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng sáng 30/7 về tình hình công tác đối ngoại, sử dụng vốn ODA và chuẩn bị cho Năm APEC 2017.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh các dự án sử dụng vốn vay phải bảo đảm yêu cầu kép là hiệu quả và khả năng trả nợ. (Ảnh: VGP) |
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nguồn vốn ODA với lãi suất thấp sẽ kết thúc vào năm 2017 và hiện Chính phủ đang hết sức tích cực vận động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong khi quyết định còn phụ thuộc vào các nhà tài trợ.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang xem xét xây dựng một cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA, trong đó yêu cầu về trách nhiệm của các địa phương, hiệu quả và khả năng trả nợ được đặt lên hàng đầu.
Phó Thủ tướng đánh giá Đà Nẵng là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án ODA. Quan trọng hơn, các dự án được đánh giá về cơ bản “đúng tiến độ, bảo đảm được mục tiêu và hiệu quả đề ra”, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Đà Nẵng cũng là địa phương có tốc độ giải ngân ODA cao, đạt trên 30% so với mức trung bình cả nước là 18-20%, một phần do khả năng đáp ứng được vốn đối ứng tốt và kinh nghiệm từ việc thành lập Hội đồng dự án. Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết cán bộ của Đà Nẵng đã từng được mời sang Washington (Hoa Kỳ) để chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng nguồn vốn ODA.
Báo cáo tại buổi làm việc của TP. Đà Nẵng cho biết trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố triển khai 13 dự án với tổng vốn đầu tư trên 700 triệu USD, tập trung vào một số dự án có quy mô lớn, góp phần quan trọng vào việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng Thành phố.
Các dự án ODA còn góp phần cải thiện hệ thống, mạng lưới cấp nước; cải thiện điều kiện y tế (chẩn đoán và điều trị ung thư), nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đưa Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT.
Đà Nẵng cần chủ động xây dựng nội dung hợp tác cụ thể
Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư và khách du lịch, xuất nhập khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 663 triệu USD, tăng 10,5% trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 623 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu hút khách du lịch ước đạt 2,475 triệu lượt, đạt 48,2% kế hoạch, tăng 11,1% so với cùng kỳ, tổng doanh thu ước đạt 7.177 tỷ đồng. Đến nay có 21 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động. Dự kiến sẽ mở đường bay Osaka-Đà Nẵng vào tháng 8/2016.
Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 30 dự án FDI có tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, nâng tổng số dự án trên địa bàn lên 409 dự án với số vốn đăng ký 3,673 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ còn trăn trở trước thực trạng Đà Nẵng, mặc dù luôn dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, song tình hình thu hút đầu tư nước ngoài chưa được như mong muốn. Lãnh đạo Đà Nẵng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường hỗ trợ khắc phục thực trạng này, kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, CNTT tại khu công nghệ cao của Đà Nẵng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ Đà Nẵng trong việc quảng bá thu hút đầu tư du lịch và thu hút đầu tư thương mại nhưng Thành phố phải chủ động kiến nghị những nội dung hợp tác cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung gợi ý kinh nghiệm cho thấy khi làm việc với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, cần có cán bộ thạo tiếng Nhật, các tài liệu xúc tiến đầu tư cần ngắn gọn và dịch sang ngôn ngữ bản địa.
Cần ngay một kế hoạch để tận dụng cơ hội từ Tuần lễ cấp cao APEC
Trong buổi làm việc, lãnh đạo TP. Đà Nẵng báo cáo với Phó Thủ tướng về tiến độ chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017.
Phó Thủ tướng cho rằng việc Đà Nẵng được chọn tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên Thành phố cần có ngay một kế hoạch tổng thể để tận dụng cơ hội quảng bá tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư...
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, sẽ có sự hiện diện của nguyên thủ các nước hàng trăm doanh nghiệp lớn trên thế giới, và giới báo chí. Vì vậy, Đà Nẵng cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, từ những việc hết sức cụ thể như sản phẩm đặc thù của địa phương, tặng phẩm hay vật kỷ niệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của TP. Đà Nẵng, trong đó có các dự án lớn về cải thiện nguồn nước, xây dựng cảng biển Liên Chiểu…
Đối với Dự án cải thiện môi trường nước do cơ quan JICA của Nhật đề xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến dự án này theo quy định của Nghị định 16 đồng thời yêu cầu Đà Nẵng có báo cáo đánh giá tiền khả thi kỹ lưỡng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về dự án phát triển CNTT giai đoạn 2, được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc quan tâm, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của UBND Thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung dự án trên vào Danh mục vay vốn ODA giai đoạn 2017-2020 đối với Dự án hành lang kinh tế Đông-Tây 2.
Với Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP, với tổng vốn đầu tư dự kiến 7913 tỷ, Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Giao thông vận tải làm rõ nguồn vốn và khả năng thu hồi vốn.