Giáo dục Ấn Độ có ưu điểm lớn trong phương pháp dạy và học là phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo. |
Chất lượng là quan trọng
Từ xa xưa, Ấn Độ đã là một trung tâm học tập với rất nhiều môn học như triết học, tôn giáo, dược, văn học, kịch và nghệ thuật, chiêm tinh học, toán học và xã hội học đã được biên soạn và giảng dạy tại Ấn Độ. Ngày nay, ai cũng nhận thấy Ấn Độ là một quốc gia hàng đầu về công nghệ và sản xuất phần mềm máy tính. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng có thể giúp các sinh viên quốc tế trở thành các nhà chuyên nghiệp về công nghệ thông tin, hạt nhân và điện hạt nhân, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới.
Giáo dục Ấn Độ có một ưu điểm lớn trong phương pháp dạy và học là phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo. Với chế độ thi cử nghiêm khắc, đảm bảo tính trung thực, sinh viên Ấn Độ phải qua những kỳ thi rất khó khăn. Tỷ lệ thi đầu vào đối với ngành kỹ thuật thường là 1 chọi 25 và với ngành y là 1 chọi 50. Dù vậy, phần đông các sinh viên nước ngoài vẫn theo kịp các chương trình học vì sinh viên học đuối đều được dạy kèm thêm. Hơn nữa, giáo dục Ấn Độ luôn chú trọng việc giảng dạy trực tiếp tới từng cá nhân. Các giáo viên thường xuyên giao tiếp với từng sinh viên, giúp họ tháo gỡ khó khăn trong quá trình học tập.
Giải pháp khả thi về tài chính
Tại Ấn Độ, giáo dục bằng tiếng Anh bắt đầu ngay từ thế kỉ 19. Trong đời sống, Anh ngữ được dùng như tiếng mẹ đẻ và hầu hết các trường đều sử dụng tiếng Anh. Có thể nói, đây là một trong những giải pháp tuyệt vời cho những người không mạnh về tài chính nhưng muốn học tập tại một môi trường nói tiếng Anh.
Theo thông tin của Hội đồng Giao lưu văn hoá Ấn Độ, chi phí cho một khoá học tại các trường ĐH dân lập của Ấn Độ (bậc ĐH, kéo dài 3-5 năm) gồm cả tiền thuê KTX là từ 2.200-5.000USD/năm, trường công thì khoảng 1.000 USD/năm. Học phí cao nhất như của ngành y, dược, nha khoa cũng chỉ trên 10.000 USD. Và thực tế, giá sinh hoạt ở Ấn Độ không cao. Sinh viên ở ký túc xá có thể tự nấu ăn với chi phí “mềm” hơn nhiều vì Ấn Độ cũng có các chợ cóc tương tự như ở Việt Nam.
Trải nghiệm văn hóa
Sự khác biệt về tôn giáo dường như hoàn toàn không ảnh hưởng đến người nước ngoài và an ninh tại Ấn Độ. Hầu hết sinh viên học tại Ấn Độ đều nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân và thường được các bạn cùng lớp mời đến thăm nhà.
Du học tại Ấn Độ cũng gặp phải một số thử thách về khí hậu và thức ăn. Ví dụ, ở New Delhi, nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 43 độ C và phần lớn các chợ đều bán đủ thứ rau quả nhưng lại không cung cấp thịt bò, thịt lợn vì lý do tôn giáo. Tuy nhiên, khi học tập tại Ấn Độ, sinh viên sẽ có được những kinh nghiệm phong phú với một nền di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đa sắc: thăm khu đền Taj Mahal, cưỡi lạc đà trên các đụn cát ở sa mạc Rajast, thưởng thức các hình thái nghệ thuật cổ xưa như múa Bharatnatyam, Odissi và các lễ hội.
Mở đường cho du học sinh ASEAN
Không chỉ Hàn Quốc hay nhiều quốc gia châu Á khác, du học sinh các nước ASEAN có thể tìm thấy rất nhiều triển vọng mới cho mình tại Ấn Độ. Cuối năm 2009, nhóm công tác ASEAN-Ấn Độ về khoa học và công nghệ (AIWGST) đã tiến hành khoá họp thứ 7 tại thành phố Gurgaon, bang Haryana nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực vật liệu tiên tiến, công nghệ thông tin, quản lý công nghệ, khoa học biển, công nghệ thực phẩm, khí tượng và công nghệ vũ trụ. Hai bên cũng đã nhất trí các chương trình tăng cường trao đổi sinh viên, các chuyên gia khoa học và công nghệ.
Mới đây, Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 15, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định tiếp tục hợp tác và hỗ trợ ASEAN về khoa học-công nghệ, y tế, phát triển nguồn nhân lực thông qua lập các Quỹ Phát triển KH-CN và Quỹ Xanh ASEAN-Ấn Độ, và các trung tâm phát triển doanh nghiệp, đào tạo tiếng Anh và công nghệ thông tin ở các nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam.
TUẤN THANH