Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cho biết không có nhu cầu vay dù được ngân hàng mời chào. (Nguồn: CafeF) |
Từ chối lời chào mời
Đơn hàng sút giảm tới 30% so với cùng kỳ, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, Công ty đã từ chối mọi lời mời cho vay của các ngân hàng dù lãi suất rất ưu đãi. Thay vào đó, công ty chỉ sử dụng vốn tự có để xoay xở.
Theo ông Việt, bài học để doanh nghiệp “sống sót” qua giai đoạn này là cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, nỗ lực tìm kiếm thị trường, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động để sẵn sàng bứt phá khi thị trường hồi phục, nâng cao năng lực quản trị và cắt giảm mọi chi phí không cần thiết.
“Chúng tôi chỉ có kế hoạch vay vốn trở lại khi đơn hàng cải thiện. Nếu trước kia, ngành may mặc có thể dự đoán được tình hình thị trường ít nhất là trước 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, nhưng hiện nay, thị trường biến động liên tục. Các kế hoạch dài hạn dường như không còn sự chắc chắn, doanh nghiệp phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường”, ông Việt cho hay.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ trạng thái chặt chẽ, chắc chắn sang trạng thái “linh hoạt, nới lỏng hơn” song lãi suất giảm cũng chưa thể “đẩy” vốn chảy ra nền kinh tế.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn.
“Lãi suất cho vay giảm nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh, đầu tư xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn, hay các yếu tố khác ví dụ như nguồn cung của thị trường nhà ở, dịch vụ nhà ở được cải thiện. Thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi động lực đầu tư, xuất khẩu suy yếu, tiêu dùng nội địa tăng chậm lại”, TS. Bình nhận định.
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cũng cho hay, vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp hiện nay không là vốn mà là vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Nói cách khác, bên cạnh sự tiếp sức của ngân hàng, điều doanh nghiệp cần hiện nay là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Bơm tín dụng mọi giá sẽ gây nhiều hệ lụy
Tín dụng và lãi suất luôn được ví von như một chiếc ván bập bênh. Lãi suất hạ sẽ làm tín dụng tăng và ngược lại. Nguyên lý bập bênh là vậy. Để kích thích tăng trưởng, các nền kinh tế tìm cách hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng, kích thích đầu tư và từ đó kích thích tăng trưởng. Tuy vậy, để chiếc ván bập bênh này hoạt động bình thường, tổng cầu nền kinh tế phải đủ mạnh để hấp thụ được vốn.
Với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, theo TS. Lê Duy Bình, việc tiếp tục hạ lãi suất không những chưa chắc “bẩy” được tín dụng mà còn có khả năng gây ra nhiều rủi ro chực chờ về lạm phát, tỷ giá.
“Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở tổng cầu. Ngoại trừ tiêu dùng trong nước, đầu tư, chi tiêu chính phủ, thì hoạt động xuất - nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hoá dịch vụ từ Việt Nam. Thực tế thì sự hồi phục của thị trường xuất khẩu của hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam cho tới thời điểm này chưa có những dấu hiệu tích cực một cách rõ nét.
Trong bối cảnh đó, gia tăng tín dụng để doanh nghiệp hay các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh trong khi tổng cầu không không đảm bảo hấp thụ được năng lực sản xuất được mở rộng và nguồn cung gia tăng chắc chắn chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính doanh nghiệp và kế đó là đối với chất lượng tín dụng”, ông Bình cảnh báo.
Theo nhận định của giới chuyên gia, hạ lãi suất, tìm mọi cách bơm tín dụng ra nền kinh tế bất chấp thiếu các dự án kinh doanh có tính khả thi có thể dẫn đến tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ, từ đó khiến một số thị trường tăng giá bong bóng trở lại.
Do vậy, tăng trưởng tín dụng nên chỉ ở liều lượng phù hợp để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Việc bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể gây ra nhiều hệ luỵ, đặc biệt là về rủi ro gia tăng nợ xấu.
Để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa để giảm chi phí thực thi của doanh nghiệp, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như thời điểm dịch Covid-19) đối với những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Ngoài ra, cần có giải pháp vực dậy thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh trường trái phiếu và thị trường bất động sản còn gặp khó khăn, chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn, Hiệp hội kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP theo hướng kéo dài thời gian gia hạn tối đa 3 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (thay cho quy định hiện tại là 2 năm) và có giải pháp thúc đẩy các gói tín dụng ưu đãi như gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, 120.000 tỷ đồng...
Các tổ chức tín cũng phải rà soát, đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng, áp dụng linh hoạt điều kiện tài sản đảm bảo cho từng nhóm đối tượng khách hàng, giảm thêm lãi suất cho vay…
Về phía mình, các doanh nghiệp phải quyết liệt tái cơ cấu chính mình, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, bán hàng, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; Tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động…